Phát triển tư duy phản biện cho học sinh

GD&TĐ - Giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 đề xuất một số nội dung cần đổi mới trong dạy và học khi thực hiện Chương trình GDPT 2018...

Thầy trò Trường Phenikaa trong giờ học. Ảnh: NTCC
Thầy trò Trường Phenikaa trong giờ học. Ảnh: NTCC

Khẳng định vai trò quan trọng của tư duy phản biện với hoạt động nhận thức, thực tiễn của học sinh, TS Bùi Lan Hương, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đề xuất một số nội dung cần đổi mới trong dạy và học khi thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Vượt qua tự ti để tôi luyện mạnh dạn

- Theo nhìn nhận của TS, hiện nay việc phát triển tư duy phản biện đã được quan tâm tương xứng với tầm quan trọng chưa?

Tư duy giáo viên không nên phụ thuộc vào sách vở, giáo điều mà phải là trí thức độc lập. Thực hiện được điều này sẽ phát huy vai trò của giáo viên trong việc giúp học sinh làm chủ quá trình học tập.

- Trước hết, cần khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của năng lực tư duy phản biện đối với hoạt động nhận thức và thực tiễn của học sinh. Loại hình năng lực này cần thiết cho học sinh trong quá trình tìm tòi, khám phá và vươn tới tri thức khoa học; giúp các em suy nghĩ, xem xét lại một tình huống, vấn đề để qua đó đưa ra những nhận định, kết luận về chúng theo quan điểm cá nhân trên cơ sở vận dụng chủ động, sáng tạo những tri thức, phương pháp.

Học sinh có tư duy phản biện thường có suy luận tốt, giúp phát triển nhanh bản chất vấn đề, tìm kiếm chứng cứ phục vụ cho các lập luận đưa ra một cách thuyết phục. Theo đó, các em bảo vệ ý kiến của mình bằng những luận điểm, chứng cứ đúng đắn và thích đáng.

Tư duy phản biện giúp học sinh có thể chủ động đặt ra câu hỏi, tự tìm các thông tin liên quan để giải đáp vấn đề bản thân vướng mắc, chứ không ngồi chờ lời giải đáp ở người khác. Từ đó, các em sẽ mạnh dạn, vượt qua tính rụt rè, e ngại, tự ti để tôi luyện sự mạnh dạn, tự tin trình bày và bảo vệ quan điểm của mình…

Trong vài năm gần đây ở Việt Nam, đã có một số cuộc thi, gameshow tranh biện VTV tổ chức, thu hút sự quan tâm của học sinh, giáo viên, tạo được hệ thống lan tỏa trong cộng đồng về vai trò của tư duy phản biện. Tuy nhiên, sự triển khai đồng bộ trong toàn hệ thống giáo dục THPT và việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho học sinh còn nhiều hạn chế.

Có thể thấy trên thực tế, tính tích cực chủ động của học sinh Việt Nam chưa cao, kỹ năng phân tích giải quyết vấn đề chưa tốt, khả năng phản biện trong đại bộ phận học sinh còn nhiều hạn chế. Học sinh thụ động trong học tập, cùng tâm lý “thầy cô luôn đúng”, khiến năng lực tư duy phản biện chưa hình thành một cách tự giác… Bên cạnh đó, nhiều giáo viên vẫn sử dụng phương pháp dạy học truyền thụ một chiều “thầy đọc - trò ghi”, chưa có sự tương tác, phản biện giữa thầy cô và trò, thầy cô chưa khơi dậy tính phản biện vấn đề học tập cho học sinh…

TS Bùi Lan Hương.

TS Bùi Lan Hương.

Chương trình mới phát triển tư duy phản biện

- Chương trình GDPT 2018 giúp hình thành tư duy phản biện thế nào, TS có thể chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này?

- Tính mới và mở của Chương trình GDPT 2018 cho phép quá trình dạy và học diễn ra linh hoạt, vai trò chủ động, tích cực, sáng tạo của người dạy, người học được phát huy tối đa. Các môn học, hoạt động giáo dục trong nhà trường áp dụng các phương pháp tích cực hoá hoạt động của học sinh.

Trong đó, giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề. Cách làm này khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng bản thân, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng và kiến thức, kĩ năng đã tích luỹ được để phát triển.

Học sinh tích cực chủ động tham gia hoạt động khởi động, khám phá vấn đề, luyện tập và thực hành. Quá trình đó, phương pháp thực hiện của giáo viên và học sinh đóng vai trò quan trọng trong hình thành phẩm chất, năng lực cần đạt, trong đó có năng lực tư duy phản biện.

Như vậy, hai chủ thể quan trọng nhất, trực tiếp tham gia vào quá trình phát triển năng lực tư duy phản biện chính là giáo viên, học sinh. Với định hướng giáo dục mới, giáo viên không còn là người truyền đạt kiến thức mà hướng dẫn người học trên con đường tìm kiếm tri thức.

Thầy cô là người tổ chức, thiết kế và hướng dẫn hoạt động độc lập hoặc theo nhóm để học sinh có thể tự mình chiếm lĩnh nội dung học tập, chủ động đạt các mục tiêu kiến thức, kỹ năng, thái độ theo yêu cầu của chương trình. Học sinh từ đó không thụ động lĩnh hội mà trở thành chủ thể của hoạt động học; chủ động tìm tòi, khám phá, phát hiện kiến thức.

Học sinh Trường Phenikaa trao đổi sôi nổi trong giờ học Ảnh: NTCC

Học sinh Trường Phenikaa trao đổi sôi nổi trong giờ học Ảnh: NTCC

Vận dụng phương pháp sư phạm phản biện

- TS có thể gợi ý với người dạy về thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực, từ đó giúp hình thành tư duy phản biện cho học sinh THPT?

- Chương trình, sách giáo khoa đổi mới thì chắc chắn phương pháp giảng dạy của giáo viên cũng cần đổi mới. Đối với các môn học cấp THPT, sách giáo khoa đều thiết kế theo chuỗi hoạt động: Khởi động - khám phá - luyện tập - vận dụng. Việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho học sinh THPT có thể tiến hành trong cả 4 loại hoạt động này. Giáo viên có thể thiết kế kế hoạch bài dạy hướng đến phát triển năng lực tư duy phản biện dựa trên yêu cầu cần đạt của bài học và môn học.

Cùng với đó, thầy cô phát huy tính tích cực trong giảng dạy thông qua sử dụng linh hoạt, hiệu quả các phương pháp sư phạm, trong đó có phương pháp sư phạm phản biện. Phương pháp này tập trung vào mục tiêu cung cấp cho người học công cụ phát triển năng lực bản thân, tăng cường tính dân chủ. Do đó, đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức về cơ chế hình thành, phát triển, biểu hiện tư duy ở góc độ tâm lý học, cũng như các hình thức tư duy trong logic học và phản biện. Vận dụng phương pháp sư phạm phản biện, giáo viên được liên hệ sách giáo khoa với lý thuyết cũng như kinh nghiệm của học sinh, giúp kiến thức phù hợp đối với người dạy và học. Đây là điểm khác biệt của phương pháp này so với phương pháp sư phạm truyền thống.

Bên cạnh đó, giáo viên có thể trang bị một số phương pháp dạy học phát triển tư duy với tinh thần phản biện cho học sinh như: Tranh biện, đặt câu hỏi, sáu chiếc mũ tư duy, phân tích SWOT, biểu đồ xương cá… để giải quyết nhiều vấn đề khác nhau trong học tập. Với những phương pháp này, học sinh sẽ nhận ra hạn chế trong tư duy bản thân và thể hiện phần nào các kỹ năng tư duy phản biện ngay trong giờ học.

Giáo viên cần vận dụng linh hoạt, hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực để phát triển năng lực tư duy phản biện của học sinh. Tư duy giáo viên không nên phụ thuộc vào sách vở, giáo điều mà phải là trí thức độc lập. Thực hiện được điều này sẽ phát huy vai trò của giáo viên trong việc giúp học sinh làm chủ quá trình học tập. Tuy nhiên, giáo viên nên tránh đưa ra yêu cầu chung chung, có nhận thức mơ hồ về tư duy dẫn đến định hướng sai cho học sinh.

Ngoài ra, kỹ năng lập luận, tìm kiếm bằng chứng để chứng minh lập luận cho học sinh là các yếu tố cần thiết của tư duy phản biện. Do đó, giáo viên cần chú ý rèn luyện cho học sinh kỹ năng xem xét tính đầy đủ, có căn cứ trong các lập luận, nhận diện được các dạng ngụy biện; tạo lập cho học sinh thói quen phản biện trước mọi vấn đề học tập; không chấp nhận vấn đề khi chưa phân tích, đánh giá, kiểm chứng. Giáo viên cần chuẩn bị kỹ các dạng câu hỏi, tình huống phù hợp, vì hiệu quả giờ học một phần phụ thuộc vào khả năng đặt câu hỏi đúng lúc, đúng cách.

Chẳng hạn như: Các câu hỏi yêu cầu học sinh phải giải quyết mâu thuẫn ngay trong bản thân vấn đề hoặc phải so sánh, chứng minh, hệ thống và khái quát các vấn đề... Những vấn đề nêu ra có thể cho phép học sinh trả lời bằng nhiều cách khác nhau, nhưng giáo viên cần yêu cầu phải có suy nghĩ độc lập theo cách tiếp cận và phương pháp nhất định; sau đó, gợi mở, dẫn dắt học sinh trả lời đúng hướng về cả nội dung, phương pháp. Giáo viên cần tôn trọng ý kiến, tạo điều kiện và khuyến khích học sinh tích cực tham gia giải quyết vấn đề, từng bước tạo cho các em thói quen lập luận chặt chẽ, có căn cứ.

Việc tạo ra môi trường học tập tự do trong thảo luận, tranh luận cũng quan trọng giúp học sinh mạnh dạn, tự tin khi đưa ra ý tưởng, cách giải quyết và quyết định vấn đề, bảo vệ ý kiến của mình một cách đúng hướng nhằm đạt hiệu quả học tập cao hơn. Giáo viên có thể tạo động lực thúc đẩy tinh thần học tập của học sinh, thông qua những câu hỏi như: Em có đồng ý với luận điểm đó không? Em có ý kiến khác không? Hãy trình bày ý kiến của em?... Tiếp đến, giáo viên nên đưa ra các bài tập liên quan chặt chẽ đến khả năng, kỹ năng phản biện của học sinh. Biện pháp này vừa giúp giáo viên khắc sâu kiến thức, vừa phát triển năng lực tư duy phản biện của học sinh. Với những kiến thức đã biết, học sinh sẽ giải quyết nhiệm vụ mới một cách tự nhiên, có niềm tin và cách tiếp cận khoa học kiến thức mới.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Rèn luyện khả năng mở rộng vấn đề

- Với người học, cần đổi mới phương pháp học tập thế nào để phát triển được năng lực tư duy phản biện?

- Một học sinh tích cực tìm tòi phương pháp học tập theo hướng nâng cao kĩ năng tư duy phản biện sẽ góp phần phát triển năng lực tư duy, phản biện đáp ứng tốt nhất yêu cầu học tập. Dưới sự định hướng của giáo viên, học sinh không được nhận thức một cách máy móc, mà cần đào sâu suy nghĩ, mở rộng kiến thức, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập.

Để học sinh thực hiện hoạt động tự học, rèn luyện một cách hiệu quả thì việc thiết kế bài tập, kiểm tra đánh giá kết quả tự học và định hướng của giáo viên vô cùng quan trọng. Các bài tập giao nên theo hướng mở để học sinh bày tỏ quan điểm cá nhân trên cơ sở vận dụng lý thuyết.

Kỹ năng phản biện là một trong những đặc điểm quan trọng của người có năng lực tư duy phản biện. Bởi học sinh muốn đạt đến tính tối ưu của vấn đề học tập thì cần có kỹ năng phản biện, lập luận để thuyết phục được người khác. Một vấn đề phản biện có sức thuyết phục hay không đều phụ thuộc vào độ sắc của lý lẽ, độ sâu của lập luận, độ chắc chắn của minh chứng người phản biện đưa ra.

Ngoài việc học cách nghiên cứu tìm ra các lý giải phù hợp vấn đề phản biện, học sinh phải biết phát hiện và khắc phục những thiếu sót, sai lầm trong lập luận một vấn đề nhất định. Do đó, các em phải xem xét, đánh giá, chỉ ra được cơ sở của lập luận đúng, loại bỏ lập luận sai hoặc không có căn cứ, từ đó sẽ rèn luyện và phát triển năng lực tư duy phản biện.

Có nhiều cách luyện tập kĩ năng này như: Thông qua những bài tập trình bày vấn đề; đánh giá và giải thích đánh giá về một vấn đề; tổ chức hệ thống luận điểm theo các trình tự lôgíc khác nhau; tìm kiếm minh chứng cho luận điểm… Lập luận phản biện phải rõ ràng, lôgíc, đầy đủ bằng chứng, tỉ mỉ và công tâm.

Ngoài ra, học sinh cần rèn luyện khả năng mở rộng vấn đề. Đối với một chủ đề học tập, các em cần học cách tự tìm những tư liệu mới, không nên chỉ bó hẹp trong nguồn tài liệu giáo viên cung cấp. Từ đó, phát huy khả năng tự phân tích và đưa ra cách nhìn nhận riêng đối với mỗi chủ đề đặt ra.

Như vậy, việc đổi mới phương pháp theo hướng nâng cao kỹ năng tư duy phản biện không thể có được trong một, hai ngày, mà phải luyện tập trong thời gian dài, đòi hỏi sự cố gắng và nỗ lực cao của học sinh, nói cách khác phụ thuộc vào vai trò tự bồi dưỡng, rèn luyện tư duy phản biện. Nếu có phương pháp học tập phù hợp, học sinh sẽ phát triển năng lực tư duy phản biện một cách sắc bén, hiệu quả.

- Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!

“Học sinh THPT nên tích cực, chủ động tham gia các câu lạc bộ, hoạt động đoàn thể, ngoại khóa… qua đó rèn luyện các kỹ năng cần thiết cho việc hình thành và phát triển năng lực tư duy phản biện như: Kỹ năng thuyết trình, đàm phán, làm việc nhóm, quan sát, lắng nghe…”. - TS Bùi Lan Hương, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.