Phim chính luận góp mặt với những vấn đề “nóng”

GD&TĐ - Bên cạnh những thể loại phim đa dạng và phong phú hướng đến việc giải trí cho người xem, thì mảng phim chính luận đã được khán giả chú ý đến nhiều hơn. Bởi với thể loại phim này, những vấn đề nóng trong xã hội đã được phản ánh trực diện trong những kịch bản phim mang hơi thở cuộc sống.

Phim chính luận góp mặt với những vấn đề “nóng”

Những góc khuất trong cuộc sống

Gần đây dòng phim chính luận được đa dạng hóa dựa trên việc khai thác những đề tài đương đại có vấn đề. Trước đấy, Đi qua ngày giông bão hay gần đây là Gia phả của đất cùng viết về đề tài xây dựng và phát triển nông thôn đã thu hút được khá đông lượng khán giả.

Những góc khuất trong cuộc sống của người nông dân và cả những thế lực xấu trong bộ máy chính trị của quan chức địa phương đã được phản ánh trong những bộ phim dài tập.

Gia phả của đất là phim mà kịch bản được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Hoàng Minh Tường - người được mệnh danh là “cây bút của làng quê viết về nông thôn có hạng” được đạo diễn Quốc Trọng chuyển thể bằng ngôn ngữ điện ảnh đã khắc sâu vào thân phận của người nông dân.

Phim đã phản ánh bức tranh đầy màu sắc về nông thôn Bắc Bộ thời kỳ đổi mới với cái nhìn chân thực về cuộc sống người nông dân trải dài từ cuối những năm 70.

Mỗi một mảnh đất, một vùng quê, cũng có số phận riêng với những mối quan hệ đan chéo phức tạp. Thông điệp mà các tác giả muốn gửi gắm đến người xem là cái nhìn về thế sự: Theo thời gian, vùng quê đó đã viết nên những trang gia phả cho riêng mình. Và cái gia phả ấy huy hoàng hay u tối, vinh quang hay tủi nhục, là do chính những con người của vùng đất ấy tạo nên.

Bên cạnh đó, hình ảnh thu nhỏ của cuộc sống đô thị cũng là mảnh đất mà thể loại phim chính luận khai thác. Hiện tại, bộ phim Lựa chọn cuối cùng đang được trình chiếu những tập đầu tiên trên truyền hình.

Đây là bộ phim mới nhất của đạo diễn Vũ Hồng Sơn. Từ câu chuyện trong một gia đình quan chức - Chủ tịch tỉnh Khắc Chính (NSƯT Mạnh Cường), phim đề cập tới những vấn đề bức xúc liên quan đến cả xã hội.

Trong đó sự liên minh giữa các nhóm lợi ích để một bên lo chạy chức, chạy quyền, một bên chạy các dự án, cùng những hệ lụy hủy hoại môi trường sống, gây ảnh hưởng đến đời sống dân nghèo được tập trung khai thác trong phim.

Có thoát khỏi những mô típ rập khuôn?

Nhân vật Chủ tịch tỉnh Khắc Chính là một người quyết đoán, có nhiều hoài bão, luôn mong muốn đóng góp cho sự phát triển của tỉnh nhà.

Nhưng chính lúc tưởng rằng con đường đi đến vị trí Bí thư Tỉnh ủy rộng mở, thì ông lại để lộ một sơ hở mà bản thân ông không làm chủ được.

Điều này đến từ những người thân trong gia đình đó là vợ và con trai của ông. Vì vậy ông Chính hoặc chấp nhận thỏa hiệp để bảo vệ danh dự và sự nghiệp chính trị, bất chấp lương tâm day dứt, ám ảnh cả đời, hoặc phải sửa sai đảm bảo lợi ích cho người dân - những người luôn mong ngóng những cán bộ có tâm.

Ngoài nhân vật Chủ tịch tỉnh, các nhân vật của “Lựa chọn cuối cùng” đa phần được xây dựng đa chiều, cái tốt - cái xấu đan xen và khó lường.

Hàng loạt những lựa chọn trong phim đặt nhân vật trước những được - mất, những sai lầm, ám ảnh, đau đớn, những bứt phá để giữ lại cho mình điều quý giá mà họ thấu hiểu sau các biến cố trong đời. Sau tất cả những chuyện xảy ra, đâu sẽ là lựa chọn cuối cùng của họ?

Ở phim Gia phả của đất Bí thư Cơ một vai phản diện do NSƯT Hoàng Hải đảm nhận. Đây là nhân vật sinh ra vốn tốt nhưng vì hoàn cảnh đã phải trở thành người xấu.

Trong nhiều sa ngã của Cơ có chuyện sa ngã trong tình cảm, phản bội người vợ ở quê để sống với cô thợ may trên thành phố. Diễn viên Đàm Hằng đảm nhận một lúc hai vai - thôn nữ Vi và cô thợ may ghê gớm, chua ngoa tên Nga.

Cả hai là phiên bản quá khứ và hiện tại của nhau và là cách để lý giải cho sự sa ngã của Cơ. Rõ ràng chuyện lúa, chuyện hợp tác xã... chỉ là phông nền, câu chuyện chính vẫn là thân phận con người nông dân trong thời kỳ đó.

Mỗi người đều có góc khuất của riêng họ và những mối quan hệ đan chéo trong những bộ phim đã phản ánh cuộc sống của xã hội theo nhiều chiều khác nhau.                                                                                                                                                                                  Bởi vậy phim chính luận thường chạm tới những vấn đề nóng nhạy cảm trong xã hội. Cái khéo của người đạo diễn là vừa phản ánh được những mặt tốt xấu trong cuộc sống, song phải tránh được những lối mòn và cần có một cái nhìn khách quan đúng mực khi xây dựng câu chuyện trên phim.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ