Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Chưa đồng thuận việc tăng giờ làm thêm

GD&TĐ - Ngày 14/8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 36, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại Phiên họp thứ 36 UBTVQH
Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại Phiên họp thứ 36 UBTVQH

Theo báo cáo của Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh, tại Kỳ họp thứ 7 đã có 170 ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận ở tổ và 26 ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận hội trường về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Sau Kỳ họp thứ 7, Ủy ban tiếp tục nhận được 11 văn bản góp ý kiến của các ĐBQH, Đoàn ĐBQH, các hiệp hội doanh nghiệp và cử tri.

Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã xây dựng kế hoạch tiếp thu, chỉnh lý và chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo tổ chức các hoạt động tham vấn, lấy ý kiến góp ý dự án Bộ luật tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Qua đó cho thấy, vẫn còn một số vấn đề lớn có ý kiến khác nhau.

Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, nhất quán với quan điểm đã được nêu trong Báo cáo thẩm tra tại Kỳ họp thứ 7, đồng thời nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp: “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc”, Ủy ban dự kiến tiếp thu, chỉnh lý theo hướng quy định mở rộng đối tượng áp dụng tại Chương XVII về Điều khoản thi hành của dự thảo Bộ luật đối với nhóm lao động không có quan hệ lao động về một số quy định liên quan đến tiêu chuẩn, điều kiện lao động như: An toàn, vệ sinh lao động; tiền lương; bảo hiểm xã hội (BHXH)... nhằm bảo đảm tốt hơn đối với người lao động, đồng bộ với quy định của các luật chuyên ngành...

Về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa, Ủy ban cho rằng, cần cân nhắc kỹ lưỡng. Bộ luật hiện hành đã quy định nguyên tắc thỏa thuận khi làm thêm giờ, nhưng việc thực hiện rất khó khăn, hạn chế, tình trạng vi phạm về thời giờ làm thêm khá phổ biến. Ủy ban đề nghị vấn đề này cần phải được cơ quan soạn thảo tiếp tục làm rõ thêm và việc quy định thời gian phải làm thêm giờ phải theo hướng bảo đảm chặt chẽ, giới hạn trong một số trường hợp đối với một số ngành, nghề, công việc nhất định...

Về tuổi nghỉ hưu, cần phải được khẳng định là tuổi nghỉ hưu chung của quốc gia đối với người lao động. Việc quy định quyền được nghỉ hưu sớm hơn 5 năm chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, cần phải được cân nhắc để điều chỉnh nghỉ hưu sớm hơn 10 năm đối với một số công việc đặc biệt như làm việc khai thác than trong hầm lò, người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn, rủi ro nghề nghiệp... Việc quy định quyền được nghỉ hưu cao hơn không quá 5 năm so với tuổi nghỉ hưu chung cũng phải được hướng dẫn cụ thể hơn đối với một số ngành, lĩnh vực đang kéo dài tuổi nghỉ hưu cao hơn cả mức 5 năm (giáo dục, y tế)... Bà Thúy Anh cho biết, Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ và cơ quan soạn thảo nghiên cứu việc chuyển tên gọi của quy định về tuổi nghỉ hưu thành tuổi hưởng lương hưu, có thể sẽ phù hợp hơn.

Chung quan điểm về nội dung mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa, các Phó Chủ tịch Quốc hội: Đỗ Bá Tỵ, Uông Chu Lưu cho rằng, trong khi thế giới và xu hướng toàn cầu đang tiến tới tăng tiền lương, giảm giờ làm, thì Việt Nam lại tăng thêm thời gian làm việc. Việc này đi ngược lại với xu hướng tiến bộ, khi trình độ công nghệ ngày càng phát triển, trình độ quản trị doanh nghiệp hiệu quả hơn, tay nghề người lao động được nâng lên thì năng suất lao động, giá trị sản phẩm tăng lên, thời giờ làm việc sẽ giảm xuống. Do đó, cần cân nhắc kỹ vấn đề này để phù hợp với điều kiện làm việc, sức khỏe và thời giờ làm việc của người lao động.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Bộ luật Lao động là một bộ luật lớn, quan trọng, phức tạp có sức ảnh hưởng và tác động lớn đến tình hình kinh tế, xã hội trước mắt và lâu dài. Ngoài việc sửa đổi để đáp ứng các hiệp định mà Việt Nam tham gia, thì lần sửa đổi này cần tính đến các nhu cầu, chiến lược phát triển của đất nước.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, trên cơ sở các thảo luận tại Phiên họp thứ 36, đề nghị các cơ quan nghiêm túc tiếp thu đầy đủ các ý kiến; hoàn thiện các báo cáo đánh giá tác động; đẩy nhanh tiến độ thời gian hoàn thiện Bộ luật; lấy ý kiến tác động toàn dân; tăng cường truyền thông để tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Chiều cùng ngày, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên và Luật Thư viện.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.