Bà Hồ Xuân Hương - PGĐ Sở Tư pháp Hà Nội - cho biết như vậy trong Họp báo thường kỳ Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chiều nay (11/7).
Theo đó, với giáo dục mầm non, tiếp tục giảng dạy hiệu quả một số nội dung pháp luật đơn giản về giao thông, gia đình, môi trường, vệ sinh nơi công cộng, vệ sinh an toàn thực phẩm,… vào các trò chơi ở lứa tuổi mẫu giáo, nhằm hình thành tâm lý ban đầu mang tính luật, chuẩn bị tâm thế cho trẻ em vào học lớp 1.
Đối với giáo dục phổ thông, tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học môn học đạo đức, giáo dục công dân theo hướng cung cấp các kiến thức, rèn luyện kỹ năng thực hiện các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền và nghĩa vụ trong các lĩnh vực pháp luật gắn với cuộc sống và học tập của học sinh.
Chú trọng các nội dung về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống tệ nạn xã hội… Đặc biệt, chú trọng giáo dục nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, thói quen xử sự theo pháp luật của học sinh.
Đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các hình thức giáo dục ngoại khóa, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp như: tổ chức báo cáo chuyên đề, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, lồng ghép nội dung pháp luật vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ… ;
Tổ chức cho cán bộ, giáo viên và học sinh tham gia các hoạt động mang tính thực hành chính trị, xã hội, các hoạt động nghiên cứu khoa học về các vấn đề pháp luật trong thực tiễn, tổ chức học tập các chuyên đề pháp luật mới…
Hằng năm, luôn đảm bảo sự liên tục, toàn diện của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở mỗi cơ sở giáo dục, nâng cao chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp.
“Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2017, chúng tôi sẽ phối hợp với Công an thành phố Hà Nội triển khai kế hoạch phối hợp giữa UBND và Bộ GD&ĐT về phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên các trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố Hà Nội” - bà Hồ Xuân Hương cho biết thêm.