Nghệ An: Linh thiêng lễ hội Đền vua Mai

GD&TĐ - Hằng năm, cứ đến ngày 13 – 15 tháng Giêng âm lịch, người dân khắp nơi lại nô nức trở về huyện Nam Đàn (Nghệ A)n dự lễ hội Đền vua Mai với nhiều hoạt động đặc sắc, sôi nổi, mang đậm bản sắc văn hóa vùng quê xứ Nghệ bên dòng sông Lam.

Nghệ An: Linh thiêng lễ hội Đền vua Mai

Lễ hội là dịp để nhân dân tưởng nhớ, ghi ơn công lao to lớn của vua Mai Hắc Đế cùng tướng lĩnh của ông trong cuộc khởi nghĩa chống ách độ hộ phương Bắc năm xưa.

Theo sử xưa kể lại, vua Mai Hắc Đế tên thật là Mai Thúc Loan, vốn gốc là người làng Mai Phụ (nay thuộc xã Mai Phụ, Lộc Hà, Hà Tĩnh), sinh ra, lớn lên và trưởng thành tại thôn Ngọc Trừng xã Đông Liệt (nay là xã Nam Thái, Nam Đàn). 

Ông sớm mồ côi cha mẹ nên phải đi ở từ thuở nhỏ, nhưng nhờ có sức vóc khỏe mạnh, thông minh, tài trí hơn người, lại đặc biệt giỏi võ nghệ nên ông sớm nổi tiếng trong vùng.

Khi Mai Thúc Loan lớn lên, cũng là lúc nhà Đường thống trị nước ta và chúng đã đặt ra lệ cống nạp sản vật nặng nề. Đã có không biết bao nhiêu người phải bỏ mạng trên đường đi gánh, thồ sản vật cống nạp vì đói khát, đòn roi của bọn quan hộ tống. Lòng căm thù bọn giặc Đường xâm lược ngày dâng cao trong nhân dân.

Mai Thúc Loan là người thấu hiểu được nỗi cơ cực, uất ức của người dân mất nước, nên đã đứng lên, lãnh đạo nhân dân nổi dậy làm nên cuộc khởi nghĩa ở xã Nam Thái  rồi bùng nổ, lan rộng rộng khắp trên phạm vi cả nước, quét sạch giặc xâm lược ra khỏi bờ cõi.

Năm 713. Mai Thúc Loan được nhân dân suy tôn lên làm Vua và có niên hiệu là vua “Mai Hắc Đế”, Triều đình Vạn An ra đời.

Sau này, vì thế giặc mạnh, cuộc khởi nghĩa bột phát, không đủ sức giữ thành quả thắng lợi lâu dài, nên cuối cùng bị phương Bắc thống trị trở lại. 

Tuy nhiên, 10 năm độc lập có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với nhân dân ta, cuộc khởi nghĩa Hoan Châu cũng được đánh giá là một trong cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn nhất, tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất so với các cuộc khởi nghĩa chống Bắc thuộc.

Để tưởng nhớ công ơn Mai Hắc Đế và các tướng sỹ, nhân dân nhiều tỉnh thành trong cả nước đã lập đền thờ, lăng, miếu, mộ thờ. Riêng tại Nam Đàn, nơi sinh ra và lớn lên của vua Mai, nơi cuộc khởi nghĩa bùng nổ và cũng là nơi có phần mộ của vua Mai, mẹ vua Mai… hằng năm, bắt đầu từ ngày 13 - 15 tháng Giêng, lễ hội Đền vua Mai lại được long trọng tổ chức

Mở đầu cho lễ hội Đền vua Mai là dàn trống hội, cùng màn biểu diễn múa lân thật sự hoành tráng, hấp dẫn cùng với văn tế, tái hiện thân thế, cuộc đời, sự nghiệp và công đức vua Mai, ôn lại khí thế hào hùng, tinh thần bất khuất của cuộc khởi nghĩa Hoan Châu chống lại ách đô hộ nhà Đường dành quyền độc lập cho dân tộc trong suốt gần 10 năm, từ năm 713 đến năm 722.

Lễ rước trong lễ hội là một trong những nghi thức quan trọng và mang đậm bản sắc của lễ hội vùng tả ngạn sông Lam. Theo đó có 4 đoàn rước từ Nam Thái nơi có mộ mẹ Vua; từ đền Nậm Sơn (nơi thờ một trong 4 vị tướng của tứ trụ triều đình) từ đền Vua Mai và đền Khả Lãm (Nam Thượng).

Mỗi đoàn rước được trang bị những trang phục khác nhau, với cờ, kiệu, lọng, trống tưng bừng, rộn rã, các đoàn gặp nhau tại đền vua Mai, thị trấn Nam Đàn để khai mạc hội. Tại đây sẽ diễn ra các nghi thức bao gồm: lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ dâng hương, lễ đại tế, lễ tạ…

Đền thờ được xây dựng ở chính nơi xưa kia là trung tâm đại bản doanh của nghĩa quân vua Mai, đồng thời cũng là kinh đô của Mai triều thuở ấy. 

Từ đền Vua Mai, theo chân con đê nhỏ hoặc du thuyền dọc bờ tả ngạn sông Lam khoảng 1 km về phía Tây, du khách sẽ đến với khu mộ Vua Mai nằm giữa một thung lũng dưới chân núi Đụn Sơn (xã Vân Diên, Nam Đàn), dãy núi có tiếng là "địa linh" xưa nay.

Phần hội có các trò chơi dân gian như: chọi gà, đấu vật đu tiên, cờ người, các hoạt động hiện đại như bóng chuyền, bóng bàn, hội trại, biểu diễn nghệ thuật... 

Đặc biệt, hội thi đấu vật thu hút rất đông người dân tham gia, là “môn võ” có truyền thống lâu đời tại mảnh đất này. Huyện Nam Đàn cũng đã mở trung tâm đào tạo môn đấu vật, rất nhiều em nhỏ đã sớm tập làm quen với trò chơi dân gian này.

Đặc biệt, trong tối 14/1 Âm lịch, tại khu di tích mộ vua Mai, người dân về tham dự lễ hội được thưởng thức vở cải lương Mai Hắc Đế của tác giả Nguyễn Thế Kỷ - Nguyên Bí thư Huyện ủy Nam Đàn, nay là Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương do Nhà hát Cải lương Việt Nam trình diễn. 

Vở cải lương hoành tráng, hào hùng, nhưng không kém phần xúc động, tái hiện lại bối cảnh lịch sử 13 thế kỷ trước, với hình ảnh nhân vật lịch sử Mai Thúc Loan từ khi chào đời cho đến lúc trở thành anh hùng dân tộc. 

Ông đã đánh đuổi quân xâm lược nhà Đường, tổ chức cuộc khởi nghĩa Hoan Châu và mang đến 10 năm độc lập dưới thời Bắc thuộc cho người Giao Chỉ.

Ông Nguyễn Văn Minh (68 tuổi, xã Vân Diên, Nam Đàn) cho biết: “Hôm nay tôi và cháu gái đi xem hội, cháu gái tôi từ ngoài bắc về ăn tết với ông bà và ở lại chờ dự lễ hội vua Mai. 

Lễ hội là dịp sôi nổi, tưng bừng được người dân chúng tôi chờ đợi nhất trong năm. Đặc biệt năm nay có vở cải lương vua Mai Hắc Đế, tôi đưa cháu đi xem để nó hiểu thêm về lịch sử, truyền thống quê hương mình”.

Trong vở cải lương, có những cảnh khiến khán giả lặng người như ảnh Mai Hắc Đế trò chuyện cùng hồn phách của nhà thơ Vương Bột nhà Đường, hay câu chuyện về Bạch Vân (vợ Quang Sở Khách), đầy giằng xé giữa Hán và An Nam – rồi cuối cùng đã giúp Mai Hắc Đế trong cuộc khởi nghĩa… 

Qua vở cải lương, người dân được được tiếp cận với lịch sử không chỉ trong truyền thuyết, sách vở, mà bằng con người, với xung đột nội tâm, với khí phách, với tinh thần quật khởi… một cách sinh động, cụ thể…

Ông Đinh Xuân Quế - Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Đền Vua Mai năm 2015, cho biết: 

"Xác định Lễ hội Đền Vua Mai năm 2015 là điểm nhấn quan trọng cho các lễ hội năm 2015 của tỉnh, nhằm tưởng nhớ công đức Vua Mai cùng các tướng lĩnh và ôn lại khí thế hào hùng của cuộc khởi nghĩa đánh bại quân xâm lược phương Bắc, xây dựng nước Vạn An độc lập; đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng của dân tộc, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Đây cũng là dịp để nhân dân được tham gia sáng tạo và thụ hưởng các giá trị văn hóa thông qua các hoạt động trong phần hội tại lễ hội; một mặt góp phần quảng bá, giới thiệu về con người, mảnh đất Nam Đàn “địa linh nhân kiệt” với du khách thập phương, từ đó đẩy mạnh phát triển du lịch…

Một số hình ảnh CTV Báo Giáo dục & Thời đại ghi tại Lễ hội:

Nghệ An: Linh thiêng lễ hội Đền vua Mai ảnh 1Nghệ An: Linh thiêng lễ hội Đền vua Mai ảnh 2Nghệ An: Linh thiêng lễ hội Đền vua Mai ảnh 3Nghệ An: Linh thiêng lễ hội Đền vua Mai ảnh 4Nghệ An: Linh thiêng lễ hội Đền vua Mai ảnh 5Nghệ An: Linh thiêng lễ hội Đền vua Mai ảnh 6Nghệ An: Linh thiêng lễ hội Đền vua Mai ảnh 7Nghệ An: Linh thiêng lễ hội Đền vua Mai ảnh 8Nghệ An: Linh thiêng lễ hội Đền vua Mai ảnh 9Nghệ An: Linh thiêng lễ hội Đền vua Mai ảnh 10Nghệ An: Linh thiêng lễ hội Đền vua Mai ảnh 11Nghệ An: Linh thiêng lễ hội Đền vua Mai ảnh 12

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.