(GD&TĐ)-Bộ GD&ĐT trả lời chất vấn của đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về vấn đề giáo dục đạo đức, ứng xử cho HSSV.
Triển khai đại trà việc tích hợp giảng dạy nội dung “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” vào nhà trường từ năm học 2010-2011 |
Nội dung chất vấn:
Một trong những mục tiêu rất quan trọng của nền giáo dục Việt Nam là giáo dục nhân cách, giáo dục làm người. Tuy nhiên thực trạng đạo đức, ứng xử của học sinh, thanh thiếu niên chúng ta có nhiều biểu hiện rất đáng lo ngại. Trước vấn đề bức xúc nêu trên, xin Bộ trưởng cho biết giải pháp trước mắt và lâu dài của ngành giáo dục nhằm góp phần phối hợp, tăng cường giáo dục thế hệ trẻ trở thành công dân tốt cho xã hội, để một con người chưa thành tài nhưng tối thiểu cũng phải thành người để sống tốt?
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
Việc giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách cho học sinh bao gồm tổng hợp của nhiều yếu tố: Giáo dục từ nhà trường, giáo dục từ gia đình và giáo dục từ xã hội. Về phía nhà trường, việc giáo dục đạo đức cho học sinh được thực hiện thông qua các môn học chính khoá và thông qua các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều giải pháp, cụ thể:
1. Đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy các môn học Đạo đức, Giáo dục công dân và môn Pháp luật cho phù hợp với thực tế về cơ sở vật chất; Kết hợp bài giảng trên lớp với hoạt động ngoại khóa. Đề cao vai trò và trách nhiệm của giáo viên trong công tác giáo dục đạo đức cho học sinh thông qua giảng dạy các môn văn hóa. Theo đó, thông qua các bài dạy, giáo viên kích thích, khơi dậy lòng yêu thích bộ môn, say mê nghiên cứu, khám phá khoa học, bồi dưỡng nhân sinh quan và thế giới quan khoa học qua môn học, từ đó góp phần hình thành nhân cách, lý tưởng sống tốt đẹp cho học sinh, sinh viên.
2. Từ năm học 2010-2011, triển khai đại trà việc tích hợp giảng dạy nội dung “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” vào nhà trường từ cấp học mầm non, tiểu học, phổ thông đến các trường trung cấp chuyên nghiệp. Hướng dẫn các nhà trường và các cơ quan quản lý giáo dục tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo làm một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Thông qua tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo của thầy cô giáo để cho học sinh noi theo. Chỉ đạo các nhà trường tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
3. Chỉ đạo các nhà trường tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác giáo dục trẻ em, học sinh, sinh viên. Trong đó, chú trọng những nội dung sau:
- Tăng cường phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể trong trường: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên, Công đoàn và các tổ chức khác trong việc giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, pháp luật, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên.
- Tăng cường phối hợp nhà trường, gia đình và xã hội, xác lập hình thức thích hợp thường xuyên liên hệ với gia đình để thông báo tình hình rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của học sinh, sinh viên.
4. Tổ chức có hiệu quả phong trào thi đua, khen thưởng và các hoạt động giáo dục trong học sinh, sinh viên
- Tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, hướng về cội nguồn, tổ chức các hoạt động vui chơi văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao để giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên. Tăng cường rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh.
- Tôn vinh, khen thưởng kịp thời các học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập, công tác và rèn luyện để giáo dục niềm tự hào, hoài bão ước mơ, ý chí vươn lên cho các thế hệ học sinh, sinh viên noi theo.
5. Phối hợp, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các cơ quan, đoàn thể
- Phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” giai đoạn 2008 -2013; triển khai thực hiện tốt Nghị quyết liên tịch về tăng cường công tác giáo dục toàn diện học sinh, sinh viên và xây dựng tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong nhà trường giai đoạn 2008 – 2012;
- Thực hiện “Chương trình phối hợp thực hiện các hoạt động giáo dục” giữa Bộ GDĐT với Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện VTC nhằm tuyên truyền, hỗ trợ công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào thi đua nói riêng và công tác giáo dục toàn diện học sinh, sinh viên nói chung.
Trong quá trình chỉ đạo, Bộ sẽ cùng các địa phương, cơ sở giáo dục đào tạo sơ kết rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện, góp phần giáo dục về đạo đức và nhân cách cho học sinh, sinh viên.
Bộ GD&ĐT