Phía sau những vụ “trộm” tên gia đình liệt sĩ để trục lợi chính sách

Phía sau những vụ “trộm” tên gia đình liệt sĩ để trục lợi chính sách

Khi cái tên cũng bị trộm

Đến nay, bà Lệ Thị Có (82 tuổi, ấp Láng Khoét, xã Song Lộc, huyện Châu Thành) vẫn chưa hết bàng hoàng, khi có người xuống nhà nói bà có liên quan đến một vụ trục lợi chính sách đất đai.

Bà Có là vợ liệt sĩ Trần Văn Sáng đã hy sinh trong chiến tranh. Mấy năm trước, một đối tượng “cò đất” tên Võ Văn Vui tìm đến nhà hỏi “mượn tên”, nhưng bà một mực không đồng ý. “Nhà tui nghèo, nhưng không đến nỗi thiếu đói. Với lại giấy tờ tùy thân của mình đưa cho người khác, lỡ họ làm chuyện bậy bạ rồi sao”.

Bà Có có 4 người con gái, sau khi gả chồng, bà chia hết ruộng đất trước nhà cho con, rồi sống một mình. Khi “cò đất” Vui đến nhà không thực hiện được ý định, đã đi “cửa sau” gặp anh Trần Văn H., là cháu ngoại của bà Có.

H. làm nghề thợ hồ, cuộc sống khó khăn, nên khi nghe Vui ra giá “mua trộm tên” bà ngoại 20 triệu đồng liền đồng ý. Sau đó, H. âm thầm đưa hồ sơ vợ liệt sĩ của bà ngoại cho Vui sử dụng.

Không lâu sau, có một người tên Nguyễn Thị Mít (ở xã Phước Hảo, huyện Châu Thành), vốn hoàn toàn xa lạ, bỗng dưng “tặng” cho bà Có 300m2 đất lúa (tại ấp Tri Phong, xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành). Mảnh đất này nhanh chóng được đi làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất (sang thổ cư) và được miễn 100% tiền thuế 432 triệu đồng. Xong xuôi, mảnh đất do bà Có đứng tên được chuyển nhượng lại cho một người tên Thạch Thị Thanh (phường 6, TP Trà Vinh).

“Tui già cả, tuổi cao sức yếu, mấy năm nay không rời khỏi nhà, lại không biết chữ, thì làm sao có chuyện đi công chứng, làm thủ tục chuyển nhượng đất đai. Không ngờ cháu tui lại làm như vậy”, bà Có phân trần.

Phía sau những vụ “trộm” tên gia đình liệt sĩ để trục lợi chính sách ảnh 1
Do hoàn cảnh nghèo khó, những người thân của gia đình chính sách đã “lấy trộm” hồ sơ mang đi bán cho “cò đất“. Ảnh: Một căn nhà xập xệ của một gia đình chính sách ở huyện Châu Thành. Ảnh: Tr.L.

Ông Nguyễn Minh Trị, Bí thư chi bộ ấp Láng Khoét chia sẻ: Bà Có rất hiền lành, sống một mình do con cái thay nhau chăm sóc, làm gì có tiền để mua bán đất đai. Còn H., cháu ngoại bà đi làm thợ hồ, cuộc sống khá khó khăn, nên khi được “cò” dụ dỗ cho tiền đã “bán trộm tên” bà ngoại, không ngờ đã tiếp tay cho các đối tượng trục lợi chính sách”.

Có cả “cướp tên”

Ở ấp Láng Khoét, chúng tôi gặp bà Kiều Thị Chi, 82 tuổi, là thân nhân liệt sĩ. Bà Chi có 5 người con, 2 người đã hy sinh trong kháng chiến, là Lâm Văn Thiệt (sinh năm 1957) và Lâm Văn Đạt (sinh năm 1959). Tuy nhiên đến nay, đến nay chỉ có Lâm Văn Thiệt được công nhận là liệt sĩ.

Một dạo, có một người tên Trần Thị Quỳnh (ở phường 5, TP Trà Vinh) đã chuyển nhượng cho bà Chi 300m2 đất, rồi làm thủ tục lên thổ cư, được miễn giảm hàng trăm triệu đồng. Sau đó, từ tên bà Chi đã chuyển nhượng lại cho chính người tên Quỳnh này.

Phía sau những vụ “trộm” tên gia đình liệt sĩ để trục lợi chính sách ảnh 2
"Cò đất" Huỳnh Công Chúc bị công an Trà Vinh bắt giữ vào tháng 7.2019 để điều tra về đường dây trục lợi chính sách. Ảnh: Công an cung cấp.

Khi phát hiện vụ việc, bà Chi mới tá hỏa, vì con cái bà đều có việc làm ổn định, không túng thiếu để đi làm chuyện phạm pháp. “Tui chỉ nhớ mấy năm trước, có cán bộ xã đến nhà kêu tui ký tên. Tui nói không biết chữ thì làm sao ký, rồi họ kêu tui lăn tay. Tui nghĩ họ làm giấy tờ cho gia đình nên đồng ý, mà họ xuống toàn vào những lúc con tui không có ở nhà”.

Bà Chi nói và cho biết thêm: Gia đình đã nhiều lần lên xã làm hồ sơ cho con trai (Lâm Văn Đạt) được công nhận liệt sĩ, nhưng xã nói thiếu giấy tờ chứng minh đồng đội trên chiến trường, nên không làm được. “Người thật, giấy tờ thật thì xã không cho làm, còn chuyện đất đai, nhà tui không tham gia, không đưa hồ sơ, nhưng vẫn làm được”, bà Chi bức xúc.

Trường hợp của bà Chi đã được Thanh tra tỉnh Trà Vinh làm rõ là bị các đối tượng lợi dụng chính sách để trục lợi. Thanh tra tỉnh cũng xác định, phần lớn các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đều thực hiện công chứng, chứng thực tại các cơ quan nhà nước là UBND các xã, phường, thị trấn… Những hồ sơ này, người chuyển nhượng, người nhận chuyển nhượng đều không trực tiếp ký tên vào hợp đồng hoặc không trực tiếp ký tên trước mặt công chứng viên và người chứng thực; nhưng các thủ tục vẫn diễn ra trót lọt.

Từ năm 2011 đến nay, chỉ riêng 5 huyện: Châu Thành, Cầu Kè, Trà Cú, Tiểu Cần và Càng Long đã xảy ra sai phạm trục lợi chính sách với số tiền lên tới gần 12 tỉ đồng. Ngoài việc chuyển 18 hồ sơ sang cơ quan điều tra, Thanh tra tỉnh Trà Vinh đã kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm hoặc xử lý kỷ luật đối với hàng loạt cán bộ lãnh đạo; trong đó, có ông Kim Ngọc Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh…

Theolaodong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ