Phát triển mô hình trường học chất lượng cao sao cho bảo đảm công bằng

GD&TĐ - Các ĐBQH đề nghị cân nhắc phát triển mô hình trường chất lượng cao và có đánh giá tác động lâu dài nhằm bảo đảm môi trường giáo dục công bằng.

Một hoạt động giáo dục của Trường Tiểu học và THCS Ngôi sao (Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh: Website nhà trường
Một hoạt động giáo dục của Trường Tiểu học và THCS Ngôi sao (Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh: Website nhà trường

Cân nhắc mức độ đầu tư

Nhất trí với chính sách đầu tư hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao phù hợp với yêu cầu phát triển giáo dục Thủ đô, ông Nguyễn Anh Trí (đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho rằng, đầu tư hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao phù hợp với yêu cầu phát triển giáo dục của Thủ đô và Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết số 15). Việc tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao là một trong những giải pháp quan trọng góp phần hiện thực hóa yêu cầu Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Triển khai cơ sở giáo dục chất lượng cao ở Hà Nội thời gian qua đạt kết quả tốt, nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Trí đề nghị, cần có định nghĩa về “chất lượng cao” bảo đảm xác định rõ ràng, tường minh. Ngoài ra, cần cân nhắc mức độ đầu tư cho trường chất lượng cao, xác định đối tượng học…

Quan tâm tới phát triển giáo dục tại Thủ đô Hà Nội, bà Trần Thị Vân (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh) cho rằng, khoản 2 Điều 2 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cho phép chính quyền TP Hà Nội và các chủ thể liên quan đầu tư xây dựng hệ thống trường học công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục nhiều cấp học phù hợp với yêu cầu phát triển Thủ đô.

Theo bà Trần Thị Vân, Hà Nội là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế về vị trí, quy tụ nguồn lực, nhân lực chất lượng cao và nhiều điều kiện để kết nối quốc tế. Do đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị đã giao cho Hà Nội là, phải nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng Thủ đô thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế. Vì vậy, việc tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao là một trong những giải pháp quan trọng để hiện thực hóa nhiệm vụ này.

Học sinh Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa) – một trong những trường chất lượng cao của Hà Nội. Ảnh: Website nhà trường

Học sinh Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa) – một trong những trường chất lượng cao của Hà Nội. Ảnh: Website nhà trường

Cần đánh giá tác động lâu dài

Quan tâm đến quy định về xây dựng phát triển và mở rộng mô hình cơ sở giáo dục chất lượng cao tại Điều 22 của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), bà Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) cho hay, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đưa ra mô hình chưa được sử dụng trong Luật Giáo dục năm 2019, trong đó có cơ sở giáo dục chất lượng cao. Dự thảo luật cũng chưa rõ tiêu chí được công nhận chất lượng cao.

Viện dẫn báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, bà Nguyễn Thị Tuyết Nga nhận thấy, tổng kết thi hành Luật Thủ đô chưa đánh giá sâu về kết quả, tồn tại, vướng mắc trong thực hiện quy định về trường chất lượng cao. Ngoài ra, báo cáo đánh giá tác động chưa đề cập đến chính sách phát triển các trường chất lượng cao, cơ sở giáo dục nhiều cấp học.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) bổ sung khái niệm về cơ sở giáo dục chất lượng cao tại khoản 5 Điều 3. Cụ thể: Cơ sở giáo dục chất lượng cao là cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia theo quy định của pháp luật về giáo dục; đồng thời phải đạt các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục chất lượng cao theo quy định của UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Bình cho rằng, quy định mới đề cập các tiêu chí đầu vào, chưa rõ tiêu chí đầu ra.

“Thực tiễn cho thấy, triển khai mô hình trường phổ thông công lập chất lượng cao, học phí cao là mối băn khoăn của nhiều cử tri Hà Nội”, bà Nguyễn Thị Tuyết Nga cho hay và nhìn nhận, mô hình này đang triển khai chủ yếu ở dạng cung ứng dịch vụ giáo dục chất lượng cao.

Đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Bình cho biết, nhiều trường công có chất lượng đang làm đề án thành lập trường chất lượng cao. Điều này khiến phụ huynh lo lắng học phí cao, trong khi điều kiện gia đình không đảm bảo và họ bối rối chưa biết sẽ chuyển con sang trường học nào. Thực tiễn, những năm gần đây, nhiều cơ sở giáo dục ở Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải. Có những trường sĩ số 60 học sinh/lớp. Nghĩa là, Hà Nội chưa đáp ứng đủ trường công lập để thực hiện giáo dục đại trà.

“Chính sách đặc thù khi đầu tư nhân rộng, xây dựng nhiều trường chất lượng cao, học phí cao, nếu không thận trọng có thể dẫn đến phân tầng giáo dục. Trường chất lượng cao chỉ dành cho con em gia đình có điều kiện, dẫn đến bất bình đẳng và tạo áp lực cho người học và nhân dân”, bà Nguyễn Thị Tuyết Nga băn khoăn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, giáo dục phổ thông phải là giáo dục toàn diện, bình đẳng trong hệ thống trường phổ thông công lập, không nên có sự phân tầng bởi mục tiêu của giáo dục công lập là tạo ra sự hưởng thụ cân bằng. Các nước có nền giáo dục tiên tiến đang xây dựng mô hình trường học hạnh phúc, không có trường chuyên, lớp chọn, trường phổ thông công lập đều bình đẳng và hướng đến chất lượng, công bằng trong thụ hưởng giáo dục.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, thực hiện mô hình trường chất lượng cao, học phí cao sẽ không khuyến khích được khối tư thục phát triển. Cần có cơ chế, chính sách mạnh, đặc biệt hơn để thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, tạo không gian phát triển bình đẳng công tư. Từ thực tiễn, bà Nga đề nghị Chính phủ cân nhắc việc phát triển mô hình cơ sở giáo dục chất lượng cao. Cần đánh giá tác động lâu dài, bảo đảm môi trường giáo dục công bằng, trong lành, hạnh phúc, không trái quan điểm về giáo dục và nguyên tắc chung về trường công lập.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga đề nghị, Hà Nội cần tập trung xây dựng những trường chuẩn quốc gia mẫu mực, tạo sức lan tỏa cho giáo dục cả nước và đầu tư mạnh hơn cho việc xây dựng các trường mầm non, phổ thông công lập đáp ứng yêu cầu mọi trẻ em được đến trường theo nguyện vọng, trẻ em con nhà nghèo phải được học ở trường công.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.