Clip ghi lại khoảnh khắc này được tải lên mạng xã hội. Dư luận cho rằng, tòa xử không khách quan vì nguyên đơn có con gái làm thẩm phán TAND quận Gò Vấp, con trai làm kiểm sát viên Viện KSND TPHCM.
Nhảy lầu vì bức xúc?
Ngày 1/7, TAND TPHCM mở phiên xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp "hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất" giữa nguyên đơn là vợ chồng ông Phan Quý (Q.12, TPHCM) và bị đơn là các ông Lê Văn Dư, Lê Sĩ Thắng, Khâu Văn Sĩ (Q.Gò Vấp, TPHCM). Kết quả, Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc 3 bị đơn phải trả lại 674 m2 đất cho ông Quý.
Sau khi nghe HĐXX phúc thẩm tuyên án xong, vợ ông Dư đã lao ra lan can lầu 1 TAND TPHCM định nhảy xuống tự tử. Nhưng người nhà và những người tham dự phiên tòa, bảo vệ kịp thời ngăn cản.
Theo nội dung bản án sơ thẩm do TAND quận Gò Vấp xét xử, vợ chồng ông Quý có 3.500 m2 đất tại Q.Gò Vấp. Tháng 2/2002, dù chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) nhưng vợ chồng ông Quý vẫn bán 500 m2 đất cho ông Khâu Văn Sĩ. Đến năm 2009, sau khi được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, vợ chồng ông Quý bán cho ông Lê Văn Dư, ông Lê Sĩ Thắng mỗi người 87m2 đất. Tất cả giao dịch trên đều bằng giấy tay, không công chứng, chứng thực. Sau khi mua đất, cả 3 người dọn đến đây sống ổn định, có đăng kí tạm trú, tạm vắng và được cấp số nhà.
Năm 2017, cho rằng việc mua bán chỉ bằng giấy tay, chưa công chứng, chứng thực, sang tên nhưng các bị đơn lại thỏa thuận chuyển nhượng qua lại với nhau, xây nhà trái phép trên đất nên nguyên đơn là vợ chồng ông Phan Quý khởi kiện ra TAND Q.Gò Vấp. Vợ chồng ông Quý yêu cầu tòa hủy giao dịch chuyển nhượng đất giữa ông và ba bị đơn là các ông Lê Văn Dư, Lê Sĩ Thắng, Khâu Văn Sĩ.
Tuy nhiên, phía bị đơn không đồng ý và phản tố, yêu cầu nguyên đơn hoàn tất việc chuyển nhượng. Nếu ông Quý không thực hiện thì yêu cầu tòa công nhận hợp đồng chuyển nhượng giữa ông Quý và các bên, từ đó bị đơn sẽ liên hệ các cơ quan chức năng thực hiện việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ.
HĐXX sơ thẩm, TAND Q.Gò Vấp tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Quý, hủy hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Quý và ông Sĩ. Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của ông Dư, công nhận hợp đồng chuyển nhượng đất của ông Quý với ông Dư và ông Thắng.
Không đồng ý, các bên đã có kháng cáo. Đồng thời, Viện KSND Q.Gò Vấp đã có kháng nghị.
Tại phiên phúc thẩm, HĐXX nhận định tranh chấp giữa các bên là tranh chấp QSDĐ. Theo Điều 185 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và khoản 3 Điều 155 Bộ luật Dân sự 2015, tranh chấp QSDĐ là tranh chấp không áp dụng thời hiệu. Do đó, tòa án cấp sơ thẩm không đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của ông Quý theo đơn yêu cầu áp dụng thời hiệu của các ông Dư, Sĩ, Thắng là đúng pháp luật.
Đồng thời, căn cứ giấy chứng nhận QSDĐ, 674 m2 đất mà các đương sự đang tranh chấp nằm trong 3.500 m2 đất thuộc quyền sử dụng của ông Quý. Thời điểm chuyển nhượng đất cho ông Sĩ, phần đất này Nhà nước chưa cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ai. Vào thời điểm ông Quý chuyển nhượng QSDĐ cho ông Dư, ông Thắng, nguyên đơn đã có giấy chứng nhận QSDĐ.
Tuy nhiên, toàn bộ việc chuyển nhượng QSDĐ nêu trên không có chứng nhận của cơ quan công chứng hoặc chứng thực, chưa đăng ký với cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Vì thế, việc chuyển nhượng chưa phát sinh hiệu lực và 674 m2 đất này vẫn thuộc quyền sử dụng của ông Quý. Việc ông Dư dựa vào các hợp đồng chuyển nhượng chưa có hiệu lực để chiếm hữu phần đất này là không có căn cứ.
Ngoài ra, theo HĐXX phúc thẩm, tại phiên tòa phúc thẩm, ông Quý tự nguyện thanh toán tiền lãi trên số tiền ông đã nhận từ việc chuyển nhượng với lãi suất 9%/năm là không trái quy định pháp luật nên có căn cứ để ghi nhận.
Chỉ im lặng khi bị vu khống?
Về thông tin nguyên đơn có con gái làm thẩm phán TAND quận Gò Vấp, con trai làm kiểm sát viên Viện KSND TPHCM, kiểm sát viên Phan Anh Tuấn (con trai của nguyên đơn Phan Quý) đã có trao đổi với báo chí.
Ông Phan Anh Tuấn cho rằng em gái ông không được tham gia bất cứ giai đoạn tố tụng nào liên quan đến vụ án. Do vụ án nằm trên địa bàn quận Gò Vấp nên thẩm quyền của TAND quận Gò Vấp phải thụ lý, xét xử. Ông cũng không tác động hay dính dáng gì tới vụ án, Viện KSND quận Gò Vấp cũng đã có ban hành kháng nghị về vụ án.
"Từ tháng 3/2017, gia đình tôi bắt đầu khởi kiện. Ngày 7/6/2019, giữa ông Dư (bị đơn Lê Văn Dư) và bên chúng tôi xảy ra vụ xô xát. Bên đó vu tôi bắn súng nhưng tôi không có bắn. Họ cũng không có chứng cứ gì nói tôi bắn. Bị vu khống rất nhiều, tôi chỉ lặng im" - ông Phan Anh Tuấn chia sẻ.
Cũng theo ông Tuấn, năm 2019, cũng vì vụ tranh chấp này mà ông bị lãnh đạo Viện KSND TPHCM hạ từ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xuống còn hoàn thành nhiệm vụ. Mặc dù trong năm qua, ông làm biết bao nhiêu việc để được hoàn thành xuất sắc nhưng chỉ vì vụ này mà bị cắt thi đua.
Điều 23 Nghị quyết 03/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã phân biệt rõ như sau: Tranh chấp về QSDĐ theo quy định của pháp luật về đất đai là tranh chấp ai có QSDĐ đó. Đối với tranh chấp dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự (như hợp đồng chuyển QSDĐ…) thì áp dụng thời hiệu quy định trong văn bản quy phạm pháp luật tương ứng đối với loại giao dịch đó.
"Trong vụ án có liên quan đến người định nhảy lầu tự tử tại TAND TPHCM, các bên đã xác lập và thực hiện hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ. Theo các văn bản hướng dẫn nêu trên, tranh chấp này là tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ, thuộc tranh chấp khác liên quan đến QSDĐ.
Từ đó cần phải thấy TAND quận Gò Vấp đã xác định đúng về bản chất quan hệ tranh chấp giữa các bên. Đó là tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ, phù hợp với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, cũng như yêu cầu phản tố của bị đơn…" - Luật sư Nguyễn Văn Dũ nhận định.