Phim Việt: Âm thịnh dương suy!

GD&TĐ - Tại sao trong một xã hội nặng thành kiến trọng nam khinh nữ như Việt Nam, thì trong điện ảnh lại xảy ra tình trạng “âm thịnh dương suy”?

Nhiều phim đàn ông trở nên èo uột, vô dụng – Tiến trong “Trói buộc yêu thương” cũng là gã đàn ông hèn nhát.
Nhiều phim đàn ông trở nên èo uột, vô dụng – Tiến trong “Trói buộc yêu thương” cũng là gã đàn ông hèn nhát.

Trong suốt hơn 70 phát triển, tình trạng “âm thịnh dương suy” không chỉ đúng ở nghĩa đen – luôn có nhiều diễn viên nữ nổi tiếng hơn nam, mà còn đúng với hình ảnh của họ trên phim.

Khi đã thoát ra khỏi những huyền thoại thời chiến, hình ảnh người đàn ông trong phim Việt được các đạo diễn xây dựng khá “méo mó” và thiếu hẳn những biểu tượng. 

Đàn ông, “cậu nhỏ” và con cá

Thực trạng “âm thịnh dương suy” trong phim ảnh Việt từng được nhắc tới rất nhiều. Tuy nhiên, cho đến nay, sau 74 năm hình thành và phát triển ngành điện ảnh, vai trò người đàn ông Việt Nam trong phim không chỉ rất lu mờ mà còn “méo mó”.

Trong một cuộc thảo luận điện ảnh, nhà phê bình Lê Hồng Lâm nói đại ý rằng, trong một xã hội “nam trị” nhưng đàn ông Việt Nam trên phim ảnh lại rất yếu đuối, èo uột, vô dụng, bất đắc chí, vô dụng, nhạt nhẽo.

Ông Lâm cũng đặt câu hỏi: Thực trạng đàn ông Việt đúng là như thế, hay là phim ảnh đang “bôi đen” hiện thực, làm ngược lại những gì đang diễn ra, đang xảy ra và đã xảy ra trong đời sống thực tế?

Người Việt có câu “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, nhưng trong phim Việt đúc rút ấy ngược lại hoàn toàn. Người đàn ông không những “không xây được nhà” mà còn trở nên vô dụng, hèn và hãm vô cùng. Trong khi đó, vai trò nữ giới nổi bật, họ gánh vác việc lớn nhỏ trong nhà; và trong nhiều bộ phim nữ giới thay vai trò nam giới, sẵn sàng nhiếc móc chửi rủa người đàn ông của mình như con ở, người hầu…

Các phim “Mùi đu đủ xanh”, “Trăng nơi đáy giếng” và “Chị chị em em” có thể được xem là những điển hình về mẫu giới ở Việt Nam. Không biết vô tình hay cố ý, từ kịch bản, đạo diễn xây dựng hình tượng nữ giới thành các trụ cột trong gia đình, trong khi người đàn ông chỉ là “có cũng được, không có cũng không sao”.

Trong “Chị chị em em”, Kim là vợ (Thanh Hằng) và Huy là chồng (Lãnh Thanh). Là vợ nhưng Kim sở hữu tài sản, cô trở thành trụ cột cả về vật chất lẫn tinh thần. Đây là dự án điện ảnh đầu tay của Kathy Uyên với vai trò đạo diễn. Cô cài cắm xuyên suốt thời lượng phim vô vàn các chi tiết ẩn dụ mà nếu tinh ý sẽ nhận ra đàn ông chỉ là những nạn nhân của phụ nữ.

Hoa hồng là biểu trưng của tính nữ trong “Chị chị em em”. Nhân vật Nhi mang chậu hoa hồng sắp tàn từ quán nhậu vào nhà Kim như một vật ký sinh, nhưng chính tay Kim chăm sóc chậu hoa ấy đến khi nở rộ. Điều ấy nói rằng, hoa hồng luôn có gai nhọn, ẩn dụ về sự mưu mô, toan tính của 2 nhân vật nữ giới Bảo Nhi và Thiên Kim.

Ngay cả hình tượng con cá hiện hữu từ đầu đến cuối phim, gắn liền với người chồng Minh Huy. Bữa ăn đầu tiên mà Bảo Nhi nấu sau khi về nhà Huy – Kim là món canh cá. Huy đùa với vợ rằng anh ta có “cậu nhỏ” nhỏ như của con cá. 

Phim “Bố già’” được coi là thực tế khi vai trò người đàn ông trở nên quan trọng.
Phim “Bố già’” được coi là thực tế khi vai trò người đàn ông trở nên quan trọng.

Bất đắc chí hay bị “bôi đen”?

“Khảo sát lại một loạt phim Việt từ xưa đến nay, đặc biệt là từ giai đoạn Đổi mới đến nay, hình ảnh đàn ông Việt trên phim rất méo mó. Đó là sự thất bại vĩ đại của nam tính trong phim Việt”. Nhà phê bình Lê Hồng Lâm

Nhiều nhà phê bình điện ảnh cho rằng, từ giai đoạn Đổi mới cho đến nay, hình ảnh đàn ông trên phim Việt èo uột một cách thảm hại. Điều đó thể hiện qua việc phụ nữ có vai trò chủ đạo, đậm nét trong các bộ phim nghệ thuật xuất sắc từ thập niên 1990 đến nay như: “Mùi đu đủ xanh” (Trần Anh Hùng), “Trăng nơi đáy giếng” (Nguyễn Vinh Sơn), “Thị xã trong tầm tay” hay “Cô gái trên sông” (Đặng Nhật Minh), “Bi đừng sợ”, “Cha và con và...” (Phan Đăng Di).

Nói về những năm 2000 của thời kỳ chuyển giao giữa thời hậu chiến và đổi mới, nhà phê bình Lê Hồng Lâm nhận định những phim như: “Đời cát”, “Trăng nơi đáy giếng” của các đạo diễn trong nước hay các phim “Mùi đu đủ xanh”, “Chiều mùa hè thẳng đứng” của đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng đã mang đến hình ảnh người phụ nữ truyền thống nhưng nổi bật.

“Mùi đu đủ xanh” vào thời điểm ra mắt đã nhận được giải Camera vàng - một hạng mục lớn dành cho phim đầu tay tại Liên hoan phim quốc tế  năm 1993. Bà chủ nhà là mẫu người phụ nữ điển hình cho phụ nữ Việt , đầy khoan dung và nhẫn nhịn.

Trong gia đình, bà là người cáng đáng hết mọi thứ, dù là buôn bán hay chăm sóc gia đình. Trái lại, ông chồng chỉ biết chơi bời, nhiều lần lấy sạch tiền tích góp của vợ bỏ đi biền biệt, đến lúc hết tiền mới quay về.

Ngay trong phim “Bi đừng sợ”, người cha đắm chìm trong những bữa nhậu vô tận, thoái thác trách nhiệm. Trong khi đó, người mẹ chăm sóc cho người ông bằng những viên đá lạnh, cam chịu trước sự hờ hững của chồng. 

3 người đàn ông trong phim có rất ít sự liên hệ với nhau, người bố không hề tiếp xúc với người ông, người con ít tiếp xúc với cả người bố, chỉ có sự thơ ngây của Bi là giúp cậu gắn kết phần nào với người ông đang cận kề cái chết.

Từ những bộ phim của các đạo diễn Việt kiều đến đạo diễn trong nước, công chúng thường bắt gặp những hình tượng đàn ông xấu xí, bất lực hoặc thất bại. Tại sao có tình trạng đó? Liệu đó có phải là một khuôn mẫu áp đặt lên đàn ông Việt? Liệu có cần “giải cứu” vai trò của nam giới Việt trong phim ảnh?

Thực trạng “âm thịnh dương suy” trong phim Việt được đánh giá là diễn ra phổ biến chứ không hoàn toàn. Vẫn có những bộ phim vượt qua định kiến giới, thể hiện rõ hiện thực và những bản ngã con người.

“Bố già” là ví dụ điển hình, khi Trấn Thành trong vai người cha với trọng trách vừa làm bố vừa làm mẹ. Tính cách có phần ủy mị nhưng khán giả đồng cảm so với việc họ phải cố gắng gồng lên để chứng minh một điều gì đó không thực tế. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.