Cơ hội lớn trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn cho sinh EPU

GD&TĐ - Đoàn chuyên gia Hàn Quốc đến thăm và làm việc với Trường Đại học Điện lực, trao đổi sâu với tổ chuyên gia về nội dung chương trình vi mạch bán dẫn.

Cơ hội lớn trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn cho sinh EPU

Sáng 17/12, PGS.TS Đinh Văn Châu – Hiệu trưởng Nhà trường đã có buổi làm việc với đoàn chuyên gia của Hàn Quốc đến thăm và làm việc tại Trường Đại học Điện lực nhằm trao đổi sâu với tổ chuyên gia về nội dung chương trình vi mạch bán dẫn.

Tham dự buổi làm việc có ông Kim Jin Sun - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chuyên gia Kỹ thuật Hàn Quốc; ông Lee Suk Haing - Cựu chủ tịch của Đại học Bách khoa Hàn Quốc, Cố vấn của tổ chức People Foundation - Nhóm chuyên gia về việc làm và phát triển nguồn nhân lực tại Hàn Quốc; ông Jung Jinkuk - Giám đốc Công ty Smart Education; bà Erica Oh - Quản lý cấp cao của Công ty CHUNGPA EMT; bà Charlotte Kim - Quản lý cấp cao của Công ty CHUNGPA EMT; ông Park Chang Duk - Thành viên của tổ chức People Foundation - Nhóm chuyên gia về việc làm và phát triển nguồn nhân lực tại Hàn Quốc;

Phía Công ty Hoàng Quốc/AMESCO có ông Đỗ Quốc Chính - Giám đốc; ông Nguyễn Hưng Bắc - Phó Giám đốc;

Tiếp đón đoàn chuyên gia của Hàn Quốc, phía Trường Đại học Điện lực còn có PGS.TS Nguyễn Lê Cường – Phó Hiệu trưởng; cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trong Trường.

Tại buổi làm việc, PGS.TS Đinh Văn Châu vui mừng chào đón đoàn chuyên gia của Hàn Quốc đến thăm và làm việc tại Trường Đại học Điện lực. Buổi làm việc với đoàn chuyên gia là cơ hội lớn trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn của Nhà trường.

Trao đổi tại buổi làm việc, PGS.TS Đinh Văn Châu khẳng định “Trường Đại học Điện lực đang đứng trước cơ hội tham gia sâu vào lĩnh vực vi mạch bán dẫn và khát vọng trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng nguồn nhân lực bán dẫn toàn cầu”.

Tuy nhiên, để phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn cần thực hiện đồng bộ nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó nhóm giải pháp về đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, công nghệ phục vụ đào tạo có vai trò rất quan trọng.

Qua đó, PGS.TS Đinh Văn Châu đề xuất một số nội dung thảo luận để mở rộng cơ hội hợp tác như: đào tạo năng lực cho đội ngũ giảng viên, nhà khoa học của Trường tại các Trường Đại học, hiệp hội của Hàn Quốc; đảm bảo sản phẩm kỹ sư có năng lực cạnh tranh trên thế giới; hỗ trợ phát triển các chương trình đào tạo; trao đổi sinh viên; liên kết các trường đào tạo các ngành học liên quan tới chương trình vi mạch bán dẫn; tham gia tư vấn, hỗ trợ nguồn nhân lực, cơ sở vật chất,…

Cũng tại buổi làm việc, PGS.TS Nguyễn Lê Cường cho biết “Đây là một trong những kết quả thành công của chuyến công tác của đoàn Trường Đại học Điện lực tại Hàn Quốc vừa qua khi mời chuyên gia sang làm việc tại Trường để trao đổi sâu về nội dung chương trình vi mạch bán dẫn. PGS.TS Nguyễn Lê Cường mong muốn qua chuyến thăm sẽ thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác giữa các bên trong thời gian tới.

Đại diện đoàn chuyên gia của Hàn Quốc.

Thay mặt đoàn chuyên gia, ông Kim Jin Sun - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chuyên gia Kỹ thuật Hàn Quốc bày tỏ lời cảm ơn chân thành về sự tiếp đón của EPU. Đồng thời đánh giá cao những tiềm năng phát triển của Nhà trường.

Ông Kim Jin Sun bày tỏ sự kỳ vọng vào sự phát triển vững mạnh trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn của Trường Đại học Điện lực thời gian tới.

Trong khuôn khổ buổi làm việc, các đại biểu tham dự đã thảo luận sôi nổi về các nội dung tiềm năng, thách thức, cơ hội cũng như tìm biện pháp xây dựng nội dung chương trình vi mạch bán dẫn,.. Buổi làm việc diễn ra thành công tốt đẹp, góp phần mở rộng cơ hội phát triển trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn của EPU.

Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

Quang cảnh buổi làm việc.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi làm việc.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1017 ngày 21/9/2024 phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050".

Theo đó, trong danh sách dự kiến 18 cơ sở giáo dục đại học công lập được ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn có Trường Đại học Điện lực.

Tại quyết định, mục tiêu chung là đến năm 2030, Việt Nam đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn có chất lượng, tập trung vào công đoạn thiết kế vi mạch bán dẫn, đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn; từng bước nắm bắt công nghệ trong công đoạn sản xuất bán dẫn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ