Phim Việt thời hội nhập: Loay hoay tìm hướng đi

Phim Việt thời hội nhập: Loay hoay tìm hướng đi

(GD&TĐ) - Với nhiều nước trên thế giới, điện ảnh được coi như một ngành công nghiệp mang lại lợi nhuận “khủng” và có chiến lược đầu tư rõ ràng. Còn tại Việt Nam, mặc dù có một thị trường rộng mở song điện ảnh vẫn đang chịu lép vế và nhường sân cho điện ảnh thế giới. Làm sao để điện ảnh Việt phát triển trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế vẫn là nỗi trăn trở của giới chuyên môn.

Điện ảnh luôn đòi hỏi hội nhập để tồn tại
Điện ảnh luôn đòi hỏi hội nhập để tồn tại

Vẫn cần tiếp sức?

Đến nay, Việt Nam vẫn chưa có thị trường điện ảnh. Cả nước mới chỉ có khoảng  hơn 100 rạp chiếu, cụm rạp đạt tiêu chuẩn quốc tế thì cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và như đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nhận xét thì “Một món hàng không có chợ thì không thể được làm ra. Hơn nữa, người tiêu thụ nó - khán giả - hiện nay ở mức độ thấp và chưa có thói quen thưởng thức điện ảnh. Có chăng, thị trường điện ảnh hiện nay chỉ có ở Hà Nội và TP.HCM”. Cũng theo vị đạo diễn này “Để có một thị trường điện ảnh, ngoài phát triển rạp chiếu, nên chăng nhập phim phải kèm theo thuế cao để lấy nguồn đầu tư phát triển điện ảnh trong nước. Điện ảnh Việt Nam cần phải có sự bảo hộ của Nhà nước. Vì theo Hiệp ước thương mại, nếu không có hạn ngạch nhập phim thì điện ảnh trong nước sẽ chết”. Trên thực tế, hùng mạnh như điện ảnh Hàn Quốc mà khi Nhà nước giảm quota nhập khẩu phim Mỹ từ 40 xuống 60% đã khiến giới điện ảnh trong nước biểu tình, phản đối. Còn điện ảnh Việt Nam một năm chỉ có vài phim, sản xuất phim vẫn diễn ra èo uột mà không hề có hạn ngạch nhập khẩu phim nước ngoài thì điện ảnh trong nước khó có “cửa” sống.

Theo cách nhìn nhận khác, đạo diễn Lê Đức Tiến từng chỉ ra, với một nền điện ảnh còn yếu như ta thì việc phân biệt phim Nhà nước hay phim tư nhân không quá quan trọng. Hiệu quả của sản phẩm mới là quan trọng. Song điều mấu chốt vẫn để liên kết các hãng phim với nhau đó chính là vấn đề cơ chế. Ông Tiến cũng từng đề xuất “Nhà nước cần đầu tư hệ thống rạp chiếu để làm đầu ra cho các sản phẩm điện ảnh trong nước. Bên cạnh đó cần có chính sách thuế cho phim nước ngoài và bằng cách nào đó hỗ trợ về thuế cho các sản phẩm điện ảnh trong nước”.

Xem ra đề nghị này cũng không phải không có lý bởi nếu như tại Thái Lan, Phillippines, Hàn Quốc... số lượng rạp chiếu lên đến con số hàng nghìn, Mỹ vài nghìn rạp thì Việt Nam mới chỉ có khoảng trên 100 phòng chiếu đạt chất lượng. Mong ước có một phim trường riêng, mở rộng hệ thống rạp chiếu phim dành cho điện ảnh đã và vẫn luôn nằm trong tâm trí của rất nhiều người tâm huyết với điện ảnh Việt Nam. Thậm chí, có nhiều đạo diễn còn đề nghị táo bạo và tham vọng hơn khi cho rằng nên cho ra đời những kênh riêng cho phim Việt Nam giống như HBO hay Cinemax. Điều đó sẽ giúp cho điện ảnh Việt tìm được chỗ đứng chứ không chỉ trông chờ vào giờ vàng phim trên các kênh truyền hình của quốc gia và tỉnh thành.

Chuyên nghiệp hơn nữa là yêu cầu bức thiết của điện ảnh Việt
Chuyên nghiệp hơn nữa là yêu cầu bức thiết của điện ảnh Việt

Tìm một hướng đi

Giữ nguyên bản sắc trong thời kỳ hội nhập là điều băn khoăn hơn cả đối với các nhà làm phim. Thời gian gần đây, xu hướng ngoại lai trong điện ảnh Việt trở thành một xu thế đang khá phổ biến, nhất là các phim có sự góp tay của các đạo diễn, biên kịch, nhà đầu tư nước ngoài, các đạo diễn Việt kiều về nước đầu tư. Đây là một điểm mới tích cực thay đổi diện mạo điện ảnh Việt, giúp điện ảnh Việt có cơ hội tiếp cận kỹ xảo tiên tiến, công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, thực tế này cũng đặt ra nhiều thách thức cho điện ảnh Việt có thể giữ được nguyên bản sắc.  Song theo nhiều đạo diễn thì chúng ta phải dần làm quen với xu thế làm phim có yếu tố nước ngoài. Điện ảnh là nghệ thuật giao lưu quốc tế nên việc sử dụng yếu tố bên ngoài không có gì đáng phải lo ngại, mà nó chỉ làm giàu có, phong phú hơn thôi.”.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên - người luôn chọn cho mình hướng đi làm phim nghệ thuật cũng từng khẳng định: Việc làm phim giống ai đó, giống nước ngoài sẽ không ảnh hưởng gì đến điện ảnh Việt. Bởi điện ảnh là ngôn ngữ của nhân loại. Không có cái gì là của riêng điện ảnh Việt. Phim Việt Nam là phim do những người Việt Nam làm, nó mang tinh thần, tình cảm của người Việt Nam. Nhưng nếu nó giống tình cảm của một đất nước nào đó cũng là điều tốt. Tất cả các bộ phim trên thế giới đều chẳng có gì khác nhau. Đố ai biết được cái riêng của Việt Nam là gì? Quan điểm làm phim bây giờ khá cởi mở. Quan trọng là phải thấy được mục đích bộ phim là gì, tìm tòi gì trong đó. Nó tốt hay không, lành mạnh hay không?...

Với những nhìn nhận cởi mở hơn trong vấn đề hợp tác điện ảnh thì yếu tố con người, vật lực, kỹ xảo, công nghệ, nguồn vốn... trong điện ảnh Việt đang có sự chuyển biến, cải thiện đáng kể. Thậm chí, ngay cả khâu kịch bản - cốt lõi nhất để giữ cho bản sắc mỗi nền điện ảnh cũng đang có sự du nhập đáng kể. Trong khi khâu kịch bản trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng cũng như chất lượng của các nhà làm phim thì việc mua lại kịch bản nước ngoài rồi Việt hoá thành tác phẩm điện ảnh của ta cũng là hướng đi, cách làm tất yếu của các hãng phim trong nước. Vấn đề kinh doanh điện ảnh ra sao cho hiệu quả cũng là một vấn đề khi điện ảnh Việt hội nhập. Lãnh đạo nhiều hãng phim tư nhân đã từng thẳng thắn nhận xét kinh doanh điện ảnh hiện vẫn là một ngành kinh doanh nhiều rủi ro. Vì thế, hầu hết các hãng phim tư nhân mới chỉ dám đầu tư sản xuất phim phục vụ khán giả trong nước mà chưa dám tính tới chuyện làm phim bán ra nước ngoài hay hướng tới các liên hoan phim quốc tế...

Mặt khác, các nhà sản xuất cũng coi trọng yếu tố PR trong phát hành phim hiện nay. Làm sao để phim phải được quảng cáo, tiếp thị rầm rộ mới đến được với khán giả. Thực tế, quảng cáo là quan trọng song sản phẩm mới là quan trọng nhất. Các đạo diễn và nhà sản xuất phim cũng nêu ra vấn đề, để phát hành phim cần có rạp chiếu. Làm sao để rạp cần phim, chứ không phải phim cần rạp. Nếu bộ phim được khán giả đón nhận, chắc chắn các rạp chiếu sẽ tự tìm đến. Ông Gerry Herman - Chủ nhiệm CLB Điện ảnh Hai Bà Trưng (Hà Nội) khẳng định rằng phim Việt có một thị trường quốc tế rất lớn... Nếu Việt Nam muốn phát triển một nền công nghiệp điện ảnh  thì cần quảng bá hình ảnh ra thế giới và còn rất nhiều khâu phải củng cố đó là cơ sở vật chất và đào tạo đội ngũ sản xuất điện ảnh từ đạo diễn, diễn viên, người sản xuất...

Hội nhập là một xu thế tất yếu trong nhiều khía cạnh của xã hội chứ không riêng điện ảnh. Chỉ có hội nhập mới giúp cho điện ảnh tồn tại và phát triển song hội nhập ra sao lại là bài toàn cần tính toán kỹ càng với những nhà làm phim, sản xuất, quản lý điện ảnh trong thời điểm hiện tại.

Thời gian gần đây, xu hướng ngoại lai trong điện ảnh Việt trở thành một xu thế đang khá phổ biến, nhất là các phim có sự góp tay của các đạo diễn, biên kịch, nhà đầu tư nước ngoài, các đạo diễn Việt kiều về nước đầu tư. Đây là một điểm mới tích cực thay đổi diện mạo điện ảnh Việt, giúp điện ảnh Việt có cơ hội tiếp cận kỹ xảo tiên tiến, công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, thực tế này cũng đặt ra nhiều thách thức cho điện ảnh Việt trong việc giữ được nguyên bản sắc.


Ngọc Tùng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.