Ngày 26/2, thông tin từ Bệnh viện đa khoa Gia đình Đà Nẵng cho biết, các y bác sĩ của bệnh viện vừa cấp cứu thành công một bệnh nhân người Đài Loan bị đột quỵ nhồi máu não cấp.
Theo đó, khi vừa từ Đài Loan sang Việt Nam du lịch, bệnh nhân H.H.Y (nữ, 59 tuổi, người Đài Loan - Trung Quốc) có một cơn thiếu máu não thoáng qua với triệu chứng khó nói và tự hồi phục sau 1 giờ.
Đến tối cùng ngày, bệnh nhân Y. tiếp tục xuất hiện triệu chứng khó nói, liệt nửa người và méo miệng đột ngột. Bệnh nhân lập tức được đưa đến Khoa Hồi sức Cấp cứu Đột quỵ - Bệnh viện đa khoa Gia đình. Được biết, đây là giờ thứ 2,5 sau khi bệnh nhân khởi phát triệu chứng.
Tại bệnh viện, các y bác sĩ đã nhanh chóng khám và kích hoạt cấp cứu đột quỵ cấp cho bệnh nhân H.H.Y. Sau 45 phút, bệnh nhân được chẩn đoán Đột quỵ nhồi máu não cấp bán cầu não trái, không tắc động mạch não lớn và được chỉ định điều trị thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch sau 50 phút từ khi vào viện.
Đây là biện pháp đơn giản, hiệu quả cao được khuyến cáo hàng đầu cho bệnh nhân nhồi máu não trong vòng 4,5 giờ từ khi khởi phát triệu chứng, giúp giảm thiểu tỷ lệ tử vong cũng như di chứng tàn phế. Đặc biệt là trong những trường hợp nhồi máu não cấp do tắc mạch máu nhỏ trong não.
Đánh giá lại sau 1 giờ, các triệu chứng thần kinh của đột quỵ cấp của bệnh nhân hồi phục gần như hoàn toàn như nói rõ tiếng, hết méo miệng, tay chân phải vận động tốt.
BSCKI. Dương Tuấn Sơn - Khoa Hồi sức Cấp cứu Đột quỵ, Bệnh viện đa khoa Gia Đình Đà Nẵng cho biết, những người có dự định đi du lịch, đặc biệt là đến đến những nơi có điều kiện thời tiết khác biệt so với nơi mình đang sinh sống hay có hành trình bay dài nên tầm soát các yếu tố nguy cơ đột quỵ và tim mạch.
Đồng thời kiểm soát tốt các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, rung nhĩ, bệnh van tim, hẹp động mạch não… Dự phòng bệnh đột quỵ với các thuốc chống kết tập tiểu cầu, chống đông máu theo hướng dẫn của bác sỹ chuyên khoa thường xuyên.
“Ngoài ra, khi nhận thấy người thân hoặc những người xung quanh có triệu chứng yếu tay chân một bên, méo miệng hay nói ngọng thì không nên cạo gió, chích máu đầu ngón tay hay chờ bệnh nhân ổn mới gọi cấp cứu mà phải lập tức liên hệ các cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ kịp thời”, bác sĩ Sơn khuyến cáo.