Phó Chánh án TAND TPHCM xử vụ “đương sự suýt nhảy lầu” nghỉ việc

GD&TĐ - Ông Đỗ Khắc Tuấn, Phó Chánh án TAND TPHCM vừa được cho nghỉ việc theo nguyện vọng cá nhân.

Phiên tòa phúc thẩm do ông Đỗ Khắc Tuấn là chủ tọa vụ “đương sự suýt nhảy lầu ở TAND TPHCM”.
Phiên tòa phúc thẩm do ông Đỗ Khắc Tuấn là chủ tọa vụ “đương sự suýt nhảy lầu ở TAND TPHCM”.

Trước đó, sau vụ “đương sự suýt nhảy lầu” xảy ra ở TAND TPHCM, ông Đỗ Khắc Tuấn được yêu cầu ngừng xét xử và bàn giao toàn bộ hồ sơ các vụ án cho thẩm phán khác giải quyết.

Nghỉ việc theo nguyện vọng

Theo đó, Tòa án nhân dân (TAND) TPHCM vừa có thông báo về việc chấp thuận cho ông Đỗ Khắc Tuấn, Thẩm phán Trung cấp, Phó Chánh án TAND TPHCM nghỉ việc theo nguyện vọng.

Thông báo của TAND TPHCM nêu do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, TPHCM phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị của UBND thành phố về việc tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Do đó, Ban lãnh đạo TAND TPHCM đã trao quyết định trên cho ông Đỗ Khắc Tuấn mà không tổ chức lễ gặp mặt cán bộ, công chức và người lao động TAND hai cấp thành phố trước khi nghỉ việc theo nguyện vọng.

Trước đó, ông Đỗ Khắc Tuấn là thẩm phán chủ tọa, xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là ông Phan Quý và bị đơn là các ông Lê Văn Dư, Khâu Văn Sĩ, Lê Sỹ Thắng.

Cụ thể, sau khi TAND TPHCM tuyên án phúc thẩm vào ngày 1/7/2020, vợ bị đơn Lê Văn Dư là bà Trần Thị Mỹ Hiệp chạy ra hành lang tòa án định nhảy lầu tự tử. Sự việc đã thu hút sự chú ý của dư luận và truyền thông.

Sau đó, ông Đỗ Khắc Tuấn được TAND TPHCM yêu cầu ngừng xét xử và bàn giao toàn bộ hồ sơ các vụ án cho thẩm phán khác giải quyết, trong khi chờ cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, kết luận vụ việc.

Chánh án TAND TPHCM đã có báo cáo và đề nghị cấp trên giám đốc thẩm vụ án này. Phía bị đơn cũng có đơn đề nghị đến TAND cấp cao xem xét giám đốc thẩm bản án.

Đồng thời với đó, TAND cấp cao tại TPHCM cũng nhanh chóng chủ động xem xét các vấn đề xung quanh vụ án này và đưa ra quyết định kháng nghị. Một tuần sau kháng nghị, đơn vị này cũng mở phiên họp xét kháng nghị.

Theo nội dung vụ án, mảnh đất 3.500 m² là đất trồng cây hằng năm. Năm 1999, ông Phan Quý mua của ông Huỳnh Hữu Lợi bằng giấy tay. Năm 2002, ông Quý “cắt” 500 m² trong mảnh đất trên bán cho ông Sĩ bằng giấy tay.

Đến năm 2005, ông Quý được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với toàn bộ diện tích 3.500 m². Sau đó, tháng 4/2009, ông Quý tiếp tục bán cho ông Dư và ông Thắng mỗi người 87 m² trong cùng thửa đất trên cũng bằng giấy tay.

Sau khi mua, ông Dư và ông Thắng cùng bán lại đất cho ông Sĩ (tổng cộng 674m²). Đến năm 2015 thì ông Sĩ bán lại toàn bộ đất cho ông Dư. Ông Dư đã đưa gia đình về đây sinh sống ổn định, khai báo tạm trú, tạm vắng và được chính quyền địa phương cấp số nhà.

Tháng 6/2017, ông Quý bất ngờ khởi kiện các ông Dư, Thắng, Sĩ ra TAND quận Gò Vấp, yêu cầu tòa tuyên các hợp đồng chuyển nhượng đất trước đây giữa ông Quý với các ông Dư, Thắng, Sĩ vô hiệu.

Xét xử sơ thẩm, TAND quận Gò Vấp đã tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Quý với ông Sĩ, công nhận hai hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Quý với ông Dư, ông Thắng.

Không đồng ý, các bên kháng cáo, còn Viện trưởng Viện KSND quận Gò Vấp kháng nghị bản án sơ thẩm.

HĐXX phúc thẩm, TAND TPHCM đã tuyên không công nhận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Quý với các ông Dư, Sĩ, Thắng; không công nhận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Sĩ, Thắng với ông Dư. Đồng thời, không công nhận quyền sử dụng đất của ông Lê Văn Dư đối với 674 m².

Tòa buộc các bị đơn trả 674m² đất cho nguyên đơn và nhận lại số tiền đã trả cho nguyên đơn trước đây kèm số tiền lãi với lãi suất 9%/năm. Sau khi tòa tuyên án, vợ của một đương sự trong vụ án đã lao ra lan can định nhảy lầu tự tử nhưng được nhiều người ngăn cản kịp thời.

Ông Lê Văn Dư và vợ là bà Trần Thị Mỹ Hiệp, hai đương sự liên quan vụ án.
Ông Lê Văn Dư và vợ là bà Trần Thị Mỹ Hiệp, hai đương sự liên quan vụ án.

Chưa áp dụng đầy đủ quy định pháp luật

Sau đó, TAND cấp cao tại TPHCM xử giám đốc thẩm và đã hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, giao cho TAND quận Gò Vấp xét xử sơ thẩm lại.

Theo đó, Ủy ban Thẩm phán phiên họp đã chấp nhận kháng nghị và quyết định hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm vụ tranh chấp giữa vợ chồng ông Phan Quý, bà Lê Thị Bích Thủy và các bị đơn là ông Lê Văn Dư, Lê Sỹ Thắng, Khâu Văn Sĩ.

Quyết định giám đốc thẩm đồng tình với các phân tích của kháng nghị đưa ra và tuyên hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để TAND quận Gò Vấp xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Ủy ban Thẩm phán, TAND cấp cao tại TPHCM cho rằng, cấp phúc thẩm TAND TPHCM xác định quan hệ tranh chấp quyền sử dụng đất là không đúng. Bởi tranh chấp nêu trên xuất phát từ quan hệ hợp đồng, do đó, quan hệ tranh chấp trong trường hợp này là tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử đụng đất. Về thời hiệu khởi kiện, vụ án này, thời hiệu khởi kiện vẫn còn.

Về nội dung vụ án, Ủy ban Thẩm phán, TAND cấp cao tại TPHCM cũng phân tích về yêu cầu khởi kiện cũng như yêu cầu phản tố của hai bên trong vụ án. Hình thức và nội dung của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa các bên đương sự đã xác lập là phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 129 Bộ luật Dân sự năm 2015 nên yêu cầu phản tố đề nghị công nhận hợp đồng của ông Lê Văn Dư là có căn cứ.

Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận một phần, còn tòa cấp phúc thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không áp dụng đầy đủ các quy định pháp luật nên cần phải được xem xét lại.

Trong trường hợp không phát sinh thêm tài liệu, chứng cứ nào khác, phải công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo yêu cầu phản tố của ông Dư. Nếu có chứng cứ khác xác định hợp đồng chuyển nhượng vô hiệu thì tòa phải giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu mới đảm bảo được quyền và lợi ích của các bên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.