Phim tài liệu Việt: Cơ hội vươn ra biển lớn

GD&TĐ - Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 9 sẽ trở lại tại Hà Nội và TPHCM từ ngày 8 – 16/6. Đây là một sự kiện văn hóa đặc biệt được tổ chức thường niên, nhằm đáp ứng nhu cầu giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và quốc tế. Với nội dung đề tài phong phú, đa dạng hy vọng liên hoan sẽ mang lại một bức tranh nhiều màu sắc đến cho khán giả.

Phim “Lớp học hi vọng” của đạo diễn Trịnh Quang Tùng – Đỗ Thị Huyền Trang
Phim “Lớp học hi vọng” của đạo diễn Trịnh Quang Tùng – Đỗ Thị Huyền Trang

Nỗ lực nâng chất phim Việt

Năm nay, 15 bộ phim tài liệu mà Việt Nam mang đến tham dự liên hoan đều là những bộ phim tài liệu nổi tiếng của điện ảnh nước nhà, là những phim giành giải Bông sen vàng, Cánh diều vàng, Giải phim môi trường.

Có thể kể đến những bộ phim tài liệu như Giáo sư Tôn Thất Tùng - người thầy tôn kính, Lớp học hy vọng, Những đứa trẻ may mắn, Mưa axit, Gắn kết, Khát vọng người, Sân khấu của những niềm hy vọng, Lê Bá Đảng - từ Bích La đến Paris, Nhà soạn nhạc Karl Schiske và thế hệ kế cận, Nhớ biển, Tạm biệt Hạ Long, Tâm tình của gốm, Thời đại của Big, Dịch cận thị, 1 ngày tôi thấy 10.000 con voi, Vọng phu nơi đầu sóng, Mái ấm Xa mẹ, Cuộc di cư của bầy cừu... Những bộ phim đã để lại dấu ấn khá sâu sắc trong lòng khán giả.

Thực tế là trong những năm gần đây, trước sự phát triển mạnh mẽ của phim truyền hình, phim tài liệu Việt Nam dường như lép vế. Số lượng phim tài liệu nhựa mỗi năm sản xuất chỉ đếm trên đầu ngón tay, phim video nhiều hơn nhưng thường dừng lại ở dạng phóng sự, phóng sự tài liệu, phim tài liệu khoa học thì càng ít.

Những người sản xuất phim tài liệu vẫn luôn trăn trở, làm sao để phim tài liệu Việt Nam có sức sống lâu bền. Thực trạng này cũng xuất phát từ nhu cầu thực tế, bởi có cung thì ắt có cầu. Khán giả thường chú ý đến những bộ phim mang tính giải trí hơn là những bộ phim tài liệu. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến phim tài liệu Việt chưa bắt kịp được nhịp chung của thế giới.

Tại liên hoan phim lần này, nhìn vào danh sách phim được trình chiếu, khán giả đang hi vọng cuộc đối thoại giữa phim tài liệu Việt và châu Âu sẽ là cơ hội để phim tài liệu Việt vươn ra thế giới.

Giấc mơ doanh thu như phim giải trí

Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 9 có nhiều điểm mới, trước tiên phải kể đến số lượng. Đây là lần đầu tiên có 11 nước châu Âu tham gia. Còn về chất lượng, liên hoan phim lần này giữ được chất lượng rất tốt trong việc tuyển chọn phim. Trong đó có rất nhiều phim của Việt Nam và phim của các quốc gia tham dự đạt được giải thưởng uy tín.

Trong suốt 10 ngày diễn ra liên hoan phim, các bộ phim được trình chiếu miễn phí tại Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương và Trường ĐH Hoa Sen. Mỗi bộ phim được trình chiếu là những khám phá mới, phản ánh được cuộc sống, đất nước, môi trường, xã hội, văn hóa, di sản…của mỗi quốc gia.

Phim tài liệu thường rất kén khán giả. Với phim tài liệu Việt, khi tham gia các liên hoan phim quốc tế, hầu hết phim Việt ít khi được đánh giá cao. Ước mơ phim tài liệu Việt mang doanh thu về hàng trăm triệu USD như các siêu phẩm điện ảnh giàu tính giải trí là giấc mơ chưa thành hiện thực.

Thời gian qua, phim tài liệu được nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân rất tích cực đổi mới sản xuất lẫn tìm kiếm thêm kênh phát hành mới. Một số bộ phim bắt đầu được chiếu rạp. Cách chọn đề tài, chọn dự án sản xuất cũng hướng đến nhu cầu của khán giả hơn. Tuy nhiên, phim tài liệu Việt vẫn “nhọc nhằn” khi đến với đông đảo công chúng.

Lại một mùa liên hoan nữa diễn ra, kết quả vẫn chờ đợi sự đánh giá của Ban tổ chức và khán giả nhưng điều quan trọng nhất, đây là cơ hội những nhà làm phim tài liệu Việt học cách tư duy, cách tiếp cận với xu hướng thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.