Phòng bệnh tay - chân - miệng trước thềm năm học mới

Phòng bệnh tay - chân - miệng trước thềm năm học mới

(GD&TĐ) - Cục Y tế dự phòng cho biết, tính đến nay cả nước đã có hơn 32.000 ca mắc bệnh tay - chân - miệng, 81 trường hợp tử vong và tình hình bệnh còn diễn biến phức tạp.

Những địa phương có số ca mắc nhiều là Ðồng Tháp, Bình Dương, Ðồng Nai... Thành phố Hồ Chí Minh có số ca tử vong cao nhất với 21 ca. Ðiều đáng lo ngại là bệnh tay - chân - miệng không chỉ bùng phát ở các tỉnh phía Nam mà còn xuất hiện ở cả miền Bắc và một số tỉnh nông thôn, miền núi như: Hà Nội, Ninh Bình, Hà Nam, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Hòa Bình, không chỉ ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi còn xuất hiện trường hợp người lớn bị nhiễm bệnh này.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tại buổi họp triển khai công tác phòng chống dịch bệnh các tỉnh phía Nam tổ chức tại Viện Pasteur TP HCM ngày 15/8, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, đang cân nhắc việc công bố dịch bệnh tay chân miệng.

Việc công bố dịch theo Bộ trưởng sẽ giúp cả công tác dự phòng và điều trị thuận tiện hơn. Trong đó các bệnh viện tuyến dưới sẽ được quyền duyệt thuốc men và trang thiết bị để điều trị thay vì chuyển tuyến trên.

Bà Tiến cũng cho biết, qua kiểm tra tại một số tỉnh, thực tế cho thấy việc phòng bệnh chưa thật sự được chú tâm. Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh thành đẩy mạnh truyền thông để người dân hiểu rằng phòng bệnh hơn là tập trung chữa bệnh: "Tôi cho rằng cần tuyên truyền tốt những hành động nhỏ nhưng rất hiệu quả như rửa tay thật sạch cho trẻ và người chăm trẻ, khử khuẩn đúng cách các vật dụng mà trẻ thường tiếp xúc"

Người lớn cũng có thể mắc bệnh tay - chân - miệng

 Bệnh nhân lớn tuổi điều trị bênh tay - chân - miệng
Bệnh nhân lớn tuổi điều trị bênh tay - chân - miệng

Tại các bệnh viện năm nay số trẻ trên 5 tuổi mắc bệnh tay chân miệng nhập viện nhiều hơn so với những năm trước. Hiện nay, tại tỉnh Vĩnh Long và Thanh Hóa đã ghi nhận có vài trường hợp người lớn mắc bệnh tay - chân - miệng. Các trường hợp trên mới chỉ xuất hiện lẻ tẻ ở hai địa phương và mới chỉ ở thể nhẹ, chưa đáng lo ngại như tại trẻ em.

Phần lớn các trường hợp người lớn bị tay - chân - miệng thường là do lây bệnh từ trẻ nhỏ qua việc chăm sóc trực tiếp. Trường hợp người lớn bị mắc bệnh này đều có những tổn thương giống như tổn thương cơ bản của bệnh tay - chân - miệng ở trẻ em như: sốt, đau người, tổn thương phỏng ở gan bàn chân, bàn tay, bị loét miệng.

Theo báo cáo giám sát dịch bệnh, tỷ lệ mắc bệnh tay - chân - miệng ở người lớn vẫn chiếm một tỷ lệ nhất định trong tổng số các trường hợp mắc, vào khoảng 1%. Do đó với tình hình bệnh tay - chân - miệng năm nay diễn ra phức tạp, với số ca mắc tăng mạnh thì việc có nhiều người lớn mắc dịch bệnh này không phải là điều bất thường.

Nguy cơ tăng các ca bệnh tay - chân - miệng

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), qua phân tích tình hình, cũng như quy luật diễn biến của bệnh tay chân miệng, trong những tháng tới đây, nhất là từ tháng 9 tới tháng 11, số ca mắc tay - chân - miệng sẽ còn tiếp tục tăng và sẽ lây lan rộng hơn. Do đây là thời điểm bắt đầu năm học mới, trong khi đó bệnh này lại chủ yếu mắc và lây lan ở trẻ em nếu việc phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường ở các trường học không được quan tâm và thực hiện triệt để. Cho đến nay trên thế giới cũng như tại Việt Nam đều chưa có vaccin và thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh tay - chân - miệng nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu vẫn là nâng cao nhận thức của các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ.

Ảnh minh họa (Internet)
Ảnh minh họa (Internet)

Bệnh tay - chân - miệng chủ yếu lây lan qua tiếp xúc với dịch tiết từ mũi, hầu, họng, nước bọt, dịch tiết từ các nốt phỏng, phân nhiễm virus nên biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất là vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng cho cả trẻ em và người chăm sóc trẻ (phụ huynh, giáo viên), nhất là khi chuẩn bị thức ăn cho trẻ, cho trẻ ăn. Việc phòng bệnh ở người lớn và trẻ em là giống nhau như: thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, vệ sinh răng miệng, thông gió nhà cửa hằng ngày; vệ sinh môi trường, làm sạch các bề mặt và khử trùng đồ chơi của trẻ em, dụng cụ sinh hoạt, không ăn chung thìa, bát hoặc tiếp xúc với người bị bệnh…

Các bậc cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ sức khỏe con em mình, đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi phát hiện các biểu hiện sốt, loét miệng, phỏng nước ở bàn tay, bàn chân, vùng mông, đầu gối để cách ly và điều trị hiệu quả, tránh biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra, vệ sinh tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc, chăm sóc trẻ để hạn chế lây nhiễm bệnh từ trẻ.

Ngành y tế hiện vẫn đang  tích cực phối hợp với các ngành, cơ quan liên quan tăng cường công tác truyền thông, giáo dục cho cộng đồng về các biện pháp phòng bệnh. Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên tục giám sát, phát hiện ổ dịch mới, tập trung xử lý triệt để, tổ chức phân tuyến điều trị hợp lý, tránh hiện tượng quá tải bệnh nhân tại bệnh viện, hạn chế tối đa tỉ lệ tử vong. Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn mới về chẩn đoán, điều trị bệnh tay - chân - miệng tại các cơ sở y tế.

Các triệu chứng lâm sàng thường gặp như: giai đoạn đầu (từ 1-2 ngày) có các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày. Giai đoạn toàn phát, có thể kéo dài 3-10 ngày có các triệu chứng điển hình như: loét miệng, vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt; phát ban dạng phỏng nước, ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông... tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm; sốt nhẹ; nôn. Nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng. Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày 2 đến ngày 5 của bệnh.

Về điều trị, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị hỗ trợ. Do vậy, cần theo dõi sát, phát hiện sớm và điều trị biến chứng, bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao thể trạng cho trẻ. Hướng dẫn cũng ghi rõ quy trình điều trị cụ thể: độ 1: Điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở; độ 2: Điều trị nội trú tại bệnh viện.

Về phòng bệnh, hiện chưa có vaccine phòng bệnh đặc hiệu, do vậy, cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa đối với bệnh lây qua đường tiêu hóa, đặc biệt chú ý tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây.

Lộc Hà (TH)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ