Trung Quốc: Kinh tế ảm đạm, giáo dục vẫn sáng

GD&TĐ - GD đã trở thành điểm sáng trong bối cảnh kinh tế ảm đạm nhờ nhu cầu học thêm tăng cao. Bắc Kinh coi chi tiêu cho GD là một yếu tố có thể dựa vào nhằm bù đắp những thiệt hại kinh tế do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung gây ra.

Việc học tập của trẻ em luôn được các gia đình Trung Quốc coi trọng và không ngại đầu tư
Việc học tập của trẻ em luôn được các gia đình Trung Quốc coi trọng và không ngại đầu tư

Tăng trưởng đến từ… học thêm

Trong lĩnh vực GD tư nhân vốn đang phát triển nhanh chóng, tăng trưởng mạnh nhất đến từ các lớp học thêm vì nhiều phụ huynh Trung Quốc không ngại chi tiền vào các chương trình này để giúp con.

“Cha mẹ có thể cắt giảm các khoản chi tiêu khác, nhưng họ không bao giờ thỏa hiệp với việc GD cho con cái”, Anip Sharma, một đối tác của Công ty tư vấn L.E.K Consulting cho biết.

Quy mô doanh thu hàng năm của ngành GD tư nhân không giống nhau. Công ty L.E.K Consulting ước tính 1,6 nghìn tỉ nhân dân tệ (328 tỉ USD), Công ty Kiểm toán và Tư vấn Deloitte đưa ra con số 2,68 nghìn tỉ nhân dân tệ. Theo Deloitte, với quỹ đạo tăng trưởng 10,8% hàng năm, thị trường GD tư nhân có thể đạt tới giá trị 5 nghìn tỉ nhân dân tệ (744 tỉ USD) vào năm 2025.

Điều này vượt qua tốc độ tăng trưởng của GD công mà Bộ GD Trung Quốc quản lý. Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia (NBS) và Bộ GD, GD công chỉ tăng 8,4% hàng năm từ 2014 lên 4,19 nghìn tỉ nhân dân tệ (624 tỉ USD) năm 2017. Chi tiêu của chính phủ cho GD công là 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Trung Quốc đã mở cửa cho các nhà đầu tư tư nhân vào ngành GD với việc đưa ra “Đề cương cải cách GD và Phát triển” năm 1993, tạo điều kiện cho nhiều nhà khai thác nước ngoài tham gia vào thị trường này trong thập kỷ tiếp theo. Kết quả là, số lượng trường quốc tế và tư nhân tại Trung Quốc đã tăng gấp đôi, từ năm 2010 tới 2017 – Deloitte cho biết.

Một lớp học của học sinh Trung Quốc
  • Một lớp học của học sinh Trung Quốc

Cơ hội đặc biệt cho GD trực tuyến

Đặc biệt, GD trực tuyến đã có bước chuyển biến mau chóng từ năm 2013 – theo Công ty tư vấn iResearch - dự kiến sẽ có mức tăng trưởng 20% mỗi năm trong vòng vài năm tới. Thị trường GD trực tuyến có giá trị ước tính 251,7 tỉ tệ (37 tỉ USD) vào năm ngoái và sẽ đạt con số 389,7 tỉ tệ vào năm 2020.

Nhu cầu đối với GD trực tuyến càng tăng cao ở các thành phố nhỏ của Trung Quốc vì nơi đây thiếu các trung tâm, giáo viên chất lượng cao như ở Bắc Kinh và Thượng Hải – theo ông Xiao Dun, người sáng lập ra trang 17zuoye.com, một trong những nền tảng trực tuyến về bài tập về nhà lớn nhất Trung Quốc dành cho HS từ 4 - 19 tuổi. Ông Xiao cho biết, 50% người sử dụng trang 17zuoye.com đến từ các thành phố nhỏ.

Ông Yang từ Công ty iTutorGroup cho rằng, trong khi sự tăng trưởng của công ty ông ở các thành phố lớn đạt 20 - 25% hàng năm thì ở các thành phố nhỏ hơn, mức tăng trưởng này lên tới 80%.

“Người Trung Quốc rất coi trọng GD nên cho dù kinh tế phát triển hay suy thoái cũng không ảnh hưởng nhiều tới chi tiêu giáo dục của họ”, Jin Lei, người sáng lập nền tảng dạy tiếng Anh trực tuyến Magic Ears đánh giá.

Các công ty GD ước tính chi tiêu cho lĩnh vực chiếm từ 20 tới 50% thu nhập của một gia đình trung bình. Các lớp học thêm như tiếng Anh và các môn dạy bổ sung chương trình học ở trường đang trở thành những yếu tố không thể thiếu trong hoạt động hàng ngày của một đứa trẻ - theo NBS.
Theo SCMP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ