Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đang mạo hiểm mạng sống của mình khi từ chối ủng hộ các quốc gia phương Tây trong cuộc xung đột ở Ukraine, một thành viên cấp cao trong chính phủ của ông cho biết.
Serbia, vốn có truyền thống thân thiện với Nga, đã từ chối áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moscow hoặc ủng hộ các chính sách của Mỹ và những người ủng hộ Kiev khác.
Ngược lại, Brussels đã nhấn mạnh rằng, nguyện vọng gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Belgrade sẽ không thành hiện thực trừ khi họ thay đổi lộ trình.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn RIA Novosti của Nga được công bố hôm 12/8, Phó Thủ tướng Serbia, Aleksandar Vulin, cho biết, chính quyền nước này đang thực sự lo ngại về sự an toàn của tổng thống, sau những nỗ lực ám sát Thủ tướng Slovakia Robert Fico và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
“Sau vụ ám sát ông Fico, và sau đó là ông Trump, tôi đã nói với Tổng thống Vucic phải cảnh giác, bởi vì có điều gì đó sẽ xảy ra với bất kỳ ai kêu gọi một giải pháp hòa bình cho vấn đề Ukraine, họ có thể sẽ bị bắn”, Phó Thủ tướng Serbia Aleksandar Vulin nói.
Vào tháng 5/2024, Thủ tướng Slovakia Robert Fico, một nhà phê bình chính sách Tây Ukraine, đã may mắn sống sót sau vụ nổ súng của một người đàn ông 71 tuổi. Chính phủ của ông Fico đổ lỗi cho lời lẽ kích động của các chính trị gia đối lập đã thúc đẩy kẻ nổ súng.
Cựu Tổng thống Donald Trump, người tuyên bố có thể chấm dứt xung đột Ukraine trong vòng 24 giờ nếu tái đắc cử, đã bị một viên đạn sượt qua trong một cuộc vận động tranh cử tổng thống vào tháng 7. Kẻ nổ súng đã bị một tay súng bắn tỉa đối phương tiêu diệt. Các nhà điều tra Mỹ vẫn chưa tiết lộ bất kỳ động cơ nào bị nghi ngờ cho vụ ám sát bất thành này.
Phó Thủ tướng Serbia cũng chỉ trích những người tổ chức cuộc biểu tình quần chúng diễn ra ở Belgrade vào ngày 10/8, lưu ý rằng, mục tiêu cuối cùng của cuộc biểu tình có thể là lật đổ chính phủ Serbia.
Cuộc biểu tình thu hút khoảng 27.000 người tham gia, theo ước tính của chính phủ, được tổ chức nhằm phản đối một dự án khai thác lithium mà những người chỉ trích cho rằng, sẽ gây ra thiệt hại lớn cho môi trường.
Belgrade đã cấp giấy phép khai thác kim loại quý này cho công ty Rio Tinto của Anh-Úc vào năm 2022, nhưng sau đó đã thu hồi giấy phép này sau áp lực của công chúng. Tuy nhiên, dự án đã được tiếp tục vào tháng trước sau khi tòa án Serbia bác bỏ quyết định của chính phủ. Tổng thống Vucic có ý định đưa vấn đề này ra trưng cầu dân ý.
Tuần trước, ông Vucic cũng cho biết, chính phủ Nga đã cảnh báo chính quyền Serbia rằng, cuộc biểu tình có thể là vỏ bọc cho một "cuộc cách mạng màu" - một hoạt động thù địch của nước ngoài sử dụng các cuộc biểu tình chống chính phủ và tình trạng mất trật tự công cộng để buộc phải thay đổi chế độ.