Phi tần bí ẩn của Hoàng đế Càn Long xuất thân thường dân khiến Kế hoàng hậu "cắt tóc đoạn tình"

Phi tần bí ẩn của Hoàng đế Càn Long xuất thân thường dân khiến Kế hoàng hậu "cắt tóc đoạn tình"

Càn Long là vị Hoàng đế sống thọ nhất trong lịch sử Trung Quốc và cũng là người có thời gian tại vị lâu nhất. Trong hậu cung của Hoàng đế Càn Long có hơn 40 hậu phi. Một số nữ nhân được Hoàng đế sủng ái nhưng một số khác lại không thể được hưởng sự ấm áp đó, "mắc kẹt" cả đời nơi lãnh cung không thể nhìn thấy Hoàng đế.

Theo quy chế nhà Thanh, nhưng nữ nhân muốn vào cung sẽ phải tham gia đợt tuyển tú hàng năm. Tuy nhiên, trong lịch sử vẫn có ngoại lệ, trong hậu cung của Hoàng đế Càn Long có rất nhiều phi tử được ông đưa về cung sau những chuyến du tuần ở miền Nam. Chẳng hạn như Thuần Huệ Hoàng Quý phi Tô thị hay Khánh Cung Hoàng Quý phi Lục thị.

Trong số đó còn có một phi tần cũng xuất thân từ thường dân, đã có tin đồn vì chính vị phi tần này mà Kế Hoàng hậu Na Lạp thị cắt tóc để thể hiện sự phẫn nộ của bản thân, dẫn đến chuyện bị thất sủng. Đó chính là Phương phi Trần thị.

Theo các ghi chép lịch sử, Hoàng đế Càn Long có chuyến Nam tuần thứ 4 trong năm Càn Long thứ 30. Trong chuyến Nam tuần này đã xảy ra sự kiện Kế Hoàng hậu Na Lạp thị cắt tóc nổi tiếng. 

Sau đó, đến năm Càn Long thứ 31, Trần thị nhập cung không qua tuyển tú, sơ phong Minh Thường tại. Liên kết các sự kiện trên, tin đồn Kế Hoàng hậu Na Lạp thị cắt tóc có liên quan đến Trần thị không phải là không có cơ sở.

Trần thị không rõ năm sinh, vốn là một nữ nhân người Hán và sống tại Dương Châu. Phụ thân của nàng là Trần Đình Luân, một người dân bình thường tại địa phương. Từ nhỏ, Trần thị đã có vẻ ngoài quốc sắc thiên hương, dung mạo xinh đẹp như hoa và thành thạo cầm kỳ thi họa. Chính vì thế danh tiếng của nàng ngày càng lan rộng.

Năm Càn Long thứ 30, Hoàng đế đưa Sùng Khánh Thái hậu, Kế Hoàng hậu Na Lạp thị, Lệnh Quý phi Ngụy Giai thị,... đến khu vực Giang Nam. Khi đi ngang qua Dương Châu, các viên quan địa phương đã dâng tặng Trần thị cho Hoàng đế Càn Long. 

Đối với một mỹ nhân như Trần thị chắc chắn ông sẽ không từ chối. Sau chuyến du tuần miền Nam, Trần thị được đưa về hoàng cung, sơ phong Minh Thường tại. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sau khi nhập cung, Minh Thường tại Trần thị không nhận được quá nhiều sự sủng ái từ Hoàng đế Càn Long, nhưng cũng được yêu thương so với nhiều nữ nhân khác nơi cung cấm, nàng nhanh chóng được tấn phong thành Minh Quý nhân. 

Một thời gian sau, vào năm Càn Long thứ 59, trước khi Hoàng đế thoái vị đã quyết định đại tấn phong hậu cung, Lần tấn phong này, Hoàng đế Càn Long đã đích thân lựa chọn phong hào cho Trần thị. Ông đã chọn chữ "Phương" từ 3 chữ "Mậu, Dực, Phương" (Mậu có nghĩa là thịnh vượng; Dực có nghĩa là phò tá hỗ trợ; Phương nghĩa là mùi hương của cỏ hoa cũng mang nghĩa đức hạnh tốt đẹp). Cũng từ phong hào này có thể suy ra rằng, Trần thị thật sự rất xinh đẹp. 

Ngày 20/12 cùng năm, Trần thị chính thức được sách phong từ Minh Quý nhân thành Phương tần. Đến ngày 29/12, tiến hành lễ sách phong cho nàng.

Năm Gia Khánh thứ 3, Hoàng đế Gia Khánh ra chiếu thăng Trần thị lên phi vị. Lúc đấy, Hoàng đế Càn Long đã thoái vị và xưng Thái thượng hoàng, do đó Trần thị cũng được tôn xưng là Thái thượng hoàng Phương phi. 

Năm Gia Khánh thứ 6, Thái thượng hoàng Phương phi Trần thị qua đời, không rõ bao nhiêu tuổi. Tháng 11 cùng năm, nàng được an táng tại Dụ lăng Phi viên tẩm.

Mặc dù là một phi tử được Hoàng đế Càn Long yêu thương nhưng trong các tài liệu lịch sử rất ít ghi chép về Trần thị, thông tin của nàng trước khi nhập cung không được ghi nhận chi tiết. Nhưng với xuất thân dân gian thấp kém, mà có thể khiến Hoàng đế sủng ái và có được một phi vị cao thì so với nhiều nữ nhân khác trong hậu cung là điều rất may mắn. 

Theo Pháp luật và bạn đọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ