Theo ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ GD Mầm non (Bộ GD&ĐT), Bộ chuẩn phát triển của trẻ em 5 tuổi hiện hành được ban hành năm 2010. Theo thời gian và các điều kiện phát triển của trẻ cũng có nhiều sự thay đổi. Điều đó dẫn tới việc chúng ta phải điều chỉnh, bổ sung và ban hành Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi đáp ứng yêu cầu thực tiễn về giáo dục mầm non và phát triển của trẻ em hiện nay.
Hiện nay, Bộ công cụ thử nghiệm chuẩn phát triển trẻ em được thử nghiệm trên diện hẹp tại một số địa phương. Việc thử nghiệm Bộ công cụ sẽ tiếp tục được triển khai mở rộng theo 2 hình thức: Các chuyên gia từ Trung ương trực tiếp tới các địa phương để đánh giá; Thử nghiệm ủy quyền cho đội ngũ quản lý, giáo viên mầm non ở địa phương.
Các chuyên gia, nhà khoa học đồng tình với 6 lĩnh vực liên quan đến hoàn thiện Bộ công cụ thử nghiệm gồm: Phát triển thể chất; Phát triển tình cảm và quan hệ xã hội; Phát triển ngôn ngữ và giao tiếp; Phát triển nhận thức; Phát triển thẩm mỹ và tiếp cận với việc học. Bà Tôn Thị Tâm, đại diện Tổ chức ChildFund Việt Nam, cho biết:
ChildFund Việt Nam đang đồng hành cùng Vụ GD Mầm non trong quá trình xây dựng với mong muốn trẻ em, đặc biệt là trẻ dân tộc thiểu số ở các địa bàn vùng khó khăn được quan tâm hơn nữa. Đồng thời, bà Tâm cũng mong muốn giáo viên, cán bộ quản lý ở các cơ sở GDMN tại địa phương có cơ hội tiếp cận sớm, tham gia vào xây dựng để có thể triển khai Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi trong tương lai.
Đánh giá cao ưu điểm của Bộ công cụ có cấu trúc rõ ràng, tường minh, chỉ số, chỉ báo có căn cứ giải thích tại sao điều chỉnh, thêm mới. Tuy nhiên, đại diện ngành GD Hải Phòng kiến nghị: Bộ chuẩn nên để 5 lĩnh vực theo chương trình GDMN thì GV thuận lợi hơn khi thực hiện. Để 6 lĩnh vực GV khó khăn, và phải có trình độ nhất định để đưa lĩnh vực thứ 6 vào thực hiện.
Đại diện ngành GD Hải Dương cho rằng, thử nghiệm mới thực hiện ở Cao Bằng, kết quả chỉ đánh giá đặc thù ở vùng miền. Thử nghiệm nên ở diện rộng, đa dạng sau đó sửa đổi hợp lý hơn.