Phim ca nhạc Việt: Bao giờ hấp dẫn?

GD&TĐ - Khán giả Việt Nam đã từng được xem những bộ phim ca nhạc như “Em còn nhớ hay em đã quên” lấy cảm hứng từ những ca khúc Trịnh Công Sơn; “Giải cứu thần chết”; “Những nụ hôn rực rỡ” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. 

Phim ca nhạc Việt:  Bao giờ hấp dẫn?

Tuy nhiên đến nay số lượng phim ca nhạc được được sản xuất ở Việt Nam chưa nhiều, nếu không nói là còn quá ít và thiếu mới mẻ. Chính vì vậy để tìm kiếm sự thành công ở thể loại phim này vẫn là điều không hề dễ với nhà sản xuất và các đạo diễn.

Chưa đủ sức hấp dẫn

Hai bộ phim ca nhạc gần đây đang nhận được sự quan tâm từ khán giả đó là “Cho một tình yêu” của đạo diễn Nguyễn Tranh - Lê Hóa dài 36 tập, biên kịch Thuỳ Linh chiếu trên VTV3 và “Vũ điệu đam mê” của đạo diễn Nguyễn Đức Việt.

“Cho một tình yêu” đã quy tụ được một êkíp làm phim, các diễn viên chính thuộc hàng ca sĩ “khủng” sân khấu âm nhạc Việt: Quang Dũng; Tuấn Hưng; Mỹ Tâm. Không thể phủ nhận những tên tuổi này sẽ mang đến cho bộ phim một lượng fan lớn theo dõi phim có thần tượng của mình tham gia diễn xuất.

Tuy vậy, đặt cạnh đó là thách thức không nhỏ về diễn xuất điện ảnh - nghề tay trái và cũng là điểm yếu của các ca sĩ. Và thực tế điều đó đã không tránh được. Với nét mặt già dặn so với vai diễn, trang phục cùng cách trang điểm không phù hợp với lứa tuổi... Mỹ Tâm đã làm mất đi hình ảnh một cô tiểu thư con nhà giàu được cha mẹ cưng chiều. với tính cách nhí nhảnh hờn dỗi của trẻ con. Từ đó cũng lộ ra lối diễn xuất nửa vời đầy cứng nhắc chẳng mấy hợp vai của Mỹ Tâm.

Bên cạnh diễn xuất chưa đạt thì giọng nói gượng gạo cứng tuổi, thiếu tự nhiên cũng làm nhân vật không còn sự dễ thương đáng yêu của lứa tuổi. Với Quang Dũng, nhân vật Hải Đông trong phim cũng không phải là vai diễn đầu tiên của anh trong điện ảnh nhưng ở anh vẫn thiếu sự mềm mại, dịu dàng và cảm xúc cần có khi thể hiện một người đàn ông đang yêu.

Tuấn Hưng vào vai một anh chàng tốt bụng song có lẽ với vai diễn tay trái này anh cũng không để lại nhiều ấn tượng như khi bước lên sân khấu. Dù rất cố gắng đầu tư cho diễn xuất xong thẳng thắn mà nói thì cả 3 ca sĩ vẫn chưa thể làm tròn vai diễn. Khán giả vẫn chờ đợi, mong mỏi ở họ lối diễn có hồn hơn để cảm xúc phim không bị đứt mạch bởi lối diễn thiếu chuyên nghiệp của họ.

“Vũ điệu đam mê” của đạo diễn Nguyễn Đức Việt là bộ phim ca nhạc đầu tiên của Việt Nam đề cập tới Hip - Hop. Cho dù đạo diễn có khẳng định phim không làm theo bộ phim ăn khách “Sep Up” nhưng khi xem phim khán giả vẫn cảm nhận thấy cái bóng quá lớn của Sep Up trong đó với những động tác vũ đạo, những góc máy quay đặc tả nhân vật.

Không những thế, cách gắn kết các bài hát trong những cảnh vũ đạo còn khá “vụng” làm giảm hứng thú của người xem. Những màn vũ đạo quá “mỏng” chưa đáp ứng được sự chờ đợi theo dõi... Nhìn chung, dù “Vũ điệu đam mê” đã hội tụ được những gương mặt trẻ có khả năng nhảy nhót nhưng chưa đủ mang lại yếu tố hấp dẫn cho phim bởi cách diễn xuất gượng gạo tẻ nhạt.

Làm phim ca nhạc có dễ?

Phim ca nhạc - là thể loại phim khá hấp dẫn trên thế giới. Thể loại phim này đặc biệt phát triển ở một số nước như Mỹ, Ấn Độ và gần đây ở châu Á phải kể tới Hàn Quốc.

Phim ca nhạc ở Việt Nam được sản xuất còn khiêm tốn về số lượng nên để đạt tới sự chuyên nghiệp và hấp dẫn và không bị ảnh hưởng các bộ phim ca nhạc thế giới là bài toán khó với các đạo diễn. Đâu đó trong “Những nụ hôn rực rỡ” khán giả vẫn nhận thấy bóng dáng của bộ phim ca nhạc ăn khách “High school musical”.

Thậm chí vẫn là bóng dáng của “High school musical” và “Step up”nhưng “Vũ điệu đam mê” vẫn không tạo được sự sôi động ấn tượng của âm nhạc đường phố.

Vũ đạo trong bất kỳ một bộ phim ca nhạc là yếu tố vô cùng quan trọng. Song với phim ca nhạc “Made in Viet Nam” thì yếu tố này lại được đầu tư khá hạn chế. “Cho một tình yêu” gần như không có vũ đạo; “Giải cứu thần chết” và “Những nụ hôn rực rỡ” chỉ mới dừng lại ở những cảnh hát và rất ít vũ đạo. Không những thế, phim ca nhạc Việt còn yếu cả trong kịch bản, diễn xuất, các câu chuyện chưa được xâu chuỗi hợp lý để phù hợp với âm nhạc và vũ đạo.

Sự chuyên nghiệp và phối kết hợp nhuần nhuyễn giữa các khâu từ kịch bản, diễn viên, âm nhạc… với nhau còn thiếu và yếu. Khán giả khi xem những bộ phim này thường rơi vào tình trạng, xem ca sĩ diễn ra sao. Còn nếu để tách rời người diễn và âm nhạc thì khó để đọng lại điều gì. Diễn viên và âm nhạc như hai mảng tách rời được ghép lại.

Sản xuất được một bộ phim ca nhạc hay phụ thuộc khá nhiều yếu tố: đó là chọn diễn viên, chọn nhạc, đạo diễn, biên kịch.... Và đặc biệt, âm nhạc cũng như các loại hình nghệ thuật đều có sức hấp dẫn riêng, bởi vậy để lột tả được vẻ đẹp của nó bằng một câu chuyện thông qua hình ảnh là điều không dễ mà các nhà sản xuất phải đầu tư một cách nghiêm túc mới mong có được một bộ phim âm nhạc đúng nghĩa chứ chưa nói đến hay.

Phim ca nhạc, khi nào đủ và hay cho khán giả vẫn là câu hỏi đầy thách thức với người làm phim Việt. Khi khả năng chưa có, đầu tư thiếu trên mọi mặt thì phim ca nhạc vẫn là mảnh đất giàu tiềm năng nhưng không thể khai thác. Lựa chọn dòng phim hài, phim giải trí vẫn được các nhà sản xuất ưu tiên. Đó cũng là thực tế bởi ai kinh doanh cũng muốn thu lời chứ không thể bất chấp thách thức và hy sinh tất cả vì nghệ thuật.

Vũ đạo trong bất kỳ một bộ phim ca nhạc là yếu tố vô cùng quan trọng. Song với phim ca nhạc “Made in Viet Nam” thì yếu tố này lại được đầu tư khá hạn chế. Không những thế, phim ca nhạc Việt còn yếu cả trong kịch bản, diễn xuất, các câu chuyện chưa được xâu chuỗi hợp lý để phù hợp với âm nhạc và vũ đạo. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ