Chương trình chất lượng cao: Mong có môi trường tốt

GD&TĐ - Dù không còn khái niệm chương trình chất lượng cao nhưng sinh viên các trường vẫn mong muốn được thụ hưởng môi trường học tập tốt nhất.

Sinh viên Trường ĐH Hà Nội trong giờ học cùng giảng viên người nước ngoài. Ảnh: TG
Sinh viên Trường ĐH Hà Nội trong giờ học cùng giảng viên người nước ngoài. Ảnh: TG

Từ đó, người học có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động sau khi ra trường.

Tiếng nói người trong cuộc

Nguyễn Phương Hoa - sinh viên lớp 1T20C Khoa tiếng Trung Quốc chất lượng cao (Trường ĐH Hà Nội) chia sẻ, em thấy chương trình đào tạo của khoa thiết kế chuẩn mực. Các môn học được xây dựng cân đối giữa lý thuyết với thực hành, giúp sinh viên hiểu sâu về ngôn ngữ, văn hóa và xã hội Trung Quốc. Ngoài ra, khoa còn cung cấp cơ hội học tập và nghiên cứu phong phú, từ đó phát triển khả năng sử dụng ngôn ngữ Trung Quốc một cách tự tin, linh hoạt cho người học.

“Em đã nắm được quy định của Bộ GD&ĐT. Dù vậy, em vẫn mong có môi trường học tập chuyên sâu với các thầy cô trình độ cao, kinh nghiệm và tâm huyết để cung cấp cho sinh viên kiến thức sâu rộng, kỹ năng thực hành. Chúng em cũng có nhu cầu tiếp xúc với ngành nghề thông qua hoạt động thực tế, dự án nghiên cứu và giao lưu với doanh nghiệp, Nhờ đó, có thể tự tin tham gia vào thị trường lao động đa dạng, nhiều thách thức”, Hoa tâm sự.

Là sinh viên năm thứ 3 Khoa Ngân hàng chất lượng cao (Học viện Ngân hàng), theo Trần Ngọc Bách, chương trình đào tạo chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thực tế của người học. Nam sinh nhận định, chương trình chất lượng cao là “tinh hoa”, mũi nhọn của trường. Sinh viên có những trải nghiệm tuyệt vời hơn ở nhiều hoạt động ngoại khóa cũng như chất lượng giảng dạy. Đây là cơ sở tốt để tạo ra thế hệ sinh viên tài năng.

Chia sẻ thông tin, Phương Hoa và Ngọc Bách đồng thời hy vọng nhà trường sẽ cung cấp mạng lưới liên kết vững chắc với các công ty, tổ chức quốc tế để tạo điều kiện cho sinh viên được thực tập, tìm kiếm việc làm sau tốt nghiệp. Cùng đó, được nhà trường hỗ trợ xây dựng hồ sơ cá nhân, chuẩn bị phỏng vấn và cách thức tìm kiếm cơ hội việc làm. Thầy cô tư vấn và hỗ trợ để sinh viên nắm bắt được xu hướng thị trường lao động và biết cách phát triển sự nghiệp bền vững, hiệu quả trong tương lai.

Là phụ huynh có con học chương trình chất lượng cao tại Học viện Ngân hàng, anh Nguyễn Tiến Long cho rằng, với mức học phí khoảng 36 triệu đồng/năm, các em có thêm lợi thế nhất định về đào tạo. Theo anh Long, Bộ GD&ĐT nên tạo cơ chế cho các trường tự chủ và chịu trách nhiệm ngay từ khâu xây dựng chương trình đào tạo để tự khẳng định chất lượng, thương hiệu đơn vị. Từ đó, cung cấp điều kiện tốt nhất để người học được lĩnh hội tri thức mới, đáp ứng thị trường lao động.

Ông Tô Thanh Bình (trái) và ông Nguyễn Văn Lãm (phải). Ảnh: TG

Ông Tô Thanh Bình (trái) và ông Nguyễn Văn Lãm (phải). Ảnh: TG

Cần nhân lực chất lượng

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Tô Thanh Bình – Giám đốc Công ty CP Công nghệ tưới Tô Gia (Hà Nội) cho biết, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo chất lượng cao cao hơn chương trình đào tạo đại trà về năng lực chuyên môn, ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin… Dù theo quy định, tên chương trình chất lượng cao không còn nhưng thực tế, các trường vẫn tự chủ trong việc xây dựng chương trình và có trách nhiệm giải trình về chất lượng đào tạo của mình. Do vậy, đơn vị không quá lo lắng trong quá trình tìm ứng viên.

“Học viện Ngân hàng, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, Trường ĐH Thủy lợi, Trường ĐH Kiến trúc… là đối tác thường xuyên của công ty và cung cấp nguồn sinh viên tốt nghiệp đạt chất lượng. Ở những vị trí hành chính nhân sự, marketing, các em đáp ứng khá tốt yêu cầu của chúng tôi.

Thực tế cho thấy, dù các em học chương trình chuẩn hay chất lượng cao, khi ra trường vào làm ở đơn vị bất kỳ cần thích ứng nhanh để bắt nhịp với vị trí công việc. Doanh nghiệp và nhà trường có sự phối hợp trong xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh cũng như đảm bảo chất lượng đầu ra”, ông Bình thông tin thêm.

Ở lĩnh vực Thương mại điện tử, ông Nguyễn Văn Lãm – Tổng Giám đốc Công ty CP Ecentric (TPHCM) chia sẻ về quy trình tuyển dụng: Nhà trường giới thiệu sinh viên xuất sắc để doanh nghiệp phỏng vấn. Sau đó, các em phải làm bài kiểm tra về chuyên môn và tư duy.

Tiêu chí về ngoại ngữ là bắt buộc, đồng thời sinh viên phải có khả năng giao tiếp tốt, chủ động trong công việc. Dưới góc độ người sử dụng nhân sự, ông Lãm nhận thấy, sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo chất lượng cao luôn có sự tự tin, năng động hơn so với chương trình khác, đó cũng là điểm mạnh của các em.

“Doanh nghiệp cơ bản quan tâm tới hiệu quả công việc, còn xuất phát điểm dù ở chương trình chuẩn hay chất lượng cao là một chỉ số tham khảo. Do đó, dù có chương trình đào tạo chất lượng cao hay không cũng ảnh hưởng tới nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Đối với những ngành mới như Thương mại điện tử, nhân sự tuyển vào phải có thời gian làm quen công việc. Do đó, theo tôi các trường cần có giải pháp đồng bộ để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và tạo cơ hội học tập tốt nhất cho sinh viên”, ông Lãm nói.

Từ mùa tuyển sinh năm 2023, một số trường đại học không để chương trình chất lượng cao trong đề án tuyển sinh mà thay bằng tên gọi khác như chương trình dạy bằng tiếng Anh, chương trình đào tạo chuẩn quốc tế hoặc chương trình tăng cường tiếng Anh, Pháp, Nhật… Những sinh viên đang học theo chương trình đào tạo chất lượng cao từ trước thời điểm 1/12/2023 sẽ tiếp tục học hết khóa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.