Hơn thế, người lớn nào trong mỗi gia đình cũng chờ đợi.
Thậm chí, người lớn còn lấy chuyện trong phim truyền hình ra làm bài học để răn dạy con cháu. Tôi còn nhớ, thời truyền hình phát lần đầu bộ phim "Mẹ chồng tôi" thì cả xóm vào mỗi cuối tuần đều trực chờ ăn xong bữa tối là sang nhà tôi xem nhờ vô tuyến. Cứ là vui như xóm có hội vậy.
Thời đó xóm nghèo, chỉ có nhà tôi nhờ điều kiện bố được đi Liên Xô làm nghiên cứu sinh nên mới chắt chiu gửi về nhà chiếc vô tuyến nhỏ 9 inch, vậy mà cả xóm cùng được hưởng. Những bộ phim truyền hình mà lũ trẻ xóm tôi xem trên vô tuyến thời ấy, chính là nguồn dinh dưỡng nuôi tâm hồn cả thế hệ 7X, 8X chúng tôi lớn bổng lên, yêu quê hương, đất nước, luôn gắn bó, tâm nguyện xây dựng quê nhà.
Xem phim truyền hình ở nhà, chúng tôi ai nấy đều chọn cho mình một thần tượng, là những nhân vật, diễn viên trên phim. Chúng tôi cứ nghĩ, các cô, chú diễn viên này không chỉ đẹp, mà còn siêu như thần thánh vậy, mới có thể khiến chúng tôi hồi hộp, cười đó rồi khóc đó, rồi tức giận,… cảm xúc nhiều khi thay đổi trái ngược liên tục theo mạch truyện phim. Chúng tôi đã có những hình bóng cụ thể để sống theo, để noi theo trong cuộc đời, cũng nhờ phim truyền hình Việt.
Nhưng chỉ tới lúc xem Chương trình Quán Thanh xuân số tháng 7.2020 trên kênh VTV1, chủ đề "Về nhà xem phim", với nội dung xoay quanh phim truyền hình Việt Nam thời những năm 1980, về những khó khăn, thuận lợi của ê kíp làm phim thì tôi mới ngỡ ra, phía sau những cảnh phim khiến lứa khán giả chúng tôi mê say, phía sau những thần tượng phim ảnh mà chúng tôi tôn sùng đó là những sự thật ngỡ ngàng.
Một tài năng Khánh Linh hát bài "Cánh diều tuổi thơ" trong phim khi cô mới chỉ 15 tuổi! Hay tâm sự của NSND – Đạo diễn Khải Hưng về việc phải thức trắng nhiều đêm làm phim, về nỗi lo làm phim không kịp, sợ đứt sóng, sợ sự nghiệp bị tiêu ma.
Thế đó, thần tượng của chúng tôi, cũng có những nỗi sợ hãi chẳng khác gì chúng tôi cả. Họ làm nên những điều thần kỳ, nhưng thực ra, canh cánh bên họ vẫn là nỗi sợ thường ngày.
Nhưng cũng qua Chương trình Quán Thanh xuân, được trực tiếp nghe các nghệ sĩ – đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, Trọng Chinh, Quốc Tuấn, Minh Hằng,... chia sẻ kỷ niệm làm phim, mới thấy cảm thông, và thêm phần cảm phục năng lượng và đam mê nghề của các anh, các chị.
Không có loa, nghệ sĩ phải dùng giấy cuốn lại thay loa, làm phim xuyên ngày đêm, đói lả, may nhờ bà con nông dân mang cho rổ khoai nóng, cảnh không đủ nhân sự canh phim trường, bị người xem dồn túm lại, phải ghi hình lại nhiều lần, rồi những tai nạn vừa buồn cười, vừa thương khi nghệ sĩ diễn xong cảnh bạo lực thì thâm tím khắp người, ốm cả chục ngày…
Làm phim truyền hình thời gian khó, không làm các anh chị nghệ sĩ nản lòng, trái lại càng khiến cho cuộc sống của các anh chị thêm nhiều màu sắc, với đủ dư vị hỉ nộ ái ố ở đời, để làm nên đời nghệ sỹ hạnh phúc, đáng được trân trọng và tôn vinh.
Điều mà chúng tôi học được ở thế hệ các anh chị, là có thể làm phim bằng bất cứ gì có trong tay, ở xung quanh. Vừa làm vừa vỡ ra nhiều kiến thức mới. Thiếu thốn không là cản trở. Những bộ phim vẫn ra đời trong thiếu thốn. Và có lẽ, không nhắc nhở nào giá trị cho bằng nỗi niềm nhớ nhung của cả một thế hệ với phim truyền hình, với chương trình "Văn nghệ chủ nhật" toàn chiếu phim Việt Nam cực hay, đã tạo nên phông văn hóa khỏe khoắn cho một thế hệ.