Phát triển nguồn nhân lực du lịch sau đại dịch: Cơ sở đào tạo song hành doanh nghiệp

GD&TĐ - Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và liên kết vùng phát triển du lịch đang trở thành vấn đề cấp bách trong giai đoạn phục hồi và phát triển du lịch.

Sinh viên Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn Hiến trong học phần thực hành dẫn tour. Ảnh: TG
Sinh viên Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn Hiến trong học phần thực hành dẫn tour. Ảnh: TG

Vai trò và vị thế của các trường đại học - cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) được xác định là yếu tố then chốt để có nguồn nhân lực đạt chuẩn yêu cầu. 

Chất lượng nguồn: Thiếu và yếu

Tại Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Liên kết vùng trong phát triển nhân lực du lịch Việt Nam chất lượng cao sau đại dịch Covid-19”, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh nhìn nhận: Một trong những khó khăn lớn nhất đối với ngành du lịch hiện nay là nguồn nhân lực. Theo bà Hiếu, thách thức này không chỉ đối với Việt Nam, mà các nước trong khu vực, trên thế giới đều phải đối diện.

Theo thống kê của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, tính đến giữa tháng 4/2022 tổng số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành trên địa bàn là 796 (giảm 1.341 doanh nghiệp so với năm 2020). Trong đó 454 doanh nghiệp lữ hành, 342 cơ sở lưu trú và 6.410 hướng dẫn viên du lịch.

Tuy là địa phương có lợi thế về nhiều mặt, nhất là nguồn cung nhân lực cho ngành du lịch (24 trường đại học, 20 trường cao đẳng và 19 trường trung cấp đào tạo) nhưng chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu lao động của ngành khi hàng năm chỉ có khoảng 12 nghìn người được đào tạo về nghề du lịch.

Nhìn nhận thực trạng nhân lực chất lượng đang khan hiếm, TS Lê Lâm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn cho biết: Du lịch được xác định là ngành kinh tế trọng điểm, thời gian qua được Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chính sách khuyến khích và phát triển lớn nhưng việc phát triển nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức.

Hội thảo quốc gia về phát triển nhân lực ngành du lịch sau dịch Covid-19. Ảnh: Anh Tú
Hội thảo quốc gia về phát triển nhân lực ngành du lịch sau dịch Covid-19. Ảnh: Anh Tú

Nguyên nhân đầu tiên do sự phân bố lao động du lịch không đồng đều giữa các vùng, miền, địa phương trong cả nước dẫn đến tình trạng vừa thiếu vừa thừa giữa các vùng, miền và địa bàn trọng điểm du lịch. Tiếp đến là lao động chưa qua đào tạo chính quy và lao động trái ngành đang chiếm tỷ trọng lớn hơn số lao động được đào tạo chính quy về du lịch (58% so với 42%).

“Đây là vấn đề lớn cần được ngành du lịch nhanh chóng tháo gỡ. Ngoài việc thực hiện liên kết vùng trong phát triển, các chính sách song hành giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, ngành du lịch (đào tạo theo đơn đặt hàng) cần được phát huy hiệu quả hơn nữa”, TS Lê Lâm nói.

TS Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cũng cho rằng: “Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ra nhiều thách thức đối với ngành du lịch, việc đưa ra giải pháp giữ chân và phát triển nguồn nhân lực được xem là yêu cầu cấp thiết.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trong thời gian tới, cần tiếp cận toàn diện hơn đối với các lĩnh vực nghề nghiệp trong ngành du lịch. Những yêu cầu và xu hướng mới đòi hỏi lực lượng lao động phải tự trau dồi, học hỏi và được bảo vệ. Trong đó, các khuyến nghị của quốc tế có ý nghĩa tham khảo quan trọng đối với việc đề xuất một số số giải pháp để thúc đẩy phát triển nhânh lực du lịch Việt Nam trong thời gian tới”, TS Nguyễn Anh Tuấn nói.

Sinh viên Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn Hiến trong một chuyến đi thực tế dài ngày. Ảnh: TG
Sinh viên Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn Hiến trong một chuyến đi thực tế dài ngày. Ảnh: TG

Vai trò của cơ sở đào tạo

TP Hồ Chí Minh có 140 nghìn lao động trực tiếp trong ngành du lịch, 15% có trình độ đại học, 50% trình độ cao đẳng, trung cấp. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, con số trên so với nhu cầu đang là vấn đề hết sức đau đầu của ngành du lịch thành phố trong tiến trình phục hồi sau dịch Covid-19.

Thống kê của Tổng cục Du lịch cũng cho thấy, tỷ lệ  lao động có chuyên môn về du lịch của ngành du lịch Việt Nam chiếm khoảng 42% tổng số lao động toàn ngành, 38% được đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy.

Đáng nói, trong tổng số 42% lao động được đào tạo về du lịch thì chỉ có 10% lao động có trình độ đại học và sau đại học (chiếm 3,5%); 50% lao động có trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng (chiếm 20%); 40% còn lại là lao động được bồi dưỡng qua các lớp ngắn hạn. Khoảng 60% lao độngtrong lĩnh vực biết và sử dụng các ngoại ngữ khác nhau.

Nói về sự liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực du lịch sau đại dịch Covid-19, PGS.TS Ngô Văn Hà - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng nhìn nhận: Đó là mối quan hệ không thể thiếu để xây dựng các giải pháp về hoàn thiện cơ chế liên kết đào tạo; nângng cao vai trò của doanh nghiệp và coi trọng đơn vị đào tạo nguồn nhân lực.

“Để ngành du lịch nhanh chóng có nguồn nhân lực du lịch tốt, đạt chuẩn trình độ trong và ngoài khu vực ASEAN, các cơ sở đào tạo phải coi doanh nghiệp là một khâu trọng yếu trong quá trình đào tạo. Ngược lại, doanh nghiệp cũng cần phải nhìn nhận vị thế và vai trò không thể thiếu của các trường đại học - cao đẳng - TCCN trong việc cung ứng nguồn lực cho mình. Chỉ khi có sự tôn trọng và song hành cùng với nhau trong đào tạo thì công tác dự báo, điều chỉnh khung chương trình đào tạo (giảm phần lý thuyết, tăng số tiết thực hành), ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên… để đảm bảo chất lượng đào tạo theo nhu cầu thị trường thời hậu Covid-19”, PGS.TS Ngô Văn Hà nhấn mạnh.

Hạn chế của nguồn nhân lực du lịch là do chương trình đào tạo tại nhiều trường còn chú trọng đến lý thuyết mà chưa có điều kiện tổ chức nâng cao thực hành. Vì vậy, để gia tăng chất lượng nguồn nhân lực du lịch, vai trò của các cơ sở đào tạo là không thể chối bỏ.

“Tuy nhiên, ngoài việc làm mới và tăng cường các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước, doanh nghiệp du lịch thì các trường cần “bắt tay” thật chặt với doanh nghiệp từ xây dựng chương trình cho đến môi trường thực tập.

 Song song hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo, ngành du lịch địa phương cũng cần bồi dưỡng kiến thức về du lịch cho người kinh doanh thương mại, tiểu thương tại các chợ, cộng đồng dân cư… Nâng cao quy mô và chất lượng đào tạo cho nguồn nhân lực tiềm năng đang học tập, rèn luyện tại trường đào tạo du lịch của thành phố để nhân lực thật sự chất lượng sau khi ra trường” - ThS Phùng Anh Kiên - Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh nói.

Để công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số, cách mạng 4.0, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, các địa phương cần xem xét rà soát, phát triển ngành/ chuyên ngành/ nghề đào tạo lĩnh vực du lịch sau đại dịch Covid-19 như thế nào? Từ đó nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục đào tạo có tham gia đào tạo du lịch. - Ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ