Cùng tham dự lễ khai giảng có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu…
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh gửi lời chúc mừng năm học mới đến toàn thể giáo viên, học sinh cùng các vị phụ huynh Trường THPT Lê Quý Đôn. Đồng thời, Phó Chủ tịch nước cũng bày tỏ sự vui mừng khi được tham dự lễ khai giảng tại ngôi trường mang tên nhà bác học Lê Quý Đôn - với những bề dày về thành tích giáo dục và được mệnh danh là một trong những trường THPT lâu đời nhất TP.HCM (hơn 140 năm).
Nhân dịp khai giảng, Phó Chủ tịch nước đã trao 30 suất học bổng và quà cho học sinh và tập thể sư phạm Trường THPT Lê Quý Đôn.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh mong muốn nhà trường tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được. Đồng thời nhấn mạnh đây là ngôi trường đã đào tạo ra nhiều nhân tài của đất nước, để các thế hệ giáo viên, học sinh tự hào và cố gắng học tốt, dạy tốt, giành nhiều thành tích hơn nữa…
Theo thầy Hà Hữu Thạch - Hiệu trưởng nhà trường, trong năm học 2020-2021 mặc dù có xảy ra đại dịch Covid-19 nhưng tập thể sư phạm nhà trường đã nỗ lực đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ. Hiện trường có 1280 HS, trong đó có 433 HS khối 10 vừa trúng tuyển.
Trường THPT Lê Quý Đôn được thành lập ngày 14/11/1874 và là trường trung học đầu tiên ở Sài Gòn với tên gọi ban đầu là Collège Chasseloup - Laubat.
Năm 1954, trường được đổi tên Jean Jacques Rousseau, dạy chủ yếu học sinh người Việt nhưng vẫn do người Pháp quản lý. Năm 1967, trường được trả cho người Việt Nam và đổi tên là Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn.
Sau năm 1975, trường mang tên Lê Quý Đôn, được dựng tượng đài nhà bác học Lê Quý Đôn. Đây cũng là một trong những di tích văn hóa của TPHCM.
Năm 2006, Trường THPT Lê Quý Đôn (TPHCM) là trường đầu tiên trong cả nước thực hiện mô hình Trường tiên tiến hội nhập quốc tế.