Tại phiên họp, các thành viên đã có các báo cáo tham luận, bài phát biểu liên quan đến 4 chủ đề chính bao gồm: Xã hội hóa phát triển nguồn nhân lực; Những kỹ năng cho nguồn nhân lực 4.0; Phát triển thị trường nhân lực; Thúc đẩy khởi nghiệp công nghệ.
Nội dung của các tham luận chỉ rõ: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) là nền tảng để nền kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang kinh tế tri thức, nền kinh tế số; làm thay đổi cơ bản khái niệm đổi mới công nghệ, trang thiết bị trong các dây chuyền sản xuất.
CMCN 4.0 sẽ tạo ra những thay đổi lớn về cung - cầu lao động. Trong cuộc cách mạng này, thị trường lao động sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng giữa cung và cầu lao động cũng như cơ cấu lao động.
Đối với Việt Nam, từ trước đến nay, nền kinh tế vẫn dựa nhiều vào các ngành sử dụng lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thiên nhiên, trình độ của người lao động còn lạc hậu. Đây là một trong những thách thức lớn nhất khi đối diện với cuộc CMCN 4.0.
Bên cạnh việc mất dần những ngành nghề truyền thống sử dụng nhiều lao động, cuộc CMCN 4.0 cũng xuất hiện nhiều ngành nghề mới, gắn với đặc trưng của cuộc cách mạng này như: Ngành điện tử, viễn thông, số hóa, kỹ thuật viên máy tính, an ninh mạng, in 3D…
Trong tương lai, những lao động bị mất việc làm do sự phát triển của robot và công nghệ tự động hóa sẽ dịch chuyển sang những ngành mới này. Tuy nhiên, không phải dễ dàng khi chuyển đổi ngành nghề, nhất là những ngành mới đòi hỏi nhiều tri thức.
Các đại biểu tham gia phiên họp |
CMCN 4.0 là cuộc cách mạng số nhưng nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật máy tính, tự động hóa của Việt Nam đang quá ít. Theo dự báo nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin tăng thêm 47% mỗi năm, trong khi đó số sinh viên ngành công nghệ thông tin ra trường lại chỉ tăng 8%/năm.
Trong số nhân lực ấy, không phải tất cả đều có thể đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Một nghiên cứu mới đây cho thấy, có tới 72% số sinh viên ngành công nghệ thông tin không có kinh nghiệm thực hành, 42% số sinh viên thiếu kỹ năng làm việc nhóm.
Phát biểu kết luận phiên họp, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao các báo cáo tham luận của các thành viên Tiểu ban. Các báo cáo đã được phản ánh bằng nhiều số liệu cụ thể, có cách tiếp cận mới, trao đổi chuyên sâu.
Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng chỉ ra những “điểm nghẽn” ngăn cản sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho CMCN 4.0 nằm ở cơ chế quản trị và cơ chế tài chính. Kỷ nguyên số sẽ thay đổi hoàn toàn cách chúng ta sống, làm việc và sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực lao động, khi máy móc dần thay thế con người. Nước ta cũng không nằm ngoài xu thế đó, nhất là khi lực lượng lao động rất dồi dào nhưng lại thiếu năng lực và kỹ năng.
Tại phiên họp, các thành viên Tiểu ban cũng đề xuất nhiều giải pháp, kiến nghị nhằm phát triển nguồn nhân lực cho CMCN 4.0, trong đó, tập trung vào giáo dục đại học và sau đại học; Tăng ngân sách chi cho nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ; Cải thiện chất lượng nguồn nhân lực; Tăng cường những ưu đãi phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ.