Phát triển năng lực học sinh: Thói quen cũ cần loại bỏ?

GD&TĐ - Dạy học theo hướng phát triển năng lực là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp bách đối với đội ngũ nhà giáo trong quá trình đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện. Mặt khác, Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng đòi hỏi mỗi giáo viên (GV) phải tìm tòi, cập nhật các phương pháp, kĩ thuật dạy học mới phù hợp với từng đối tượng học sinh (HS) và sự tiến bộ của nền giáo dục. 

Yêu cầu mà đổi mới giáo dục muốn hướng tới là những năng lực cần có ở mỗi con người để áp dụng vào cuộc sống. Ảnh minh họa/ Internet
Yêu cầu mà đổi mới giáo dục muốn hướng tới là những năng lực cần có ở mỗi con người để áp dụng vào cuộc sống. Ảnh minh họa/ Internet

Đòi hỏi từ đổi mới GD

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, mọi hoạt động giáo dục phải tác động đồng đều lên cả 3 mặt: Nhận thức – tình cảm – hành vi thì nhân cách người học mới phát triển và hình thành một cách bền vững. Trái lại nếu tác động không đồng bộ sẽ làm nhân cách dễ lệch lạc hoặc méo mó, trở nên vô ích, không giúp gì cho việc hình thành nhân cách người học.

Nếu chỉ chú ý “dạy chữ” sẽ không tạo được năng lực cá nhân mỗi người, chỉ khi họ chuyển từ nhận thức đúng sang hành động cụ thể để giải quyết các vấn đề cuộc sống đang đặt ra lúc đó con người mới có năng lực.

ThS Trần Ngọc Diệp – Viện Nghiên cứu Sư phạm – Trường ĐHSP Hà Nội khẳng định:Phương pháp dạy học phát triển năng lực không chỉ tích cực hóa HS về hoạt động trí tuệ mà còn chú ý rèn luyện năng lực giải quyết vấn đề gắn với những tình huống thực tiễn. Tăng cường việc học tập trong nhóm, đổi mới quan hệ GV - HS theo hướng cộng tác có ý nghĩa quan trọng nhằm phát triển năng lực xã hội.

Như vậy, yêu cầu mà đổi mới giáo dục muốn hướng tới là những năng lực cần có ở mỗi con người để áp dụng vào cuộc sống, chứ không phải những con người chỉ có mớ kiến thức, thiếu tự tin, không dám hành động. Vì vậy, GV phải tìm cách để HS bộc lộ tối đa các mặt nhân cách của mình…

Mặt khác, để dạy người và tạo năng lực cá nhân cho HS thông qua các bộ môn khoa học, người thầy phải thay đổi phương pháp dạy học. Muốn vậy, GV phải được huấn luyện kĩ hơn về các phương pháp đổi mới dạy học như dạy nêu vấn đề, dạy theo nhóm, theo dự án… Họ phải tiếp thu cách dạy theo cảm nhận, trải nghiệm sáng tạo của phương pháp dạy giá trị sống, kĩ năng sống. Giờ dạy các bộ môn không thể là giờ đọc chép hay nhìn chép, phải thiết thực, sôi động như chính cuộc sống. Đó là những giờ dạy thực sự mở… Làm sao sau mỗi giờ lên lớp HS thấy thích học, biết cách tự học, có thói quen học và học có kết quả.

Trường học vùng cao. Ảnh minh họa/ Internet
 Trường học vùng cao. Ảnh minh họa/ Internet

Giáo viên - người phát triển năng lực học trò

Thuyết trình, đàm thoại, luyện tập luôn là những phương pháp quan trọng trong dạy học. Đổi mới phương pháp dạy học không có nghĩa là loại bỏ các phương pháp truyền thống mà cần cải tiến để nâng cao hiệu quả và hạn chế nhược điểm của chúng.

Bên cạnh các phương pháp dạy học truyền thống cần kết hợp sử dụng các phương pháp dạy học mới, đặc biệt những phương pháp và kĩ thuật dạy học phát huy tính tích cực và sáng tạo của HS. Khi người thầy đưa ra những phương pháp dạy học phù hợp chắc chắn sẽ phát triển được năng lực của mỗi HS trong quá trình học tập.

ThS Trần Ngọc Diệp cho rằng, để phát triển năng lực của HS, việc đổi mới phương pháp dạy học của GV cần thể hiện được một số đặc trưng cơ bản.

Trước hết, dạy học thông qua tổ chức liên tiếp các hoạt động học tập, từ đó giúp HS tự khám phá những điều chưa biết chứ không phải thụ động tiếp thu những tri thức được sắp đặt sẵn. Theo tinh thần này, GV phải là người tổ chức và chỉ đạo HS tiến hành các hoạt động học tập như nhớ lại kiến thức cũ, phát hiện kiến thức mới, vận dụng sáng tạo kiến thức đã biết vào các tình huống học tập hoặc tình huống thực tiễn…

Các tri thức phương pháp thường là những quy tắc, quy trình, phương thức hành động, tuy nhiên cần coi trọng cả các phương pháp có tính chất dự đoán, giả định. Cần rèn cho HS các thao tác tư duy như phân tích, tổng hợp, đặc biệt hóa, khái quát hóa, tương tự, quy lạ về quen... để dần hình thành và phát triển tiềm năng sáng tạo của họ.

Tăng cường phối hợp học tập cá thể với học tập hợp tác theo phương châm “tạo điều kiện cho HS nghĩ nhiều hơn, làm nhiều hơn và thảo luận nhiều hơn”. Điều đó có nghĩa, mỗi HS vừa cố gắng tự lực một cách độc lập, vừa hợp tác chặt chẽ với nhau trong quá trình tiếp cận, phát hiện và tìm tòi kiến thức mới. Lớp học trở thành môi trường giao tiếp thầy – trò và trò – trò nhằm vận dụng sự hiểu biết và kinh nghiệm của từng cá nhân, của tập thể trong giải quyết các nhiệm vụ học tập chung.

Đặc biệt, GV cần chú trọng đánh giá kết quả học tập theo mục tiêu bài học trong suốt tiến trình dạy học thông qua hệ thống câu hỏi, bài tập (đánh giá lớp học). Chú trọng phát triển kĩ năng tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau của HS với nhiều hình thức như theo lời giải/đáp án mẫu, theo hướng dẫn, hoặc tự xác định tiêu chí để có thể phê phán, tìm được nguyên nhân và nêu cách sửa chữa các sai sót...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ