Theo New York Post, các nhà khảo cổ đã tìm thấy hũ phô mai bên cạnh xác ướp Ptahmes, thị trưởng thành phố Memphis thời Ai Cập cổ đại cách đây 3.200 năm.
Đây được coi là phô mai lâu đời nhất trên thế giới. Ngôi mộ của Ptahmes từng được khai quật năm 1885 nhưng sau đó bị chôn vùi trong cát cho đến khi tái phát hiện vào năm 2010.
Cùng với hũ phô mai, các nhà khảo cổ học cũng phát hiện vải bạt che phủ, có thể nhằm mục đích bảo quản.
Trải qua hàng ngàn năm, hũ phô mai đã biến đổi thành một dạng chất đặc màu trắng. Nhóm nghiên cứu đem mẫu vật đi phân tích và phát hiện thành phần từ sữa bò và sữa cừu hoặc dê.
Theo nhóm nghiên cứu, phô mai trong hũ có thể là dạng đặc hơn là chất lỏng, vì được bảo quản bằng vải bạt.
Phô mai hóa rắn sau hàng ngàn năm chôn vùi trong ngôi mộ Ai Cập.
Các nhà khảo cổ cũng phát hiện mẫu vật bị nhiễm vi khuẩn chết người Brucella melitensis. Vi khuẩn này lây lan từ động vật sang người do sản phẩm từ sữa chưa được tiệt trùng hoàn toàn.
Nếu được xác nhận, đây cũng là bằng chứng về sự xuất hiện của vi khuẩn Brucella melitensis lâu đời nhất từ trước đến nay.
Ptahmes khi còn sống là tướng chỉ huy, người trông coi quốc khố và viết sử hoàng gia dưới thời pharaoh Seti I thuộc vương triều thứ 19. Ptahmes cũng phục vụ trong thời đại của pharaoh kế nhiệm là Ramses II.
Ngôi mộ của Ptahmes nằm ở phía nam Cairo suốt hàng ngàn năm. Kể từ khi được khai quật năm 1885, các cổ vật trong ngôi mộ được đem về các bảo tàng ở Hà Lan, Italia và Mỹ.