Tuy nhiên, để đạt được, cần có những bước đi đúng đắn và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Nhà nước, cơ sở giáo dục và cộng đồng.
Xu thế phù hợp
TS Huỳnh Công Minh - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM nhận định, thành tựu mà ngành Giáo dục đạt được thời gian qua là hành trang tiến bước về phía trước. Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Những bước đi cụ thể của Đảng và Nhà nước hiện nay như tinh gọn bộ máy, chuyển đổi số, tăng cường mối quan hệ quốc tế là phù hợp thời đại, cơ hội để dân tộc có thể đi tắt đón đầu, đưa đất nước phát triển ngang tầm khu vực, thế giới trong giai đoạn mới. “Vì vậy, mục tiêu đến năm 2030, giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á và đến năm 2045 đạt trình độ tiên tiến của thế giới, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được và làm tốt”, TS Huỳnh Công Minh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, thầy Đinh Văn Trịnh - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hiền (Quận 12) đánh giá, mục tiêu này hoàn toàn khả thi nếu có những bước đi đúng đắn và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Nhà nước, cơ sở giáo dục và cộng đồng. Giáo dục không chỉ là quá trình giảng dạy, mà còn là sự phát triển bền vững về chất lượng đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, công nghệ giáo dục cùng với phương pháp giảng dạy.
“Với quyết tâm và đầu tư mạnh mẽ từ Chính phủ, đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục, Việt Nam có thể vươn tới mục tiêu này. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi chiến lược dài hạn, sự đồng lòng của các cấp lãnh đạo và tổ chức xã hội”, thầy Trịnh nhấn mạnh.
Cũng theo thầy Đinh Văn Trịnh, Việt Nam có nhiều tiềm năng, nền tảng vững chắc để phát triển giáo dục như: Dân số trẻ, ham học hỏi, truyền thống hiếu học. Bên cạnh đó, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đòi hỏi Việt Nam phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động toàn cầu. Sự phát triển của nền kinh tế tri thức buộc giáo dục phải trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết để thích ứng với thay đổi nhanh chóng của thế giới là các yếu tố thúc đẩy.
“Một trong những khó khăn có thể kể tới là chất lượng đội ngũ. Cụ thể, dù giáo viên Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và tâm huyết, nhưng vẫn cần nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm, khả năng ứng dụng công nghệ trong giảng dạy.
Việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên phải liên tục và thực chất; một bộ phận giáo viên chưa được đào tạo bài bản, thiếu kinh nghiệm và kỹ năng sư phạm hiện đại; chế độ đãi ngộ cho giáo viên chưa thực sự hấp dẫn, dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên giỏi.
Trong khi đó, các trường học vùng sâu, xa còn hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, đặc biệt việc tiếp cận công nghệ. Phát triển cơ sở hạ tầng giáo dục đồng bộ cũng là thách thức lớn. Ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và học tập còn nhiều khó khăn”, thầy Trịnh phân tích.

Đồng bộ giải pháp
Các chuyên gia cho rằng, dù chương trình giáo dục hiện tại đã cải cách, nhưng việc đổi mới phương pháp dạy và học, tạo ra môi trường giáo dục linh hoạt và sáng tạo vẫn là vấn đề phải cải thiện liên tục.
Học sinh cần được trang bị không chỉ kiến thức mà cả kỹ năng mềm, tư duy phản biện, khả năng sáng tạo để cạnh tranh trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, chuyển mình từ mô hình giáo dục truyền thống sang hiện đại và sáng tạo gặp phải sự ngần ngại, chưa đầy đủ hiểu biết từ một bộ phận giáo viên và phụ huynh.
Thầy Đinh Văn Trịnh cho rằng, chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các vùng miền, thành phố lớn và nông thôn còn tồn tại. Phân bổ nguồn lực hợp lý để đảm bảo công bằng trong giáo dục là thách thức lớn. Học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số, gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận giáo dục chất lượng.
“Vì vậy, các cấp chính quyền cùng ngành Giáo dục cần đầu tư mạnh mẽ vào đào tạo và phát triển đội ngũ giáo viên, cải thiện cơ sở vật chất và ứng dụng công nghệ, đổi mới chương trình và phương pháp dạy học. Đồng thời phải tăng cường hợp tác quốc tế và chính sách hỗ trợ vùng khó khăn, như phân bổ ngân sách hợp lý cho vùng miền còn thiếu thốn cơ sở vật chất, tạo điều kiện học tập bình đẳng cho tất cả học sinh”, thầy Trịnh nêu các giải pháp.
TS Huỳnh Công Minh thì cho rằng, để đạt được mục tiêu thì các cấp quản lý phải có tư tưởng mạnh dạn, bộ máy phải tinh gọn, hoạt động hiệu quả, đặc biệt phải nhận thức đầy đủ về tình hình hiện nay.
“Những năm gần đây, Chính phủ đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục, thể hiện qua các chính sách và chiến lược phát triển giáo dục. Ngoài ra, phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông tạo ra nhiều cơ hội để đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập. Nếu phát huy được những điều này, mục tiêu trên sẽ đạt được nhanh chóng”, TS Huỳnh Công Minh khẳng định.
ThS Bùi Khánh Nguyên - chuyên gia giáo dục độc lập tại TPHCM cho rằng, rất cần sự hội nhập về tiêu chuẩn và thông lệ trong giáo dục bên cạnh phát huy các thế mạnh, bản sắc riêng. Việc này có thể đạt được qua áp dụng các thành quả nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục của thế giới thay vì chỉ dựa vào kinh nghiệm để giải quyết vấn đề. Ngoài ra cần ứng dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo để nhảy vọt, thay vì đi tuần tự theo truyền thống những thập kỷ qua.