Phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

GD&TĐ - Chiều 24/6, Bộ GD&ĐT, Ủy ban dân tộc phối hợp tổ chức hội nghị trao đổi các giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có các Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Phạm Ngọc Thưởng, Ngô Thị Minh; các Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: Nông Quốc Tuấn, Lê Sơn Hải, Hoàng Thị Hạnh, Y Thông; cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ GD&ĐT, Ủy ban Dân tộc.

Ông Hà Việt Quân, Chánh văn phòng điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia, Ủy ban Dân tộc cho biết: Mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 nhằm thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước. Đến năm 2025, giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu. 

Đây là lần đầu tiên Quốc hội phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia kéo dài 10 năm. Chương trình gồm 10 dự án thành phần. Trong dự án 5 của Chương trình, Bộ GD&ĐT được giao chủ trì tiểu dự án 1 về đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tiểu dự án 1 của dự án 5 có 4 mục tiêu chính.

Mục tiêu 1: Đổi mới hoạt động của cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; bảo đảm thực hiện công bằng trong giáo dục giữa các vùng, miền và dân tộc.

Mục tiêu 2: Củng cố và phát triển hợp lý hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú để bảo tốt việc tổ chức dạy học và nuôi dưỡng học sinh dân tộc thiểu số.

Mục tiêu 3: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú.

Mục tiêu 4: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho mọi người về công tác xóa mù chữ.

Tiểu dự án có 2 hoạt động, gồm: Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú; Xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, lãnh đạo Ủy ban Dân tộc trao - tặng quà lưu niệm.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, lãnh đạo Ủy ban Dân tộc trao - tặng quà lưu niệm. 

Tại hội nghị, nội dung quan trọng được tập trung trao đổi liên quan đến phối hợp giữa Ủy ban Dân tộc và Bộ GD&ĐT trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; phối hợp thực hiện các nhiệm vụ khác có tính tương đồng giữa hai bên; đồng thời, hoàn thiện hệ thống văn bản, quy chế phối hợp giai đoạn 2021-2030, để trên cơ sở đó hàng năm xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết.

Kết quả chương trình phối hợp được Bộ GD&ĐT, Ủy ban Dân tộc ký kết từ năm 2018 cũng được các ý kiến tại hội nghị ghi nhận, khẳng định.

Phát biểu kết luận Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh việc xây dựng chương trình phối hợp trong thời gian tới giữa Ủy ban Dân tộc và Bộ GD&ĐT. Chương trình gồm 2 phần lớn: Phối hợp thực hiện nhiệm vụ về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Phối hợp thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên khác có liên quan đến chức năng nhiệm vụ 2 bên.

Khẳng định sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề giáo dục - đào tạo tại các khu vực miền núi, khu vực khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, sự quan tâm này không chỉ góp phần thúc đẩy giáo dục - đào tạo nói chung, mà còn mang nhiều ý nghĩa xã hội, thể hiện chính sách ưu việt của đất nước.

Với các Chương trình mục tiêu quốc gia đều mang tính chất liên ngành, liên bộ; liên quan đến các bộ ngành. Do đó, để triển khai hiệu quả, theo Bộ trưởng cần sự quan tâm, vào cuộc tích cực của các bên liên quan. Vấn đề phối hợp giữa Bộ GD&ĐT và Ủy ban Dân tộc cũng được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đặc biệt nhấn mạnh nhằm thúc đẩy hơn nữa giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo phi hạt nhân mới “Oreshnik” của Nga

'Mục tiêu nóng' đang chờ Oreshnik?

GD&TĐ -Nga được cho là đã biên soạn một danh sách các địa điểm quân sự quan trọng của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.