Cẩn trọng với bệnh đột quỵ
Hai tuần trở lại đây, nhiệt độ giảm đột ngột, vì vậy một số bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội, như Bạch Mai, Bệnh viện E, Bệnh viện 103, số lượng bệnh nhân nhập viện tăng từ 10 đến 20%. Tại Khoa Tim mạch, Bệnh viện 103, có lúc 2 bệnh nhân phải nằm ghép một giường. Nghiên cứu cho thấy, có gần 70% người bệnh không biết mình bị tăng huyết áp cho đến khi bị tai biến mạch não, liệt, hôn mê. Nguyên nhân dẫn đến đột quỵ chủ yếu là do tăng huyết áp, đái tháo đường và bệnh tim mạch.
Theo thông tin từ Khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai), trong những ngày giá rét, số bệnh nhân đột quỵ gia tăng. Cụ thể vào 4 ngày nghỉ lễ, trong tổng số 130 - 140 bệnh nhân cấp cứu mỗi ngày, có 30 - 40 bệnh nhân đột quỵ tăng gần 10% so với ngày thường. Trong đó có không ít người vào viện trong tình trạng nặng có thể nguy hiểm tới tính mạng.
Theo bác sĩ Hoàng Đình Cường, để phòng bệnh những người già cần được đi khám theo định kỳ và được kê đơn thuốc theo triệu chứng và mức độ bệnh. Mọi người phải tuân thủ theo cách thức và liều lượng thuốc hàng ngày. Đặc biệt, thời tiết lạnh, người cao tuổi không nên ra ngoài lúc sáng sớm và tối muộn. Mọi người nên thay đổi thói quen tập thể dục trong phòng kín gió vào mùa đông. Cần có thói quen tự kiểm tra huyết áp cho bản thân, cũng như có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý. Nên ăn các thức ăn nóng ấm đủ chất dinh dưỡng, không nên thay đổi tư thế đột ngột khi vừa tỉnh dậy.
Bác sĩ Hoàng Đình Cường, Khoa Các bệnh mạch máu, Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết: Thời tiết thay đổi làm cho áp suất khí quyển thay đổi, dẫn tới huyết áp thay đổi thất thường gây ra hiện tượng nhồi máu cơ tim, đột quỵ, rất nguy hiểm tới tính mạng. Khi các mạch máu co lại, lượng máu lên não giảm sẽ làm gia tăng đột quỵ. Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong hoặc để lại di chứng hết sức nặng nề. Bệnh viện Tim Hà Nội mấy ngày gần đây đã có những bệnh nhân huyết áp tăng tới 200mm/hg, thậm chí cao hơn 200mm/hg.
“Đột quỵ có hai dạng, thứ nhất khi huyết áp cao, mạch máu vỡ ra (xuất huyết não); thứ hai nhồi máu não do mạch máu bị nghẽn và tắc lại. Hầu như các trường hợp đột quỵ đều đã có mầm bệnh từ trước. Người bệnh huyết áp cao, bị tiểu đường, hoặc mỡ máu cao, béo phì… Song khi thời tiết lạnh, thay đổi đột ngột cũng là một tác nhân khiến người cao tuổi dễ suy yếu về sức khỏe nhất là người có tiền sử bệnh tim mạch. Vì vậy, khi phát hiện các dấu hiệu báo động đột quỵ (như nói ngọng, cử động yếu, khuôn mặt bị méo...), người bệnh cần được chuyển ngay tới các cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu. Thời điểm vàng để cấp cứu cho người đột quỵ chỉ từ 3 đến 4 giờ khi có các dấu hiệu trên” – Bác sĩ Hoàng Đình Cường đưa ra lời khuyên.
Trẻ dễ bị nhiễm lạnh
Bên cạnh người già, trẻ em cũng là đối tượng hay mắc bệnh khi nhiệt độ hạ thấp. Những ngày này, Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày tiếp nhận gần 2.000 trẻ tới khám và chữa bệnh. Do trọng lượng cơ thể thấp, khả năng sinh nhiệt để duy trì nhiệt độ cơ thể hạn chế, vì vậy trẻ em rất dễ mắc bệnh khi thời tiết rét đậm hoặc rét hại. Thời điểm này bệnh nhân nhập viện chủ yếu mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp như viêm họng, viêm xoang, viêm amidan, viêm phổi.
PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư khuyến cáo: Cha mẹ cần thường xuyên giữ ấm cho trẻ bằng cách mặc đủ ấm, ăn uống đủ dinh dưỡng, tránh cho trẻ ra ngoài mà không đeo khẩu trang. Tuy nhiên, không nên cho trẻ mặc quá nhiều áo, vì như thế trẻ dễ bị toát mồ hôi, ngấm ngược vào cơ thể gây cảm lạnh, sốt cao. Các gia đình cần giữ gìn vệ sinh nhà cửa, vật dụng cá nhân, tránh ẩm mốc để loại bỏ các mầm bệnh. Bên cạnh đó, cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch.
Thời tiết thay đổi thất thường, khí hậu lạnh và ẩm cũng là điều kiện thuận lợi cho một số dịch bệnh dễ phát sinh, phát triển trong đó phải kể đến các dịch bệnh đường hô hấp như cúm, hội chứng cảm lạnh, các bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus các loại, các dịch sốt phát ban lây qua đường hô hấp như sởi, rubella, adeno virus, thủy đậu, quai bị, viêm màng não do não mô cầu, Hib...