Khởi sắc giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số

GD&TĐ - Sau 10 năm triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi giai đoạn 2010 – 2017 trên địa bàn tỉnh Lai Châu không chỉ tạo điều kiện cho sự nghiệp giáo dục vùng khó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều khởi sắc, mà còn góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương.

Khởi sắc giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới gồm có 7 huyện, 1 thành phố với 20 dân tộc (trong đó có 4 dân tộc rất ít người là Cống, Mảng, La Hủ và Si La) cùng sinh sống. Đồng bào DTTS chiếm trên 80%. Ngay sau khi chia tách, thành lập tỉnh, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, hệ thống trường, lớp học phát triển nhanh chóng.

Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn có trường mầm non (MN), tiểu học (TH), trung học cơ sở (THCS); 100% huyện, thành phố có trường phổ thông dân tộc nội trú cấp THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - hướng nghiệp thường xuyên. Hết năm học 2016 – 2017, toàn tỉnh có 429 trường (so với năm học 2010 - 2011: MN tăng 11 trường, 10.739 trẻ; TH tăng 2 trường, 10.848 học sinh; THCS tăng 7 trường, 7.557 học sinh; THPT tăng 6 trường, 2.976 học sinh. Chất lượng giáo dục tăng ở tất cả các bậc học, kể cả các xã vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa. Tỷ lệ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia hàng năm đạt từ 93% trở lên, năm học 2016 – 2017 đạt 99,25%. Toàn tỉnh có trên 130 trường đạt chuẩn Quốc gia…

Nhờ sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, Trường mầm non số 2 thị trấn Sìn Hồ (huyện Sìn Hồ) được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi của trẻ. Trong ảnh: Tiết học ngoài trời của cô và bé lớp 4 - 5 tuổi.

Để có được kết quả đó, tỉnh Lai Châu đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến Nhân dân các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục và đào tạo. Chỉ đạo ngành Giáo dục và đào tạo, phối hợp với cấp uỷ, chính quyền cơ sở thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân đồng thuận, nâng cao nhận thức chăm lo việc học tập của con em.

Tỉnh cũng ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo cơ quan chuyên môn và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt các chính sách về giáo dục; ban hành một số chính sách mang tính đặc thù của địa phương nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cho vùng đồng bào DTTS các xã thuộc địa bàn kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí 20.484 triệu đồng.

Thực hiện Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng DTTS theo Quyết định số 1210/QĐ-TTg ngày 5/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh ta đã thực hiện 3 dự án hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng DTTS và vùng khó khăn giai đoạn 2010 - 2017 với tổng kinh phí thực hiện 246.790 triệu đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương bố trí 134.506 triệu đồng, ngân sách địa phương đối ứng 112.290 triệu đồng.

Từ nguồn vốn đó đã xây mới 110 phòng học, 18 phòng bộ môn, 197 phòng ở nội trú học sinh, 2 nhà tập đa năng, 24 phòng làm việc của cán bộ quản lý và giáo viên. Các sở, ngành, huyện, thành phố cũng tổ chức triển khai đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách của Nhà nước đối với học sinh DTTS, góp phần giúp các em có đủ điều kiện cơ bản về sinh hoạt, đáp ứng nhu cầu tối thiểu phục vụ học tập như miễn học phí, cấp học bổng khi học tại trường phổ thông dân tộc nội trú, chế độ học phẩm, tiền thưởng học sinh giỏi toàn diện; trang cấp hiện vật (chăn, màn, vật dụng...); sách giáo khoa và chi phí các hoạt động văn thể; bảo vệ sức khỏe... cho học sinh.

Một trong những chính sách giáo dục được đánh giá là đem lại hiệu quả, tạo nền tảng để con em đồng bào DTTS vững tin bước vào bậc tiểu học đó là Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi (PCGDMNTNT) theo Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 9/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố khảo sát đánh giá đúng thực trạng giáo dục mầm non về quy mô, mạng lưới trường lớp, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến lớp; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non; cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí cho trường, lớp mầm non…

Đến năm 2012 thành phố Lai Châu đã đạt chuẩn PCGDMNTNT; các huyện: Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên đạt chuẩn vào năm 2013; Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Tè (gồm cả huyện Nậm Nhùn chia tách năm 2013) đạt chuẩn vào năm 2014. Tỉnh Lai Châu được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn PCGDMNTNT vào năm 2015 theo Quyết định số 2507/QĐ-BGDĐT ngày 22/7/2016. Trong các năm tiếp theo tỉnh tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt chuẩn PCGDMNTNT.

Hết năm học 2016 - 2017, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến trường đạt 99,8%, 100% trẻ ra lớp được học 2 buổi/ngày, 100% trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình GDMN, trẻ 5 tuổi người DTTS đã nói thành thạo tiếng Việt trước khi vào lớp 1... Thông qua chính sách cử tuyển, toàn tỉnh đã có 336 sinh viên được cử đi học cử tuyển đã tốt nghiệp (trong đó, đã bố trí việc làm cho 258 sinh viên - chiếm 76,8%)…

Nhờ sự quan tâm hỗ trợ kịp thời, các em học sinh trong vùng dân tộc và miền núi đã có điều kiện học tập tốt hơn, giảm nhiều tình trạng giáo viên phải vận động học sinh đến trường, trường học cơ bản đảm bảo sĩ số học sinh đến lớp, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng đã giảm hẳn, chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng cao. Đồng bào các DTTS cũng giảm bớt được khó khăn, gánh nặng “cơm áo, gạo tiền” cho con em đi học, có điều kiện tập trung lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới.

Chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn quan tâm hỗ trợ đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở các trường chuyên biệt, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Thông qua đó đã thu hút được nhiều người có trình độ chuyên môn tốt lên công tác tại vùng khó.

Động viên, khuyến khích giáo viên yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp giáo dục, đưa giáo dục những vùng này tiến kịp với vùng thuận lợi. Ngoài ra, toàn tỉnh cũng tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người; chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với người học; đầu tư, hỗ trợ cho hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú; chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; chính sách dạy và học tiếng nói, chữ viết DTTS...

Từ năm 2010 đến nay, nhờ có các chính sách hỗ trợ con em vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa, chế độ phụ cấp cho cán bộ, giáo viên, học sinh đã góp phần tăng tỉ lệ học sinh đến trường. Nhiều em đã có những nỗ lực vượt khó và đạt thành tích cao trong học tập, đội ngũ trí thức là con em DTTS ngày càng tăng cao, con em các dân tộc đều có người học đại học, cao đẳng và các trường dạy nghề. Chương trình cử tuyển đã góp phần tạo nguồn, hình thành đội ngũ cán bộ cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh là người DTTS…

Đồng chí Tống Thanh Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định, các chính sách, pháp luật về hỗ trợ phát triển giáo dục vùng DTTS, miền núi giai đoạn 2010 – 2017 thực sự là nguồn lực quan trọng, giúp cho diện mạo giáo dục nơi đây có nhiều khởi sắc. Đội ngũ cán bộ giáo viên và nhân viên được đáp ứng, bổ sung, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Trường lớp được xây dựng kiên cố hóa - hiện đại hóa theo hướng đạt chuẩn quốc gia.

Cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi được bổ sung, công tác tự làm đồ dùng dạy học được tăng cường... tạo điều kiện cho con em các DTTS được học tập tốt hơn. Tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng giảm hẳn, chất lượng chăm sóc, giáo dục học sinh ngày càng được nâng cao. Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn có bước chuyến biến tích cực. Sự nghiệp giáo dục phát triển đã từng bước nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo Báo Lai Châu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ