Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch quốc gia Hoàng Nhân Chính cũng cho rằng, điều quan trọng là cơ quan quản lý cũng phải có thay đổi, không phải tập trung vào số lượng khách du lịch mà là chất lượng du khách.
Tăng số lượng và... quá tải
Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch (Bộ VH,TT&DL), ước tính số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 7 đạt hơn 1,31 triệu lượt khách, tăng 11% so với tháng 6 và tăng 10,7% so với tháng 7/2018. Như vậy, số khách quốc tế đến Việt Nam từ đầu năm đến nay đạt hơn 9,79 triệu lượt khách, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường khách đến tăng mạnh trên hai con số là: Thái Lan (tăng 48,2%); Hàn Quốc (tăng 22,1%); Indonesia (tăng 21,2%); Ấn Độ (tăng 19,9%); Malaysia (tăng 13,9%); Nhật Bản (tăng 12,9%)...
Ước tính số khách du lịch trong nước 7 tháng qua đạt 52,4 triệu lượt khách, trong đó có 26,9 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch đạt 401 nghìn tỷ đồng, tăng 8,67% so với cùng kỳ năm 2018. Với nhiều sự kiện được tổ chức và ra mắt các sản phẩm du lịch mới từ nay đến cuối năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam dự kiến còn tiếp tục tăng trưởng và khả năng sẽ đạt được mục tiêu đón được từ 17 đến 18 triệu lượt khách đã đề ra.
Nhìn vào số lượt du khách mà ngành du lịch đón được năm sau cao hơn năm trước không ít người vui mừng. Bởi đó cũng là dấu hiệu cho thấy, du lịch Việt Nam có những bước tăng trưởng nhất định. Nhưng các chuyên gia đánh giá rằng, mức chi tiêu bình quân của khách du lịch khi đến nước ta còn thấp. Cùng với đó, lượng khách chỉ đổ dồn về những điểm đến nhất định gây hiện tượng ùn ứ, quá tải.
Ví dụ, với Hà Nội, hay Hội An khách du lịch chủ yếu đổ dồn về khu vực phố cổ. Hay ở Lâm Đồng thì TP Đà Lạt giờ đây cũng đã chứng kiến cảnh tắc đường kéo dài. Đà Lạt mộng mơ giờ cũng bớt đáng yêu bởi sự ồn ào, ngột ngạt. Cùng chung tình trạng đó, những điểm đến như: Vũng Tàu, Đà Nẵng, Phú Quốc, Côn Đảo, Hạ Long, TPHCM cũng rơi vào quá tải...
Việc quá tải ở các điểm du lịch trở thành hiện thực đáng báo động. Các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo, du lịch Việt Nam lâu nay còn say sưa với những con số tăng trưởng. Đã đến lúc các cơ quan quản lý phải nghiêm túc nhìn lại những điều được và mất để thay đổi chính sách, nếu không du lịch Việt Nam phải trả giá đắt.
Tập trung vào chất lượng du khách
Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch quốc gia Hoàng Nhân Chính cho rằng, để du lịch Việt Nam phát triển về chất, điều quan trọng là cơ quan quản lý cũng phải có thay đổi. Theo đó, du lịch Việt không phải tập trung vào số lượng khách du lịch mà là chất lượng du khách. Từ quan điểm đó có thể thấy, việc tìm kiếm thị trường khách du lịch tiềm năng, tập trung cho công tác xúc tiến quảng bá là một trong những khâu đặc biệt quan trọng. Về công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, có thể thấy kinh phí của chúng ta còn hạn hẹp.
Với một số nước trong khu vực và trên thế giới việc chi 60 đến 100 triệu USD hằng năm cho công tác này là bình thường, trong khi ta chỉ chi khoảng 2 triệu USD/năm. Phân tích của chuyên gia cho thấy, để thu hút được thêm du khách quốc tế thu lợi cỡ khoảng 1.000 - 5.000 USD mỗi khách, thì phải bỏ ra ít nhất là 1 USD. Vậy để thu hút khoảng 20 triệu khách quốc tế năm 2020, chúng ta phải có tối thiểu 20 triệu USD chỉ tập trung cho công tác quảng bá, xúc tiến.
Nói về tầm quan trọng của việc tìm hiểu thị trường tiềm năng, xúc tiến du lịch, Giám đốc Công ty Du lịch Tiên Phong Phùng Xuân Khánh chia sẻ: Công tác chọn thị trường để xúc tiến rất quan trọng. Chúng ta cần xúc tiến vào các thị trường có khả năng chi trả tốt, chứ không xúc tiến vào thị trường đông khách, nhưng khả năng chi trả lại không tốt. Lâu nay, Philippines là thị trường chúng ta bỏ ngỏ. Nhưng gần đây, Tổng cục Du lịch đã quan tâm xúc tiến và du khách Philippines cũng có khả năng chi trả rất tốt. Ngoài ra, Indonesia cũng là một thị trường tốt và du khách cũng có khả năng chi trả cao. Du khách Indonesia đến Hà Nội, Đà Nẵng rất nhiều và chi tiêu cao.