Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060:

Phát triển thành phố đa trung tâm

GD&TĐ - Kỳ họp thứ 15 HĐND TPHCM khóa X, ngày 19/5, đã thông qua nghị quyết về đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Khu vực trung tâm TPHCM nhìn từ hướng TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: Lê Nam
Khu vực trung tâm TPHCM nhìn từ hướng TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: Lê Nam

Kỳ họp thứ 15 HĐND TPHCM khóa X (kỳ họp chuyên đề) ngày 19/5 đã thông qua nghị quyết về đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. TPHCM sẽ nghiên cứu phát triển mô hình đa trung tâm, đa cực kết hợp với các trung tâm thứ cấp.

Năm 2060, dân số 16 triệu người

Tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng trình bày tờ trình của UBND TPHCM về đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 (đồ án). Theo đó, đồ án dự báo quy mô dân số TPHCM đến năm 2040 là 13 triệu người, năm 2050 là 14,5 triệu người và đạt 16 triệu người vào năm 2060.

Đồ án định hướng phát triển đô thị TPHCM dự kiến hình thành và phát triển thành 5 phân vùng. Đó là phân vùng đô thị trung tâm; đô thị phía Đông; đô thị phía Bắc - Tây Bắc; đô thị phía Tây và đô thị phía Nam.

Trong đó, vùng đô thị trung tâm có ranh giới phía Bắc, phía Tây là đường Vành đai 2, phía Nam là kênh Đôi - kênh Tẻ, phía Đông là sông Sài Gòn. Vùng trung tâm bao gồm các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 8, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp, quận Bình Tân; một phần Quận 12. Tổng diện tích khoảng 17.000 ha, quy mô dân số hiện hữu (2019) khoảng 4,5 triệu người.

Vùng đô thị phía Đông hiện đã thành lập TP Thủ Đức, tổng diện tích khoảng 21.000 ha, quy mô dân số hiện hữu 1,1 triệu người. Vùng đô thị phía Bắc - Tây Bắc có ranh giới phía Bắc giáp Tây Ninh, phía Tây giáp tỉnh Long An, phía Nam là ranh hành chính giữa huyện Hóc Môn và Bình Chánh và đường Vành đai 2; bao gồm huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, một phần Quận 12. Tổng diện tích khoảng 58.500 ha, quy mô dân số 1,4 triệu người.

Vùng đô thị phía Tây có ranh giới phía Bắc giáp ranh hành chính giữa huyện Hóc Môn và Bình Chánh; ranh giới phía Nam giáp ranh tỉnh Long An; phía Đông giáp đường Vành đai 2 và sông Cần Giuộc; phía Tây và phía Nam là tỉnh Long An; bao gồm phần lớn huyện Bình Chánh. Tổng diện tích của vùng này khoảng 23.300 ha, quy mô dân số 840 nghìn người.

Vùng đô thị phía Nam có ranh giới phía Bắc giáp kênh Đôi - kênh Tẻ, ranh giới phía Nam giáp tỉnh Long An và biển Cần Giờ, phía Đông giáp sông Đồng Nai, phía Tây là sông Cần Giuộc; bao gồm Quận 7, huyện Nhà Bè, một phần huyện Bình Chánh và toàn bộ huyện Cần Giờ. Tổng diện tích toàn vùng là 93.300 ha, trong đó có khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Quy mô dân số khoảng 1,2 triệu người.

Về giao thông, đồ án dựa trên cơ sở bổ sung quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, 5 quy hoạch chuyên ngành giao thông quốc gia.

Trong đó, dự kiến bổ sung kết nối đường bộ để củng cố vị trí trung tâm của TPHCM như kéo dài trục đường Nguyễn Hữu Thọ, kết nối đường ven biển tại Tiền Giang; kết nối sân bay Long Thành; kết nối với Đồng Nai; kết nối đường sắt… Đồ án cũng xác định các khu vực phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) dọc tuyến metro, đường Vành đai 3.

Lĩnh vực giao thông tĩnh và chính sách thu phí kẹt xe cũng được chú ý. Sắp tới, TPHCM sẽ tiến tới hạn chế xe cá nhân khu vực trung tâm, thu phí xe vào giờ cao điểm. Số lượng chỗ đỗ xe hạn chế dưới 50% quy chuẩn kết hợp quản lý thu phí đỗ xe theo giờ. Về giao thông thủy, đồ án định hướng phát triển bổ sung năng lực giao thông công cộng, vận tải hàng hóa và gia tăng trải nghiệm.

Trong đó, với vận tải hàng hóa, sẽ tích hợp các trung tâm logistics với bến đường thủy nội địa để khai thác lợi thế vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn bằng đường thủy từ các cảng biển. Với quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị (metro), TPHCM đặt tầm nhìn đến năm 2060 xây dựng mạng lưới với độ dài khoảng 520 km.

Ông Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh, đồ án đã tính đến việc khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên, hệ sinh thái đặc trưng của thành phố để phát triển thành phố hiện đại, có bản sắc, tạo sức hấp dẫn của đô thị, từng bước nâng cao chất lượng đô thị.

Việc phát triển sẽ hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; hướng tới sự đồng bộ giữa xây dựng mới và cải tạo, chỉnh trang đô thị; đi đôi với đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc.

Đồ án định hướng phát triển bổ sung năng lực giao thông công cộng, vận tải hàng hóa trong lĩnh vực giao thông thủy. Trong ảnh là tàu thủy vận chuyển hàng hóa tại TPHCM. Ảnh: Lê Nam

Đồ án định hướng phát triển bổ sung năng lực giao thông công cộng, vận tải hàng hóa trong lĩnh vực giao thông thủy. Trong ảnh là tàu thủy vận chuyển hàng hóa tại TPHCM. Ảnh: Lê Nam

Phù hợp với chiến lược quốc gia

Xem xét đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, các đại biểu HĐND TPHCM đề nghị UBND thành phố rà soát nội dung đồ án, đảm bảo sự phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM, chiến lược phát triển quốc gia, quy hoạch các ngành quốc gia và quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp với Quyết định 1528/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Các đại biểu đề nghị rà soát lại việc tính toán quy mô dân số và rà soát toàn bộ các chỉ tiêu đất đai, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cho toàn TP theo quy mô dân số đã được phê duyệt tại Quyết định 1528/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trong trường hợp có đủ cơ sở xác định quy mô dân số tính toán nêu tại thuyết minh điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 là phù hợp; đề nghị báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ xem xét việc điều chỉnh nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, đồng thời cần có sự thống nhất với quy mô dân số tính toán trong quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

UBND TPHCM sẽ chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của các nội dung, thông tin, số liệu, tài liệu, hệ thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu trong hồ sơ đồ án.

Ngoài ra, sau khi đồ án được phê duyệt, UBND thành phố cũng đảm bảo việc công bố công khai đồ án theo quy định pháp luật và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, quản lý theo quy hoạch.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Nguyễn Văn Dũng cho biết, đồ án được lập trên cơ sở nghiên cứu tham khảo các chỉ đạo, định hướng mô hình phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương và TPHCM, các kế hoạch, đề án, dự án đã và đang được triển khai… phù hợp bối cảnh thực tiễn, mang tính khả thi. Đồ án phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, chiến lược phát triển quốc gia, quy hoạch các ngành quốc gia và quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; kế thừa, tiếp tục triển khai thực hiện các định hướng cơ bản, các nội dung của quy hoạch chung hiện hành vẫn còn phù hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.