Bệnh dịch lên ngôi
Trong những bệnh liên quan đến thời tiết mưa, ẩm, sốt xuất huyết là điển hình. Tại TPHCM, năm nào cũng ghi nhận số người mắc cao. Năm nay, theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết bắt đầu tăng mạnh. Riêng trong tháng 7, số mắc phải nhập viện trung bình mỗi tuần lên tới 200 ca.
Năm nào dịch bệnh cũng xảy ra với số người mắc lớn, số tử vong cũng tương đối nhưng dường như người dân vẫn không hề biết sợ. Giám sát mới đây cho thấy, toàn thành phố có 3.440/10.979 điểm nguy cơ có loăng quăng, chiếm 31%. Ngoài ra, còn phát hiện thêm 723 điểm nguy cơ mới phát sinh. Các điểm nguy cơ cao về sốt xuất huyết tập trung chủ yếu ở các huyện Bình Chánh, Hóc Môn và quận Thủ Đức.
Theo nhận định của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, nguyên nhân chính khiến các huyện ngoại thành có nhiều ấp - khu phố có điểm nguy cơ sốt xuất huyết là do địa phương này có nhiều khu dân cư xen cài với những khoảng đất trống. Ngoài ra, tại các địa phương này còn có khá nhiều ao, hồ chứa nhiều vật phế thải nên cũng làm phát sinh loăng quăng, muỗi. Bên cạnh đó, người dân nơi đây vẫn còn thói quen trữ nước trong các chum, vại… Với đặc điểm trên, BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố lo ngại về khả năng bùng phát dịch, nhất là vào cao điểm tháng 9 - 10 tới đây.
Bên cạnh sốt xuất huyết, bệnh về đường hô hấp cũng đang có xu hướng tấn công trẻ nhỏ. Những ngày qua, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1&2 TPHCM làm việc hết công suất. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, khoa Hô hấp dù có tới 200 giường nhưng luôn rơi vào tình trạng quá tải. Nhiều khi bác sĩ trong khoa phải cầu cứu khoa khác để mượn giường, mượn bác sĩ để cấp cứu và điều trị cho bệnh nhi.
Ở miền Bắc, nắng nóng bắt đầu giảm dần và thay vào đó là những cơn mưa bất chợt kèm theo các trận bão. 2 cơn bão đi qua để lại thiệt hại không nhiều nhưng ảnh hưởng sau bão đã khiến một số khu vực của tỉnh Lào Cai tê liệt. Sau lũ, nhiều người dân rơi vào cảnh trắng tay do mất nhà cửa, đồ đạc. Không có đồ ăn và nhiều dịch bệnh nảy sinh do ô nhiễm môi trường (tiêu chảy, da liễu, hô hấp…).
Phòng bệnh mùa mưa
Năm nào cũng vậy, hết dịch bệnh mùa nắng nóng, các tỉnh, thành phố lại đối mặt với bệnh mùa mưa. Năm nay, tuy mới ở đầu mùa dịch nhưng số mắc tại khu vực phía Nam đã tăng chóng mặt.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, có tới 60% bệnh nhi đến từ khu vực lân cận. Tuy nhiên, điều đáng nói ở chỗ rất nhiều trường hợp có thể điều trị ở tuyến dưới nhưng do gia đình không tin tưởng nên đổ dồn về tuyến trên dẫn đến cảnh 3 - 4 trẻ nằm một giường, thậm chí có trẻ phải nằm ngoài hành lang. Theo khuyến cáo của bác sĩ, dù tiết trời đã mát nhưng cần để ý nhiệt độ phòng ngủ của trẻ bởi cơ thể trẻ nóng hơn người lớn, dễ ra mồ hôi khi ngủ. Hơn nữa, nhiều bệnh ở trẻ liên quan đến bàn tay người chăm sóc. Do vậy, cha mẹ, thầy cô hay người trông trẻ phải luôn nhớ giữ đôi tay của mình trước khi chế biến đồ ăn cho trẻ, chăm trẻ.
Để khống chế dịch sốt xuất huyết, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM đặt ra mục tiêu trong tháng 8 này, các địa phương phải chủ động phòng chống sốt xuất huyết. Quyết tâm không để số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao so với cùng kỳ năm trước, nhất là vào thời điểm tháng 9 và tháng 10 tới. Để làm được điều này, các quận huyện có nguy cơ cao phải hoàn tất việc điều tra vùng nguy cơ sốt xuất huyết, tiến hành phun thuốc diệt muỗi, diệt loăng quăng và tổ chức cho người dân ký cam kết diệt loăng quăng.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Bộ Y tế cũng có công văn yêu cầu các địa phương triển khai công tác y tế phòng chống mưa, lũ. Ngành Y tế các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Yên Bái, Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực miền núi phía Bắc theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ; chủ động phòng chống lũ quét, ngập úng ở vùng trũng, phát huy phương châm bốn tại chỗ, đối phó kịp thời chính xác, hạn chế thấp nhất về người và tài sản do mưa, lũ gây ra.
Có phương án bảo vệ hoặc di dời cơ sở y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế tại các vùng có nguy cơ xảy ra lũ, lụt, sạt lở đất lên kế hoạch chủ động sơ tán cơ sở y tế ở những vùng trũng, thấp và vùng có nguy cơ ngập úng; chỉ đạo công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, đề phòng dịch bệnh có thể phát sinh sau mưa lũ…