Phát triển kinh tế gắn với giải quyết các vấn đề xã hội
Về quan hệ giữa phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhận xét, Chính phủ đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội về vấn đề cần thực hiện hiệu quả hơn nữa yêu cầu phát triển kinh tế gắn với giải quyết các vấn đề xã hội. Trong chỉ đạo điều hành, Chính phủ luôn luôn quán triệt và thực hiện quan điểm của Đảng là tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng trả lời chất vấn |
Trong các năm 2008, 2009, mặc dù kinh tế gặp nhiều khó khăn, song Chính phủ vẫn chỉ đạo bằng mọi cách tăng chi cho an sinh xã hội, tiếp tục thực hiện các chính sách xã hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xoá đói giảm nghèo, giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái. Tỷ lệ đầu tư từ ngân sách nhà nước liên tục tăng qua các năm và giữ vai trò chủ yếu trong tổng nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực này. Một phần quan trọng trái phiếu chính phủ được dùng để đầu tư mới hoặc nâng cấp các cơ sở trường lớp học, ký túc xá, nhà công vụ, bệnh viện, giao thông nông thôn, thuỷ lợi,.... Trong 8 nhóm giải pháp để thực hiện kế hoạch năm 2010 có tới 4 nhóm giải pháp để thực hiện các mục tiêu về xã hội và đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách bảo đảm an sinh xã hội nhất là xoá đói giảm nghèo.
Những cố gắng chung của Nhà nước và của cả xã hội đã đem đến một số kết quả bước đầu, góp phần tạo chuyển biến tích cực các lĩnh vực xã hội, song vẫn còn những hạn chế, tồn tại. Trong 8 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu năm 2009 không đạt kế hoạch có 7 chỉ tiêu về xã hội và môi trường; kết quả xoá đói giảm nghèo chưa bền vững; chất lượng giáo dục đào tạo, dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân chưa được cải thiện đáng kể, khoảng cách giàu nghèo còn lớn và nhiều vấn đề xã hội bức xúc khác, đang tiếp tục là những thách thức đối với quá trình phát triển của đất nước.
Giải quyết các vấn đề xã hội đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn, lâu dài, kiên trì từ phía Nhà nước, sự ủng hộ, chung sức của cả xã hội và sự tham gia với nỗ lực cao của người dân, vừa phải quan tâm giải quyết những vấn đề lớn, cơ bản, lâu dài, vừa phải tập trung xử lý nhanh những vấn đề bức xúc trước mắt. Bên cạnh việc đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, chúng ta phải tăng đầu tư từ ngân sách, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa để huy động mọi nguồn lực cho phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội. Nhiều chính sách, biện pháp xử lý các vấn đề xã hội đang bức xúc như: chất lượng giáo dục đào tạo, nhất là đào tạo đại học, tình trạng quá tải tại các bệnh viện, chất lượng dịch vụ y tế, ùn tắc và tai nạn giao thông, lễ hội phô trương, lãng phí... đã được ban hành và thực hiện. Chính phủ đang xây dựng Chiến lược an sinh xã hội thời kỳ 2011 - 2020 với các chủ trương, quan điểm, giải pháp đồng bộ.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng: Theo khảo sát sơ bộ gần đây của Bộ Giáo dục - Đào tạo tại 5 thành phố, có khoảng 66% học sinh tiểu học và 75% học sinh phổ thông trung học thường xuyên chơi trò chơi điện tử mà trong đó có tới 70% là trò chơi bạo lực. Tình hình đó đòi hỏi phải xem xét tăng cường quản lý chặt chẽ dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, nhân cách, thái độ ứng xử văn hoá. Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, phát huy vai trò Đoàn Thanh niên và các đoàn thể, đặc biệt là nâng cao trách nhiệm quản lý, giáo dục của nhà trường đối với học sinh, sinh viên, trách nhiệm của gia đình đối với con em mình. Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường quản lý hoạt động của các điểm vui chơi và tạo thêm nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh, sinh viên. |
Chính phủ nhận thức rõ trách nhiệm với môi trường
Về vấn đề khắc phục khai thác khoáng sản tràn lan, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Chính phủ nhận thức rõ trách nhiệm của mình, đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để từng bước xử lý hiện trạng này. Thể chế, chính sách về bảo vệ môi trường, quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên tiếp tục được hoàn chỉnh, quán triệt đầy đủ hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đi liền với việc bảo vệ, cải thiện môi trường, phát triển bền vững.
Các hoạt động phòng ngừa, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm được tăng cường; việc kiềm chế tốc độ gia tăng ô nhiễm, phục hồi và cả thiện môi trường ở một số vùng, lưu vực sông, khu công nghiệp, khu vực khai thác mỏ, làng nghề, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng được đẩy mạnh và đã mang lại một số kết quả bước đầu.
Nhiều đại biểu Quốc hội quan ngại về hiện trạng quản lý, bảo vệ, khai thác tài nguyên khoáng sản, môi trường. |
Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch khai thác, chế biến khoáng sản, nhất là những khoáng sản có tiềm năng quy mô lớn nhằm khắc phục tình trạng đầu tư khai thác tràn lan, chế biến và xuất khẩu khoáng sản thô, lãng phí tài nguyên, vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường sinh thái và an ninh quốc phòng.
Phó Thủ tướng cho biết, kết quả kiểm tra việc cấp phép khai thác khoáng sản của các địa phương gần đây cho thấy phần lớn giấy phép do các địa phương cấp được ban hành đúng quy định của pháp luật, nhưng điều đáng quan tâm là có không ít địa phương cấp phép khai thác các khu vực ngoài quy hoạch và cấp phép khai thác nhiều nhưng không đủ khả năng hoặc buông lỏng công tác quản lý dẫn đến tình trạng phổ biến là yêu cầu về bảo vệ môi trường không được thực hiện, thậm chí còn hủy hoại môi trường, gây lãng phí tài nguyên, thất thoát ngân sách, mất trật tự xã hội và nhiều bức xúc trong nhân dân.
Phó Thủ tướng nêu rõ, tại kỳ họp này, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi), trong đó thể hiện các chủ trương, giải pháp khắc phục những bất cập của luật hiện hành nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, khai thác khoáng sản.
Luật mới xác định rõ chỉ phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấp phép thăm dò, khai thác đối với các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố đồng thời đề cao trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện của cấp trên đối với cấp dưới, của cơ quan nhà nước với các tổ chức thăm dò, khai thác.
Việc phân cấp mạnh cho địa phương trong công tác quản lý đất đai đã tạo điều kiện đẩy nhanh công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư; chuẩn bị tốt mặt bằng để thu hút các dự án đầu tư.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng đã xuất hiện những mặt tiêu cực như: Một số địa phương cấp phép thiếu quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp, sân golf…; cá biệt một số địa phương cho nước ngoài thuê đất với diện tích lớn tại một số khu vực nhạy cảm như rừng đặc dụng, rừng phòng hộ mà dư luận xã hội và các đại biểu Quốc hội đã đề cập.
Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các địa phương, đặc biệt là chỉ đạo phối hợp, lồng ghép quy hoạch ngành với quy hoạch vùng, địa phương và yêu cầu lãnh đạo các địa phương đề cao hơn nữa trách nhiệm quản lý của mình.
Xây dựng đường sắt cao tốc là “đi tắt đón đầu”
Phó Thủ tướng cũng cho biết, việc nghiên cứu xây dựng đường sắt cao tốc được Chính phủ đặt ra từ các nhiệm kỳ trước và đã được đưa vào Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt nước ta từ năm 2002.
Đây là một dự án giao thông có quy mô lớn nhất từ trước tới nay ở Việt Nam, được chuẩn bị công phu và có thời gian triển khai, thực hiện dài, khoảng 30 năm, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và trình xin ý kiến của Quốc hội.
Phó Thủ tướng nêu rõ, những năm gần đây, hạ tầng giao thông Việt Nam ngày càng quá tải, cản trở nghiêm trọng sự phát triển kinh tế - xã hội, gây nhiều bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Việc hình thành một hệ thống giao thông vận tải nói chung cũng như hệ thống vận tải đường sắt hoàn chỉnh phải mất nhiều năm.
Để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống giao thông, tránh lãng phí trong quá trình đầu tư xây dựng và vận hành, cần có quy hoạch và tầm nhìn dài hạn; vừa phải phát triển tuần tự từ thấp đến cao, vừa phải “đi tắt đón đầu”, nhằm tạo bước đột phá, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vận tải cho nền kinh tế.
Dự án đường sắt cao tốc được xây dựng chính là nhằm đáp ứng yêu cầu đó, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải với tầm nhìn dài hạn, được hoàn thành đưa vào sử dụng khi đất nước ta đã bước vào giai đoạn của nước phát triển.
Qua thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội đã đồng tình với chủ trương, tầm nhìn của dự án. Xuất phát từ điều kiện địa lý của nước ta dài, hẹp, dân cư phân bố dọc theo chiều dài đất nước, và tập trung hơn ở các khu vực phát triển của miền Bắc, miền Trung, miền Nam; vì vậy hệ thống đường sắt cũng phải xây dựng theo chiều dài đất nước để đáp ứng yêu cầu đi lại. Khi hoàn thành, đường sắt cao tốc vừa đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần giảm tải và hạn chế tai nạn giao thông đường bộ, vừa cung cấp thêm cho hành khách một sự lựa chọn mới an toàn, tiện nghi và thân thiện với môi trường.
Đi đôi với xây dựng đường sắt cao tốc, sẽ tiếp tục nâng cấp, phát triển đồng bộ và liên thông hệ thống đường không, đường thủy, đường bộ và đường sắt hiện có để đảm bảo nhu cầu vận chuyển hàng hoá và hành khách đang tăng lên rất nhanh.
Từ cách đặt vấn đề như vậy, tại kỳ họp này Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư, Chính phủ sẽ chỉ đạo thực hiện hoàn chỉnh dự án theo các góp ý của Quốc hội và tiến hành các bước tiếp theo đúng các quy định của pháp luật về công trình quan trọng quốc gia.
Trong quá trình thực hiện, dự án sẽ được chia làm nhiều giai đoạn, có sự phân kỳ đầu tư bằng các dự án thành phần, phù hợp với khả năng huy động vốn; dự án thành phần nào xong sẽ đưa vào khai khác ngay và rút kinh nghiệm để tiếp tục chuẩn bị, đầu tư dự án mới.
Quang Anh