Trường hợp nói trên là bệnh nhân L.V.N (SN 1976, ngụ huyện Lai Vung, Đồng Tháp), nhập viện trong tình trạng bị cọc gỗ dài 1,5m, ngang 6cm đâm xuyên từ dưới tầng sinh môn lên bụng.
Cách nhập viện 2 giờ, bệnh nhân ngồi tắm trên sàn gỗ bắc dưới mương trong vườn thì bất ngờ sàn gỗ sập. Bệnh nhân rơi xuống mương, không may bị cọc gỗ đâm từ dưới lên tầng sinh môn xuyên thẳng vào thành bụng trước.
Ngay khi tai nạn xảy ra, vợ bệnh nhân đứng gần đã tri hô, huy động 15 người đến ứng cứu. Một nhóm người đỡ phần vai bệnh nhân để bệnh nhân không bị ngạt nước, những người còn lại thay phiên nhau lặn xuống nước cưa cây gỗ
Sau 20 phút mới cưa được cọc gỗ và đưa được bệnh nhân lên bờ. Ngay sau đó bệnh nhân cùng với cọc gỗ còn cắm trong người được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Tình trạng lúc nhập viện, bệnh nhân tỉnh tiếp xúc tốt, sinh hiệu ổn, đau nhiều nơi bị cây gỗ xuyên. Bênh nhân rất đau vùng tầng sinh môn và thành bụng; một cọc gỗ dài 1,5m, đường kính 6cm đâm xuyên tầng sinh môn, đi cạnh tinh hoàn bên phải đâm xéo lên thành bụng trái, nhìn thấy cây gỗ đẩy thành bụng lên trên.
Siêu âm cấp cứu thấy cọc gỗ nằm dưới lớp cơ thành bụng và bìu phải, các cơ quan khác như bàng quang, tinh hoàn bình thường. Bệnh nhân được chỉ định mổ cấp cứu với phương pháp mổ thám sát xử lý tổn thương, lấy cọc gỗ.
Theo BSCK2 Phạm Thanh Phong, để tránh những bị tổn thương vùng đáy chậu, người dân cần thận trọng khi sinh hoạt, lao động hàng ngày. Khi di chuyển trong rừng, khi làm nương rẫy, những công trường đang thi công có nhiều sắt thép, cẩn thận trong sinh hoạt để không bị trượt ngã hoặc ngồi phải những thứ sắc nhọn, như: gốc cây đã chặt, trụ đinh, trụ sắt... dễ gây ra những tai nạn nghiêm trọng, nhất là vùng sông nước như ĐBSCL.