Phạt xe ô tô không chính chủ: CSGT Hà Nội nói gì?

Lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội khẳng định, việc bắt buộc các chủ ô tô phải có tài khoản ngân hàng để xử lý vi phạm giao thông là khả thi.

Phạt xe ô tô không chính chủ: CSGT Hà Nội nói gì?

Mới đây, tại hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai kế hoạch an toàn giao thông năm 2017 của Phòng CSGT Hà Nội, Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, đã nêu lại đề xuất cần có quy định buộc các chủ ô tô mở tài khoản ngân hàng nhằm phục vụ cho việc xử phạt vi phạm giao thông, theo tin tức trên báo Infonet.

Phat xe o to khong chinh chu: CSGT Ha Noi noi gi? - Anh 1

Chiến sĩ CSGT lập biên bản đối với người vi phạm. Ảnh Infonet.

Về lý do, Đại tá Hải cho biết: “Thời gian qua, Hà Nội áp dụng hình thức phạt nguội qua hệ thống camera và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, việc này vẫn còn gặp khó khăn do nhiều xe chưa sang tên chính chủ khiến quá trình truy tìm chủ xe và xử phạt gặp nhiều khó khăn”. PV Infonet có cuộc trao đổi với thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt- Công an TP Hà Nội về vấn này.

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Sau một thời gian nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy, việc bắt buộc các chủ ô tô phải có tài khoản ngân hàng nhằm phục vụ cho việc xử phạt vi phạm giao thông rất thuận tiện cho người vi phạm và các chiến sĩ CSGT”.

Còn nói về lý do tại sao cơ quan Công an TP Hà Nội tiếp tục đưa đề xuất này sau 2 năm đề xuất lần đầu tiên và tính khả thi đến đâu, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Trách nhiệm của Phòng CSGT chỉ tham mưu, kiến nghị còn quyền quyết định thuộc về Chính phủ, Bộ Công an. Việc bắt buộc các chủ ô tô phải có tài khoản ngân hàng để xử lý vi phạm giao thông là rất khả thi và hoàn toàn xử lý được.

Nói về đề xuất buộc các chủ ô tô mở tài khoản ngân hàng nhằm phục vụ cho việc xử phạt vi phạm giao thông, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Luật Đại Nam, Hà Nội đã chia sẻ quan điểm trên báo Dân việt.

Luật sư Tuấn cho biết: "Việc phạt bằng việc trừ vào tài khoản không những vừa tiện cho cơ quan chức năng, vừa tiện cho người bị phạt mà còn tránh hạn chế được tiêu cực. Tuy nhiên điều này chỉ đúng với người vi phạm là chính chủ của xe.

Do đó phải nhìn vấn đề này ở bình diện chung, vào hoàn cảnh thực tế hiện nay; tiện cho cảnh sát thu tiền xử phạt nhưng trong nhiều trường hợp không hẳn đã tiện cho người dân.

Ví dụ tôi cho bạn mượn xe, chẳng may bạn tôi vi phạm giao thông bị xử phạt, lại trừ vảo tài khoản của tôi là không ổn. Với số tiền nhỏ thì không có vấn đề gì, nhưng lên đến năm, bảy triệu đồng là có vấn đề rồi.

Gặp phải ông bạn biết điều, tự giác thì không sao; vớ phải ông bầy nhầy thì rắc rối vô cùng; lúc đó cãi chửi nhau hay khởi kiện ra tòa án? Có khi vì chuyện này mà mất cả anh em bè bạn.

Còn việc do nhiều xe chưa sang tên chính chủ khiến quá trình truy tìm chủ xe và xử phạt gặp nhiều khó khăn thì cơ quan Công an phải nghĩ ra các biện pháp quản lý khác, chứ không nên tiện cho mình mà đẩy cái khó cho dân.

Chẳng hạn, với các lỗi vi phạm bị phạt nguội, thì gửi tài liệu xử phạt vi phạm đến chủ phương tiện, yêu cầu đến nộp phạt. Nếu không chấp hành, thì ghi nợ, tính lãi suất quá hạn, thông báo cho đơn vị đăng kiểm, nếu không nộp phạt sẽ không cho đăng kiểm."

Cũng theo luật sư Tuấn, một ngành không thể tự ban hành quy định bắt buộc mở tài khoản được bởi vấn đề này còn liên quan đến Luật dân sự, và một số ngành luật khác có liên quan. Do đó nếu có thì quy định này phải do cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Hơn nữa ai, cơ quan nào kiểm soát được số tiền có trong tài khoản. Nếu trong tài khoản của chủ xe hết tiền thì trừ vào đâu? Các cơ quan Nhà nước cần thận trọng cân nhắc trước khi ban hành quy định này.

Theo Doanh Nghiệp

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ