Phát triển năng lực sáng tạo của sinh viên qua các nhóm, CLB học tập

GD&TĐ - Từ khảo sát nhu cầu, năng lực sáng tạo của sinh viên Khoa tiếng Pháp, Trường ĐH Hà Nội, TS Nguyễn Minh Nguyệt (Trường ĐH Hà Nội) đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để nuôi dưỡng đam mê/yêu thích của sinh viên với các tác phẩm/di sản văn hoá kinh điển và đương đại để từ đó giúp sinh viên có cảm hứng sáng tạo ra những sản phẩm văn hoá cụ thể?

Phát triển năng lực sáng tạo của sinh viên qua các nhóm, CLB học tập

Dựa trên cơ sở lý thuyết và kinh nghiệm học tập cộng đồng trên thế giới, TS Nguyễn Minh Nguyệt đề xuất một số hoạt động được tổ chức trong các nhóm chuyên đề về Thuyết trình, Sáng tác, Âm nhạc, Ẩm thực ngoài giờ học.

Các nhóm hoạt động có các mục tiêu, nguyên tắc chung và nội dung của các hoạt động được tiến hành theo quy trình từ cập nhật và suy ngẫm, tương tác và chia sẻ, xu hướng và định hướng đến sáng tạo. Các nội dung này sẽ được thực hiện thông qua việc thực hành kỹ năng tiếng Pháp của sinh viên từ năm thứ hai trở lên.

Trước khi tổ chức hoạt động theo những nhóm chuyên đề, TS Nguyễn Minh Nguyệt đã xác định các mục tiêu sư phạm chung cho các nhóm này. Tiếp theo là việc đặt ra những nguyên tắc hoạt động chung. Sau đó là cách thức tổ chức các hoạt động trong mỗi nhóm chuyên đề. Cuối cùng là dự kiến về những sản phẩm mà các thành viên trong các nhóm sáng tạo ra.

Xác định mục tiêu sư phạm chung

Mục tiêu chung của các nhóm học tập cộng đồng được TS Nguyễn Minh Nguyệt chia sẻ gồm:

Thứ nhất, cập nhật, chia sẻ thông tin về một lĩnh vực giữa các thành viên trong nhóm. Người dẫn dắt hoạt động nhóm cần phân công cụ thể các thành viên tìm hiểu, thu thập thông tin cơ sở, chi tiết và cập nhật về các lĩnh vực thuộc phạm vi chuyên đề nhóm.

Việc chia sẻ thông tin, ý kiến và sự trao đổi, tương tác giữa các thành viên có thể tạo ra những gợi ý đối với các thành viên khác, tạo động lực thúc đẩy họ đọc, suy ngẫm và tương tác.

Thứ hai, xử lý thông tin thông qua thảo luận, trình bày quan điểm, suy nghĩ của mình giúp các thành viên nắm bắt được một cách sâu sắc nội dung, chi tiết hoặc các thông điệp đi kèm thông tin. Cách tiếp cận đa chiều làm nảy sinh mâu thuẫn, ý tưởng hoặc giúp mọi người thấu hiểu những chi tiết, góc khuất của vấn đề.

Thứ ba, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng là một trong những khâu quan trọng nhất trong sự vận hành của các nhóm học tập cộng đồng. Hầu hết mọi vấn đề đều có thể tìm ra giải pháp nhờ có kinh nghiệm, kỹ năng của các thành viên. Kinh nghiệm có thể giúp họ tránh được một số sai sót, lỗ hổng khi thực hành hoặc có một kinh nghiệm phong phú cho mỗi cá nhân từ trải nghiệm của các thành viên khác.

Thứ tư, quá trình sáng tạo ra một “sản phẩm”, ví dụ một phần thuyết trình, một bài phân tích tác phẩm/nhân vật, một bức tranh thuộc trường phái ấn tượng, trình bày một bài hát mang âm hưởng bolero, sáng tác một entry blog, viết một phóng sự ngắn hay chế biến một món ăn… chính là công đoạn mà các nhóm học tập cộng đồng hướng tới.

Cuối cùng, việc giới thiệu sản phẩm văn hoá của mình trong nhóm như giới thiệu một món ăn mình thực hiện, một video clip, một bức tranh, một bình hoa cắm kèm theo thuyết minh, một truyện ngắn, một bài thơ… kèm theo việc nhận xét, tương tác giữa tác giả và công chúng thực sự tạo nên một môi trường giao tiếp, học tập thú vị...

Những nguyên tắc quan trọng

Chia sẻ về các nguyên tắc chung khi xây dựng các nhóm/ CLB học tập cộng đồng, TS Nguyễn Minh Nguyệt cho rằng: Thứ nhất, các thành viên tự nguyện ghi danh vào nhóm theo chủ đề mình yêu thích/quan tâm. Mọi người đều cùng nhau đóng góp ý kiến cá nhân và mỗi người đều tham gia vào việc sáng tạo một sản phẩm văn hoá riêng.

Thứ hai, các hoạt động cần được diễn ra đều đặn, theo đúng quy trình và hiệu quả. Mỗi thành viên đều phải đóng góp ý kiến, hành động cụ thể và phải mang lại kết quả cụ thể. Ví dụ, nhóm Sáng tác, cuối cùng phải cho ra tiểu phẩm của cá nhân, hay của một nhóm nhỏ, có thể là một truyện ngắn, một vở kịch, một bài thơ hay một phóng sự bằng ảnh chẳng hạn.

Thứ ba, các thành viên trong nhóm đều phải tham gia làm việc trong nhóm nhỏ, mỗi người đảm nhiệm một công việc phù hợp với sở trường của mình. Công việc đó phải mang lại kết quả cho công việc chung của cả nhóm mình.

Cuối cùng, các thành viên làm việc, hoạt động theo nguyên tắc chia sẻ thoải mái, cởi mở; thẳng thắn trình bày và bảo vệ đến cùng các ý tưởng, quan điểm của mình; tự do sáng tạo và tạo ra phong cách riêng.

Công đoạn tổ chức nhóm học tập

Để có được những nhóm học tập hiệu quả, TS Nguyễn Minh Nguyệt dự kiến một số công đoạn sau:

Tiền đề: Việc tổ chức các nhóm sinh hoạt cộng đồng cần được tiến hành từ đầu năm học cho các sinh viên từ năm thứ hai trở lên. Trong nhóm, tránh sử dụng tiếng Việt và tận dụng tối đa thời gian để thực hành tiếng Pháp.

Xây dựng nhóm: Cần để sinh viên lựa chọn và ghi danh vào các chuyên đề họ thích/quan tâm. Nhiệm vụ của giảng viên phụ trách các nhóm là thiết kế và giới thiệu chương trình làm việc nhóm. Cần có một buổi giới thiệu các nhóm kèm theo các hoạt động nhóm. Trong buổi đó, người phụ trách cần có ý thức quảng cáo, thu hút sự chú ý của sinh viên bằng sản phẩm truyền thông như video clip, hình ảnh, tranh vẽ, ảnh chụp, truyện tranh…

Ngoài ra, giới thiệu kèm theo minh hoạ cho các hoạt động cần được chuẩn bị kỹ càng và thuyết phục nhằm mục tiêu có thể xây dựng được những nhóm học tập cộng đồng với số lượng đông đảo và gồm các thành viên tích cực, hứng thú hoạt động. Hơn nữa, cần phân tích những nhu cầu của các thành viên để có thể định hướng loại hình hoạt động cũng như nội dung các hoạt động của họ.

Các chương trình hoạt động: Chương trình hoạt động cần được xây dựng dựa trên nhu cầu của các thành viên. Họ có thể thảo luận trong nhóm và cho ra một chương trình cụ thể, chi tiết về từng giai đoạn hoạt động. Tuy nhiên, người phụ trách nhóm cần định hướng, điều chỉnh và thông qua phiên bản cuối của nhóm.

Người phụ trách cũng có thể đề xuất một số hoạt động, hay gợi ý các tài liệu tham khảo cần thiết cho phần hoạt động nhóm thông qua việc cập nhật thông tin, xu hướng hay trường phái của lĩnh vực đề cập.

Các hoạt động cần cụ thể, rộng mở và được đa số các thành viên trong nhóm thông qua vì tính thực tiễn, khả thi và đáp ứng được nhu cầu cũng như sự hào hứng của các thành viên. Người phụ trách nên chọn các hoạt động có thể huy động được đa số các thành viên tham gia.

Các giai đoạn hoạt động, xác định các mốc thời gian: Cần hoạch định các giai đoạn cụ thể cho các hoạt động trong một nhóm chuyên đề. Trước hết tạo thói quen đưa ra các mốc thời gian như thời hạn tìm tài liệu, thảo luận, thực hiện công việc, giới thiệu sản phẩm…

Các thời hạn này cần được tôn trọng và thực hiện nghiêm ngặt. Người phụ trách nhóm có nhiệm vụ ấn định các hoạt động trong từng buổi và điều chỉnh các thời hạn khi cần thiết. Ví dụ có thể kéo dài một công đoạn, rút ngắn hay loại bỏ một công đoạn trong quá trình sinh hoạt.

Các sản phẩm sáng tạo: Để có những sản phẩm thiết thực, không thể bỏ qua giai đoạn phân tích nhu cầu cộng đồng. Cần cập nhật đầy đủ các thông tin hữu ích về xu hướng cũng như thể loại. Tiến hành việc thảo luận, tương tác để có thêm ý tưởng, kinh nghiệm, kỹ năng. Đề cao tính sáng tạo của từng thành viên trong nhóm và cũng khuyến khích sinh viên thể hiện tối đa sức sáng tạo của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.