Phát triển nhân lực gắn với nhu cầu xã hội - Kế hoạch và thực tiễn

GD&TĐ -Để triển khai Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cần phát huy lợi thế, phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng hiện đại, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, Hội thảo “Phát triển nhân lực qua đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu xã hội” do Bộ lao động thương binh và xã hội, kết hợp với Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực tổ chức đã đưa ra nhiều vấn đề cùng bàn luận, tháo gỡ.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Thực trạng giáo dục nghề nghiệp và vấn đề đổi mới cơ chế tài chính

Trước những khó khăn, thách thức hay những tồn tại của việc đào tạo dạy nghề, phải hiểu rõ thực trạng giáo dục đào tạo nghề hiện nay. Ông Đặng Xuân Thức – Vụ trưởng vụ dạy nghề chính quy (Tổng cục dạy nghề) nhấn mạnh những kết quả đạt được: 

Giáo dục nghề nghiệp đã có những bước phát triển đáng kể, từng bước được đổi mới và phát triển đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Những thành công chung chủ yếu về vấn đề tuyển sinh, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, phát triển chương trình giáo trình, công tác kiểm định chất lượng giáo dục dạy nghề,....

Trong đó, ông Thức nhấn mạnh: Đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp và chất lượng đào tạo.

Đào tạo từng bước chuyển từ hướng “cung” sang hướng “cầu”, căn cứ vào nhu cầu của thị trường lao động, phù hợp với chiến lược phát triển nhân lực và với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và gắn với nhu cầu của doanh nghiệp; tăng nhanh tỷ lệ người học được đào tạo nghề trong các doanh nghiệp và tại nơi làm việc.

Trong quá trình giảng dạy và thi tốt nghiệp, các cơ sở đào tạo đã mời các chuyên gia ở các doanh nghiệp tham gia giảng dạy và đánh giá kết quả học tập của học sinh - sinh viên.

Đối với chất lượng đào tạo: Chất lượng và hiệu quả đào tạo có bước chuyển biến tích cực, đào tạo đã gắn với sử dụng lao động; lao động qua đào tạo tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân và đã đảm nhận được các vị trí công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện.

Ngay trong quá trình thực tập tốt nghiệp, đã có nhiều học sinh, sinh viên, nhất là những sinh viên khá, giỏi được doanh nghiệp cam kết tiếp nhận vào làm việc sau khi tốt nghiệp. Mức lương khởi điểm bình quân của sinh viên sau khi tốt nghiệp đạt 3,0 - 3,5 triệu đồng/tháng, trong đó mức lương khởi điểm cao nhất là 15 triệu đồng/tháng.

Cũng liên quan đến vấn đề tài chính, nhưng là vấn đề đổi mới cơ chế tài chính trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong 5 năm tới, Ông Nguyễn Chiến Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Tổng cục Dạy nghề đã nêu ra những tồn tại và nguyên nhân trong vấn đề tự chủ về tài chính. Cần phải tìm ra được những hạn chế để có kế hoạch trong những năm tiếp theo.

Đó là: Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, về tổ chức bộ máy, biên chế và nhân sự chưa được giao quyền thực sự. Một số người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập còn hạn chế về thực thi quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chưa chủ động, năng động trong chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ của đơn vị, vẫn trông chờ ở cơ quan cấp trên.

Theo đó, ông Thắng cũng có những đề xuất cơ chế tài chính cho Hệ thống Giáo dục nghề nghiệp: Xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật thực thi Luật Giáo dục nghề nghiệp; Dự kiến xây dựng cơ chế tài chính cho 4 loại hình đơn vị sự nghiệp công lập trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Định hướng cơ chế tự chủ trong giao dịch tài chính và huy động vốn, vay vốn đối với các đơn vị sự nghiệp trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp; Định hướng về nghĩa vụ tài chính và quản lý tài sản Nhà nước; Định hướng cơ chế lập dự toán; Việc phân bổ và giao dự toán của cơ quan quản lý cấp trên cho đơn vị sự nghiệp công thực hiện theo hiệu quả “đầu ra” và quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Giải pháp nào cho cơ chế tài chính của cơ sở dạy nghề?

Giải quyết vấn đề đối mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của cơ sở dạy nghề, bà Đỗ Thị Thúy Hằng – Phó vụ trưởng Vụ tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) đã đưa ra những giải pháp cụ thể: Khuyến khích và tạo điều kiện, môi trường hoạt động bình đẳng cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư tham gia cung cấp đào tạo nghề theo quy định của pháp luật.

Từng bước chuyển đổi phương thức ngân sách nhà nước cấp trực tiếp cho các cơ sở dạy nghề công lập sang hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách học nghề theo quy định của pháp luật, phù hợp với lộ trình giá, phí dịch vụ công.

Nhà nước thực hiện phương thức đấu thầu hoặc đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ đào đạo nghề có sử dụng ngân sách nhà nước đối với các đơn vị, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ dạy nghề; Các tổ chức, cá nhân tham gia đào tạo nghề được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, vay tín dụng và một số chính sách khác theo quy định của pháp luật;

Xây dựng và ban hành tiêu thức, phương pháp đánh giá kết quả sử dụng kinh phí gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ và chất lượng dạy nghề. Để thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động và cơ chế tài chính của các cơ sở dạy thì việc điều chỉnh giá dịch vụ đào tạo nghề và học phí theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí đóng vai trò quyết định.

Giá dịch vụ đào tạo nghề được xác định trên cơ sở định mức kinh tế- kỹ thuật, chi phí do cấp có thẩm quyền ban hành. Để tránh biến động, cần có lộ trình điều chỉnh giá, phí phù hợp….

Tuy nhiên để có thể xây dựng một hệ thống đảm bảo cho những vấn đề nêu trên, TS Phạm Vũ Quốc Bình – Cục trưởng cục kiểm định chất lượng dạy nghề cho biết: Quản lý chất lượng là một hoạt động quan trọng đảm bảo hiệu quả và chất lượng của hoạt động của bất kỳ một tổ chức nào, quyết định sự phát triển nói chung và chất lượng của một hệ thống nói riêng.

Xét về mức độ của các hệ thống quản lý chất lượng đang áp dụng trong các cơ sở giáo dục đào tạo hiện nay, hiện nay, có 3 mức độ: Kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng và quản lý chất lượng tổng thể.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, hầu hết các cơ sở giáo dục đào tạo hiện nay mới áp dụng mức độ kiểm soát chất lượng và xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng tiếp cận hệ thống quản lý chất lượng tổng thể.

Nhưng làm thế nào để đảm bảo chất lượng đối với việc xây dựng niềm tin của xã hội đối với công tác dạy nghề, ông Bình nhấn mạnh:

Để làm việc này, Việt Nam đang triển khai một loạt các giải pháp đồng bộ như: xây dựng khung trình độ quốc gia (trong đó có khung trình độ nghề quốc gia), ban hành các bộ chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, xây dựng chương trình đào tạo dựa trên chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, xây dựng chuẩn đầu ra dựa trên khung trình độ nghề quốc gia.....

Đối với trường dạy nghề, để đảm bảo chất lượng đào tạo, các yếu tố đảm bảo chất lượng cần thiết cho quá trình đào tạo nghề phải xây dựng phù hợp. Các yếu tố đảm bảo chất lượng bao gồm: Chương trình, giáo trình; đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; cơ sở vật chất, trang thiết bị; và công tác quản lý.

Ngoài ra, kết hợp với hệ thống đảm bảo chất lượng bên ngoài (các hoạt động kiểm định chất lượng dạy nghề, hoạt động kiểm tra, giám sát định kỳ, đột suất của các cơ quan có thẩm quyền), sự ổn định của chất lượng đầu ra sẽ được đảm bảo và khẳng định, từ đó xã hội và các đối tác liên quan tới nhà trường sẽ tin tưởng hơn vào văn bằng, chứng chỉ của cơ sở dạy nghề.

Đào tạo gắn liền với thực tiễn – Đâu sợ thiếu hiền tài

Những ý kiến nêu trên vẫn nằm trên “sổ sách”, bởi những định hướng đưa ra cần sâu sát và gắn liền với thực tiễn.

Theo đó, PGS.TS Trần Trung (ĐH SP Kỹ thuật Hưng Yên) đã nêu ra vấn đề đào tạo nhân lực từ những quan điểm vĩ mô đến hành động thực tiễn.

Đảng và Chính phủ đã đưa ra những mục tiêu tổng quát trong các chiến lược phát triển các ngành kinh tế, nguồn nhân lực đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Rõ ràng các mục tiêu cao, tổng quát này lại là tổng hợp của một số nấc mục tiêu thấp hơn để làm tiền đề.

Muốn vậy phải có môi trường giáo dục, môi trường đào tạo, môi trường cho rèn luyện, môi trường cho thử thách … Các môi trường đó ở đâu ra vậy? Các cơ sở giáo dục đào tạo nhân lực và các tổ chức kinh tế xã hội, các doanh nghiệp cần phải song hành, ví như hai đĩa cân luôn cần được cân bằng.

Các chủ trương chính sách trong quản lý vĩ mô phải đi trước, mang tính khái quát quát cao để định được kế hoạch trung, dài hạn nhưng cũng phải mang tính cụ thể để lấy đó làm tiêu chuẩn đánh giá kết quả thực hiện.

Qua đó mà tạo ra được các môi trường phát triển 5 nhóm nguồn nhân lực. Những hiền tài xây định chế phải là những công bộc của Đảng và Nhà nước.Những người mà tầm nhìn của họ, Trí và Đức cần phải đi trước thời gian.

Hội thảo cũng đã có nhiều ý kiến đóng góp cho việc giáo dục đào tạo nghề nghiệp hiện nay. Đây đang được coi là vấn đề nóng trong toàn xã hội, bởi làm sao để có thể đáp ứng được nhu cầu về nhân lực, giải quyết vấn đề thiếu việc làm và nâng cao đời sống người lao động chính là góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ