Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường cho rằng, thời gian qua, tăng trưởng kinh tế, quá trình công nghiệp hoá và phát triển đô thị tăng nhanh đã tác động xấu đến môi trường sinh thái như sự gia tăng phát thải nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt; gia tăng số lượng chất thải rắn trong sinh hoạt và trong công nghiệp; gia tăng phát thải các chất gây ô nhiễm không khí từ cả quá trình sản xuất công nghiệp và sử dụng các sản phẩm gây ô nhiễm; ô nhiễm ngày càng gia tăng cả trên mặt đất, trong lòng đất, nước và trong không khí.
Đa số ý kiến cho rằng, có sự khác nhau về tính chất giữa thuế bảo vệ môi trường và phí môi trường. |
Hiện trạng môi trường tiếp tục xuống cấp nêu trên là những thách thức nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam trong thời gian tới. Nếu không kịp thời có các giải pháp giảm dần lượng phát thải chất độc hại thì nguy cơ ô nhiễm sẽ ngày càng gia tăng.
Báo cáo cũng cho rằng, nước ta chưa có một sắc thuế riêng về bảo vệ môi trường để thu vào hàng hoá khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường nhằm hạn chế sản xuất và tiêu dùng hàng hóa loại này. Tuy nhiên, thời gian qua Chính phủ đã ban hành và thực thi nhiều biện pháp tài chính nhằm khuyến khích nhà đầu tư tham gia trực tiếp các hoạt động xử lý ô nhiễm môi trường, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả các nguồn tài nguyên và huy động một phần đóng góp của đối tượng xả thải vào việc khôi phục môi trường.
Các biện pháp này được thực hiện trong một số loại thuế như thuế đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế tài nguyên, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp và thông qua các khoản phí, lệ phí thu đối với các hoạt động liên quan tới môi trường như: Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn...
Ngoài các khoản phí bảo vệ môi trường, hiện đang có chính sách phí xăng dầu, thu đối với xăng các loại, dầu diesel, dầu hoả, dầu mazút, dầu mỡ nhờn. Số thu từ phí xăng dầu được phân chia theo tỷ lệ phần trăm giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
Tổng thu các khoản phí bảo vệ môi trường năm 2008 là 1.224 tỷ đồng. Nếu tính cả số thu từ phí xăng dầu 9.000 tỷ đồng/năm thì tổng số thu là 10.224 tỷ đồng/năm. Hàng năm, Nhà nước dành 1% tổng chi ngân sách nhà nước (tương đương 4.000 tỷ đồng) để chi sự nghiệp bảo vệ môi trường, chưa kể đến kinh phí cho các dự án đầu tư xử lý chất thải và vệ sinh môi trường đô thị. Nhu cầu tài chính cho bảo vệ môi trường hiện hành rất lớn. Tính riêng nhu cầu cho các đề án tổng thể cải tạo môi trường và chương trình xử lý ô nhiễm ở các làng nghề, khu công nghiệp vào khoảng 17.678 tỷ đồng/năm. Nếu tính cả nhu cầu đầu tư xử lý chất thải sinh hoạt tại các khu vực dân cư tập trung, đầu tư phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản... thì nhu cầu tài chính cho bảo vệ môi trường còn cao hơn nữa. |
Báo cáo Thẩm tra của UBTVQH cho rằng, đến nay, việc ban hành và thực thi chính sách về bảo vệ môi trường ở Việt Nam còn nhiều hạn chế: Các quy định về nghĩa vụ tài chính đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường chưa được xác định đầy đủ, bao quát, tính hiệu lực chưa cao, dẫn đến ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của nhiều tổ chức, cá nhân còn rất thấp. Hiện tại, trong hệ thống pháp luật chỉ có một số quy định về phí môi trường đối với nước thải, chất thải rắn, phí xăng dầu... Một số quy định gián tiếp điều chỉnh đến công tác bảo vệ môi trường lại chưa được pháp điển hóa, nằm rải rác, lồng ghép trong một số đạo luật khác nhau; Mức thu từ phí bảo vệ môi trường lại rất hạn chế, không đủ sức ngăn chặn hành vi gây ô nhiễm, dẫn đến nhiều hành vi gây tác động nghiêm trọng đến môi trường không được xử lý nghiêm minh; Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng đặt ra yêu cầu phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo vệ môi trường.
Trước thực trạng này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc ban hành Luật Thuế bảo vệ môi trường là cần thiết, nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, ổn định điều chỉnh toàn diện các hành vi tác động tiêu cực đến môi trường; khắc phục hạn chế trong chính sách thu hiện hành; tạo nguồn lực tài chính bù đắp chi phí bảo vệ môi trường; bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển bền vững; đồng thời đáp ứng việc thực hiện cam kết quốc tế, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.
Luật Thuế bảo vệ môi trường sẽ tạo công cụ quản lý vĩ mô hữu hiệu, bảo đảm việc thực hiện trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân gây tác động tiêu cực đến môi trường; nâng cao nhận thức của người dân trong thực hiện nghĩa vụ bảo vệ môi trường.
Báo cáo Thẩm tra cũng cho rằng, việc ban hành luật phải được đặt trong mối quan hệ tổng thể với các quy định của pháp luật liên quan, nhất là Pháp lệnh phí, lệ phí; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của toàn hệ thống, phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng việc thực hiện cam kết quốc tế.
Đa số ý kiến cho rằng, có sự khác nhau về tính chất giữa thuế bảo vệ môi trường và phí môi trường. Nếu thuế được thu vào sản phẩm gây tác động xấu đến môi trường khi sử dụng thì phí đánh vào nguồn gây ô nhiễm (thu vào các chất thải ra trong quá trình sản xuất như phí nước thải, phí chất thải rắn...). Vì vậy, vẫn phải áp dụng cả phí môi trường và thuế bảo vệ môi trường ở những công đoạn khác nhau.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 13 của Dự thảo luật thì chỉ riêng đối với mặt hàng xăng, dầu khi áp dụng thuế môi trường sẽ bỏ quy định về thu phí xăng, dầu còn đối với một số mặt hàng khác như than…vẫn tiếp tục phải chịu thêm cả phí môi trường.
Vì vậy, đề nghị: phân định rõ sự khác nhau về bản chất giữa thuế bảo vệ môi trường và phí môi trường; lý giải cụ thể, có cơ sở khoa học về trường hợp nào chỉ áp dụng thuế bảo vệ môi trường, trường hợp nào áp dụng cả phí và thuế.
Quang Anh