Ngày 8/3, thông tin từ Bệnh viện đa khoa Gia đình Đà Nẵng cho biết, các y bác sĩ vừa phẫu thuật thành công cho sản phụ có tình trạng mạch máu tiền đạo trong thai kỳ.
Theo đó, chị N.T.H (28 tuổi, trú Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) khi mang thai 14 tuần 5 ngày phải nhập viện phẫu thuật nội soi vì u nang bì buồng trứng to. Bước vào quý 2 chị H. lại tiếp tục phát hiện tình trạng mạch máu tiền đạo thai kỳ, đi kèm với đó là những chuỗi ngày ra máu âm đạo tái diễn.
Sau đó, gia đình đã đưa chị H. đến Bệnh viện đa khoa Gia đình Đà Nẵng để điều trị. Tại đây, các bác sĩ đã chẩn đoán chị H. bị tình trạng mạch máu tiền đạo trong quý 2 thai kỳ và chỉ định theo dõi, quản lý thai kỳ chặt chẽ bởi ekip bác sĩ.
Khi thai kỳ đến 37 tuần 4 ngày, ekip bác sĩ đã phẫu thuật bắt con cho chị H. Cháu bé nặng 2,6kg ra đời thành công dưới sự hỗ trợ của các y bác sĩ.
Th.S Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Loan - Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Gia đình Đà Nẵng cho biết, mạch máu tiền đạo hay Vasa previa là tình trạng hiếm gặp chỉ với tỷ lệ 4/2.500 thai phụ, xảy ra khi các mạch máu của thai nhi chạy qua lỗ trong cổ tử cung hoặc cách lỗ trong cổ tử cung < 2cm.
Khi vào chuyển dạ hoặc vỡ ối, các mạch máu này dễ bị vỡ, có nguy cơ gây tử vong cho thai nhi do chảy máu từ các mạch máu này. Nếu như mạch máu tiền đạo không được chẩn đoán sớm và quản lý thai kỳ chặt chẽ sẽ dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.
“Tỷ lệ tử vong chu sinh có thể lên đến 55% nếu mạch máu tiền đạo không được chẩn đoán trước sinh và quản lý chặt chẽ.
Tuy nhiên nếu được sàng lọc, chẩn đoán quản lý chặt chẽ trước sinh, tỷ lệ tử vong chu sinh dường như gần bằng 0%.
Chẩn đoán mạch máu tiền đạo tối ưu nhất bằng cách siêu âm qua ngả âm đạo, sàng lọc thường quy mạch máu tiền đạo ở thời điểm sàng lọc hình thái thai nhi quý 2 có tính khả thi và hiệu quả với độ nhạy cao. Hiệu suất của siêu âm qua âm đạo với Doppler để chẩn đoán mạch máu tiền đạo với độ nhạy và độ đặc hiệu lần lượt là 100% và 99%.
Vì vậy, các sản phụ có mạch máu tiền đạo nên được quản lý chặt chẽ, và tùy vào tình huống lâm sàng cụ thể, thời điểm để chấm dứt thai kỳ là vào tuần 34 đến 37 của thai kỳ (theo khuyến cáo của SMFM) bằng cách mổ chủ động trước khi vào chuyển dạ.
Các khuyến cáo về thời gian sinh cụ thể dựa trên những dữ liệu còn hạn chế, tuy nhiên thời điểm chấm dứt thai kỳ nên được cá nhân hóa. Trong trường hợp sản phụ vỡ ối hoặc bắt đầu vào chuyển dạ thì phải được mổ lấy thai cấp cứu ngay”, bác sĩ Loan khuyến cáo.