Hội nghị góp ý dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức, để tiếp tục hoàn thiện bộ Luật trình Quốc hội khóa XV xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 3 vào tháng 5/2022 tới.
Cần chính xác và cụ thể
Xung quanh Hội nghị góp ý dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi, diễn ra ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, thu hút nhiều góp ý của giới chuyên gia. Điều đó cho thấy, dù đã chỉnh sửa đến 10 lần nhưng Luật Điện ảnh (dự thảo) vẫn còn nhiều thiếu sót. Tuy nhiên, cũng nói lên sự quan tâm rất lớn của các nhà quản lý, giới chuyên gia và các nhà sản xuất trong bối cảnh hướng tới phát triển nền công nghiệp điện ảnh.
Bà Ngô Phương Lan – Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam - nói rằng, khi đã vào Luật thì những giải thích từ ngữ, thuật ngữ trong điện ảnh cần phải quy định chính xác, cân nhắc nhiều khía cạnh để tránh những bất cập phải xử lý sau này như cấp phép, kiểm duyệt…
Ví dụ như định nghĩa “Phim Việt Nam” hiện nay quy định “là phim đã được phép phổ biến tại Việt Nam theo quy định của Luật này và có hai trong 3 yếu tố sau: Đạo diễn có quốc tịch Việt Nam, ngôn ngữ chủ yếu trong phim là tiếng Việt, có cơ sở điện ảnh Việt Nam tham gia sản xuất phim”.
Từ định nghĩa đó, bà Phương Lan đưa bộ phim “Mùi đu đủ xanh” của đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng để chứng minh. Phim nói tiếng Việt nhưng sản xuất tại Pháp, đạo diễn người Pháp, mọi thứ ở nước ngoài nhưng khi xin dự Oscar dưới danh nghĩa Việt Nam thì không đúng quy định.
Thực tế cho thấy, có rất nhiều nhà sản xuất – đạo diễn phim là Việt kiều mang quốc tịch nước ngoài. Tuy nhiên, khi tham gia sản xuất phim thì cấp phép cũng như kiểm duyệt thế nào khi đối chiếu Luật Điện ảnh. Bởi vậy, Luật cần chính xác, chi tiết và cụ thể để tránh các rắc rối, khó xử về sau.
Trong khi đó, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương - cũng nhấn mạnh: “Luật cần quy định rõ quy chế phổ biến phim Việt, bảo hộ doanh nghiệp điện ảnh Việt Nam thế nào. Vấn đề tiền kiểm, hậu kiểm của phim rạp và chiếu không gian mạng cần cụ thể hơn”.
Ở góc độ nhà làm phim, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh nêu quan điểm cho rằng, yếu tố quản lý, kiểm soát đang mạnh hơn trong luật hiện tại. Theo ông Linh, nên tạo hành lang pháp lý để nhà làm phim tự tin thay vì lo ngại.
Ông Phan Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, thẳng thắn chỉ ra vấn đề quản lý đặt quá nặng trong Luật.
Ông nói: “Cân bằng việc vừa tạo hành lang pháp lý vừa tạo môi trường để phát triển là rất khó. Theo tôi, điện ảnh là sân chơi nguy hiểm khi có thể mất đến số tiền hàng chục tỉ đồng. Do đó, các chính sách của Nhà nước nên là “bà đỡ” của điện ảnh”.
Điện ảnh Việt khi nào hết vô danh?
Đến nay, theo đánh giá của ông Phan Viết Lượng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, các điều khoản Luật đã sửa đổi, bổ sung và chỉnh lý nhiều nội dung, cơ bản được sự thống nhất.
Nội dung được nghiên cứu sửa đổi nhiều, là cấp phép thẩm định phân loại phim (Điều 27 đến 32) và phổ biến phim, đặc biệt là vấn đề hậu kiểm trong việc phổ biến phim trên không gian mạng (Điều 21). Ông Lượng cho rằng, hiện nay điều kiện về tổ chức bộ máy, năng lực, kỹ thuật... có thể đáp ứng được yêu cầu, nên vấn đề hậu kiểm cần được quan tâm.
Đối với quy định cấm tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân, ông Đỗ Lệnh Hồng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam - cho rằng rất mơ hồ. Nếu bộ phim hơi giống ai đó, họ có quyền kiện thì nhà sản xuất và đạo diễn buộc phải ngưng phim.
Đạo diễn phim “Bi, đừng sợ!” – ông Phan Đăng Di đưa ra băn khoăn, trước khi sửa đổi luật - chúng ta đã có khảo sát hiệu quả đầu tư tiền ngân sách đối với các tác phẩm điện ảnh làm nhiệm vụ chính trị hay chưa? Có nên hiểu lại khái niệm nhiệm vụ chính trị hay không?
Trong 4 năm làm thành viên của Hội đồng Thẩm định kịch bản, ông Di nhận được rất nhiều tác phẩm không thể đi xa hơn được, vì tư duy rất cũ. Nhiệm vụ chính trị hiện nay vốn chỉ tập trung vào các phim thiếu nhi, lịch sử, đồng bào dân tộc miền núi…
“Đã đến lúc nhiệm vụ chính trị phải hiểu theo nghĩa rộng, tức là dân tộc Việt Nam phải có tiếng nói trong điện ảnh, phải có những tác phẩm đóng góp vào điện ảnh thế giới, phải đến được các liên hoan phim. Khi nào phim Việt chưa vào được liên hoan phim quốc tế hạng A, thì lúc đó nền điện ảnh của chúng ta vẫn vô danh”, đạo diễn Phan Đăng Di cho hay.
NSƯT Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM, đưa quan điểm nới rộng khái niệm nhiệm vụ chính trị. Chính trị phải bao hàm tất cả vấn đề của cuộc sống, kinh tế, giáo dục, y tế, tôn giáo… và không có lý gì đặt người dân ngoài vấn đề đó.