Học hỏi từ những việc vặt trong nhà
Ý thức được vai trò của mình trong việc giáo dục con cái, nhiều gia đình đã đầu tư thời gian, tiền bạc và công sức để giúp con em phát triển và hoàn thiện nhiều kĩ năng, trong đó có kĩ năng quan sát. Hình thức phổ biến là mua đồ chơi cho con, khuyến khích trẻ tham gia các trò chơi, đưa trẻ đi du lịch, dã ngoại hay sử dụng hình ảnh sinh động từ ti vi, sách báo. Tuy nhiên không phải gia đình nào cũng có điều kiện như vậy. Nên chăng, chúng ta hãy tận dụng chính những công việc nhà hàng ngày để hướng dẫn con mình quan sát và tích lũy kiến thức.
Công việc nhà có nhiều hình thức từ rửa bát, dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng đến chăm sóc con cái. Trên thực tế, nhiều bậc phụ huynh đã giao việc nhà cho con cái ở một hình thức nào đó, nhưng không nhiều trong số họ nghĩ đó là một cách giúp trẻ phát triển kỹ năng quan sát. Một lý do cho sự “bỏ lỡ” này có thể là bản thân họ chưa biết phải tận dụng những hoạt động hàng ngày ra sao để giúp trẻ hoàn thiện kỹ năng quan trọng này.
Cha mẹ có thể thông qua công việc nhà để giới thiêu về các loại đồ vật, dụng cụ hay những loại thực phẩm, nhờ đó mà trẻ sẽ có thể nhận diện được những thứ cần thiết xung quanh mình. Chẳng hạn, khi bố sửa xe đạp có thể gọi con trai ra tham gia cùng, vừa làm, vừa chỉ cho con biết đây là ốc vít, kia là cờ lê, chốc chốc có thể nhờ bé đưa cho mình cái cờ lê hay ốc vít. Sự thích thú khi được tiếp xúc và quan sát những điều mới lạ này hẳn sẽ giúp trẻ ghi nhớ các đồ vật dễ dàng hơn so với những hình ảnh dù màu sắc sống động trên ti vi hay sách báo.
Những bài học hữu ích
Không chỉ dừng lại ở nhận diện sự vật, cha mẹ có thể giúp con cái tự quan sát và phát hiện những thay đổi của sự vật, hiện tượng. Khi phụ huynh giao cho con cái tưới một cây non, hãy tận dụng hoạt động này để nhờ các bé quan sát sự phát triển của cây và khuyến khích bé mô tả sự thay đổi đó. Trong quá trình này, cha mẹ có thể định hướng sự quan sát của trẻ bằng những câu hỏi như “Hôm nay cây cao đến đâu rồi con?” hoặc “Cây đã mọc thêm mấy lá rồi con nhỉ?”. Khi trẻ vẫn còn chưa có ý niệm gì về những thay đổi của cây hay của sự vật hiện tượng nói chung, rất cần thiết để cha mẹ đưa ra những sự định hướng này để trẻ có thể tập trung trong quá trình quan sát.
Ngoài ra cha mẹ có thể đồng hành cùng con cái trong lúc làm việc nhà với những câu hỏi “Tại sao?”, nhằm kích thích sự tò mò hiểu biết của trẻ. Có thể lấy một ví dụ khi cha mẹ trồng rau thân leo trong thùng xốp, và cắm vài cái que cạnh cây. Nếu trẻ có óc quan sát tốt, sẽ nhanh chóng nhận ra sự xuất hiện của những cái que đó và thắc mắc với cha mẹ. Khi ấy, cha mẹ cần có những lời động viên, khen ngợi trẻ vì trẻ đã tự tìm ra điểm khác biệt so với trồng các loại rau khác.
Tuy nhiên, trong trường hơp bé vẫn chưa nhận ra được sự khác biệt, cha mẹ có thể đặt câu hỏi, chẳng hạn như “Con có biết tại sao mẹ lại cắm mấy cái que cạnh cây rau không”, nhằm giúp bé tập trung được sự chú ý trong quan sát, lại vừa gợi mở cho bé hiểu về mọi thứ xung quanh.
Khi làm công việc nhà, trẻ không chỉ đơn thuần sao chép những hành động của cha mẹ, mà còn học cách cân nhắc, và tìm ra cách giải quyết một vấn đề thông qua quan sát. Điều quan trọng là khi có tình huống, cha mẹ nên biến nó thành một bài toán nhỏ để trẻ có cơ hội giải quyết. Chính những bài toán hàng ngày này sẽ giúp bé biết suy ngẫm, tìm cách giải quyết vấn đề, khích lệ sự tự tin và sáng tạo của bé về sau.