Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình thăm và làm việc tại Trường Đại học Việt Đức

GD&TĐ - Ngày 8/4, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình thăm và làm việc tại Trường Đại học Việt Đức (VGU), tỉnh Bình Dương.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình (trái) thăm và làm việc tại Trường Đại học Việt Đức (VGU). Ảnh: Mạnh Tùng
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình (trái) thăm và làm việc tại Trường Đại học Việt Đức (VGU). Ảnh: Mạnh Tùng

Tham gia đoàn công tác có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ cùng lãnh đạo UBND TPHCM, TP Đà Nẵng và tỉnh Bình Dương.

Tham gia vào phát triển hệ sinh thái của trung tâm tài chính quốc tế

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình và đoàn đã tham quan khuôn viên, cơ sở vật chất của trường, gồm hội trường lớn, thư viện, các phòng thí nghiệm hiện đại và khu tổ hợp giảng dạy – nghiên cứu.

Đoàn công tác được giới thiệu tổng quan về môi trường học thuật chất lượng cao của VGU.

z6484005785141-89752056b0a053b29b9b302c151f8e61.jpg
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cùng đoàn công tác thăm trung tâm thí nghiệm của nhà trường. Ảnh: Mạnh Tùng

TS Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng nhà trường, đã báo cáo tóm tắt về những thành tựu nổi bật và định hướng phát triển trong thời gian tới.

Ông cho biết, VGU được thành lập dựa trên sáng kiến hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và bang Hessen (CHLB Đức), là mô hình giáo dục đại học tiên tiến hướng đến chuẩn quốc tế. Hiện trường có đội ngũ cán bộ, giảng viên giàu kinh nghiệm và hệ thống đơn vị trực thuộc hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu.

Tính đến tháng 2/2025, VGU có tổng cộng 237 cán bộ, giảng viên và nhân viên thuộc hai khối học thuật và hành chính. Trong đó, khối học thuật gồm 108 người, bao gồm giảng viên, nghiên cứu viên, trợ lý nghiên cứu – giảng dạy và kỹ sư phòng thí nghiệm.

Đáng chú ý, đội ngũ giảng viên cơ hữu có 48 người, trong đó 45 người đạt trình độ tiến sĩ. Toàn bộ giảng viên đều được tuyển chọn theo tiêu chuẩn và quy trình bổ nhiệm giáo sư của các trường đại học Đức.

z6483938127449-ea98eb643c25a0c81f926760ee983e91.jpg
TS Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng nhà trường báo cáo tại buổi làm việc.

Trong hơn 15 năm qua, mỗi năm, nhà trường đón khoảng 100–120 lượt giáo sư từ Đức sang giảng dạy trong thời gian từ 1 đến 3 tuần. Đây là lực lượng giảng viên đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo chất lượng học thuật theo tiêu chuẩn Đức.

Đáng chú ý, dự án Trường Đại học Việt Đức được xem là trường hợp duy nhất trên thế giới và ngay cả tại CHLB Đức – tiếp nhận một đội ngũ quy mô lớn các giáo sư từ quốc gia đối tác đến trực tiếp tham gia giảng dạy, nghiên cứu tại nước sở tại.

Trong suốt quá trình phát triển, VGU đã khẳng định vai trò trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và kinh tế. Không chỉ chú trọng đến giáo dục, nhà trường còn là trung tâm nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, góp phần đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong lĩnh vực khoa học – giáo dục.

z6483938127448-379778cb6793429c255ebacdb0c2e153.jpg
Toàn cảnh buổi làm việc.

Tuy nhiên, đại diện VGU cũng nêu rõ những khó khăn, thách thức mà trường đang đối mặt, như vấn đề quản trị đại học theo mô hình quốc tế, cơ chế chính sách, đầu tư cơ sở vật chất – trang thiết bị hiện đại và việc thực hiện tự chủ trong bối cảnh mới.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo nhà trường trình bày một số kiến nghị với Phó Thủ tướng, trong đó nhấn mạnh mong muốn được Chính phủ hỗ trợ phát triển Trung tâm Tài chính Quốc tế.

Cụ thể, VGU đề xuất xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu về Tài chính, Quản trị rủi ro, Công nghệ tài chính (Fintech), đồng thời kết nối với doanh nghiệp Đức để triển khai các dự án nghiên cứu ứng dụng.

Bên cạnh đó, trường kiến nghị tăng cường hợp tác với bang Hessen và các tổ chức tài chính quốc tế nhằm xây dựng hệ sinh thái đào tạo – nghiên cứu phục vụ các trung tâm tài chính trong nước, góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế – xã hội.

z6483938104631-a689e6d0589fe5bb79bbeca53b80eebc.jpg
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình trao đổi cùng Ban Giám hiệu VGU.

Cần tăng quy mô đào tạo, tuyển sinh

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh rằng kỳ vọng của Chính phủ Việt Nam và Đức dành cho Trường Đại học Việt Đức là rất lớn. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế về nguồn nhân lực chất lượng cao, những kết quả mà nhà trường đạt được vẫn còn khiêm tốn.

bo-truong.jpg
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi tại buổi làm việc. Ảnh: Mạnh Tùng

Bộ trưởng cho rằng quy mô tuyển sinh còn nhỏ, tỷ lệ giảng viên cơ hữu chưa đáp ứng yêu cầu, trong khi cơ sở vật chất mới chỉ hoàn thiện một phần.

Theo Bộ trưởng, VGU cần đẩy nhanh quá trình mở rộng quy mô đào tạo. Hiện tại, tổng số sinh viên và học viên sau đại học của trường chỉ khoảng 3.500 người – tương đương với một trường đại học quy mô nhỏ.

Sau hơn 15 năm hoạt động, trường đã đào tạo được hơn 2.000 sinh viên và học viên sau đại học. Đây là nguồn nhân lực quý giá, nhưng so với con số hơn 500.000 người nhập học đại học mỗi năm tại Việt Nam, kết quả này vẫn còn rất hạn chế.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, quy mô đào tạo, tuyển sinh của VGU hiện còn quá khiêm tốn, dẫn đến tác động xã hội hạn chế, đáp ứng nhu cầu nhân lực chưa cao, và từ đó làm suy giảm “sức sống” của một trường đại học.

bo-truong-2.jpg
Bộ trưởng đề xuất trường cần nghiên cứu tăng quy mô đào tạo, tuyển sinh.

Theo Bộ trưởng, nhu cầu học đại học của Việt Nam hiện nay rất lớn. Việc tăng quy mô tuyển sinh không chỉ tạo thêm nguồn học phí, nguồn thu cho nhà trường mà còn nâng cao ảnh hưởng xã hội và năng lực phát triển bền vững của trường.

"Tất nhiên, không thể lập tức tăng lên quy mô 30.000–40.000 sinh viên như các trường đại học lớn hiện nay, nhưng mục tiêu khoảng 10.000 sinh viên là điều mà chúng ta cần nhanh chóng hướng tới", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, một trong những vấn đề then chốt cần cải thiện tại VGU là cơ chế ra quyết định. Hiện nay, cơ chế ra quyết định còn rất phức tạp, nhiều quyết định đưa ra chậm, ảnh hưởng đến hoạt động chung của nhà trường.

Về phát triển cơ sở vật chất và tài chính, Bộ trưởng cho biết, dù giai đoạn 1 công trình xây dựng nhà trường đã hoàn thành, nhưng nhu cầu tiếp tục mở rộng hạ tầng – đặc biệt là hệ thống phòng thí nghiệm và ký túc xá vẫn rất cấp bách.

Bộ trưởng dẫn lại ý kiến từ đại diện tỉnh Bình Dương, cho rằng theo quy định của Luật Đầu tư công, các địa phương có thể tham gia đầu tư cho các trường đại học. Bộ trưởng đề nghị, tỉnh Bình Dương có thể xem xét xây dựng thêm một số tòa ký túc xá cho sinh viên.

"Nếu tiếp tục đàm phán theo hình thức vốn vay ODA thì sẽ rất chậm do quy trình thủ tục kéo dài", theo Bộ trưởng. Với các hạng mục cơ sở vật chất khác, Chính phủ có thể xem xét bố trí nguồn vốn đầu tư công trong trung hạn, sau đó mới tính đến khả năng huy động vốn ODA.

Liên quan đến cơ chế tài chính, mặc dù VGU đang vận hành theo một cơ chế tài chính đặc biệt, nhưng vẫn còn nhiều điểm vướng mắc, đặc biệt trong việc chi trả lương cho giảng viên và một số khoản chi khác. Bộ trưởng đề nghị tiếp tục điều chỉnh và hoàn thiện cơ chế tài chính đặc biệt này để phù hợp với định hướng phát triển trong giai đoạn mới.

z6483938148469-505138d641ddb4bfe3c7cda5d9d31cd1.jpg
Các đại biểu trao đổi tại buổi làm việc.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc cần đẩy nhanh quá trình xây dựng đội ngũ giảng viên, nhà khoa học cơ hữu để đảm bảo phát triển bền vững.

"Những năm qua, chúng ta đã có một số bước tiến, nhưng vẫn còn rất hạn chế. Các giáo sư từ Đức sang giảng dạy là nguồn lực vô cùng quý giá, song đội ngũ nhân sự tại chỗ cũng cần được tăng cường. Hiện nay, quy trình tuyển dụng còn phức tạp, chế độ lương chưa hấp dẫn, và phạm vi tuyển dụng chưa đủ rộng", Bộ trưởng nhận định.

Cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình bày tỏ vui mừng trước những kết quả bước đầu mà VGU đã đạt được trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng và phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật.

z6483938127558-7be9cc2d09ba57a2461b462d80bcc3c0.jpg
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu kết luận buổi làm việc.

Phó Thủ tướng biểu dương những đóng góp, nỗ lực của Bộ GD&ĐT, các địa phương, nhà trường, đội ngũ giảng viên, đặc biệt là các thầy cô đến từ Đức trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị, tốt đẹp giữa Việt Nam và CHLB Đức.

Đồng thời, Phó Thủ tướng đánh giá cao định hướng và mục tiêu phát triển mà nhà trường đang theo đuổi, đặc biệt là nỗ lực xây dựng một cơ sở đào tạo đại học và sau đại học nằm trong nhóm hàng đầu của khu vực và thế giới.

Phó Thủ tướng bày tỏ tin tưởng rằng, với sự quan tâm từ lãnh đạo và các cơ quan chức năng của hai nước, cùng với tâm huyết của đội ngũ cán bộ, giảng viên – đặc biệt là lực lượng giảng viên chất lượng cao đến từ Đức, VGU sẽ tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành tựu toàn diện hơn trong đào tạo và nghiên cứu. Qua đó, nhà trường sẽ góp phần tích cực vào việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Bình Dương, TPHCM và cả nước.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, bước vào kỷ nguyên phát triển mới, để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững, bên cạnh những động lực truyền thống, Việt Nam cần chú trọng thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, công nghệ chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và năng lượng tái tạo.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, để hiện thực hóa các động lực này, điều kiện tiên quyết là phải tìm kiếm và huy động được các nguồn lực tài chính mới. Trong đó, việc phát triển các trung tâm tài chính quốc tế được xem là một trong những giải pháp quan trọng và chiến lược.

Phó Thủ tướng khẳng định: "Tôi đến đây với sự tin tưởng, kỳ vọng và gửi gắm Trường Đại học Việt Đức trực tiếp tham gia, góp phần vào việc hình thành và phát triển thành công các trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam".

dsc06529.jpg
Phó Thủ tướng mong muốn nhà trường sẽ đóng vai trò trong việc phát triển các trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng mong muốn nhà trường sẽ đóng vai trò chủ động trong việc tham gia xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế để phát triển các trung tâm tài chính quốc tế.

Đồng thời, cần bảo đảm hệ thống chính sách đủ sức hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Đức – quốc gia đối tác chiến lược trong sự phát triển của nhà trường.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã đưa ra ý kiến cụ thể đối với các kiến nghị và nhóm đề xuất của lãnh đạo VGU.

dai-hoc-viet-ducdsc03264.jpg
Một góc Trường Đại học Việt Đức. Ảnh: Mạnh Tùng

Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt và sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nhà trường phát triển toàn diện. Việc phát triển VGU không chỉ mang ý nghĩa trong lĩnh vực giáo dục, mà còn góp phần thiết thực vào việc củng cố và làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và CHLB Đức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ