Hội nghị được tổ chức theo định kỳ 2 năm/lần, với mục tiêu là diễn đàn quốc tế chất lượng cao, thu hút được nhiều nhà khoa học, các chuyên gia, học giả trong và ngoài nước tham dự. Hội nghị sẽ nằm trong danh mục các hội thảo lớn trên thế giới (Scopus, ISI,…).
Hội nghị ICSCE 2020 là hội nghị quốc tế lần thứ ba được tổ chức sau hai kỳ hội nghị thành công. Hội nghị lần này nhận được nhiều báo cáo có chất lượng cao, sáng tạo của các nhà khoa học trong và ngoài nước, với hơn 200 bản tóm tắt từ 17 quốc gia, vùng lãnh thổ, tập trung vào hơn 20 chủ đề khác nhau thuộc các lĩnh vực xây dựng, giao thông và môi trường.
Số lượng tóm tắt đã nộp tăng khoảng 40% so với kỳ hội nghị trước. Trong số đó có 125 bài toàn văn được chấp thuận sau khi có ý kiến phản biện bởi hơn 100 nhà khoa học trong và ngoài nước.
Với một bước tiến lớn, năm nay các bài đã chọn được phân ra thành nhiều cấp độ, với 26 bài được đăng trên tạp chí quốc tế Journal of Materials and Engineering Structures (Tạp chí vật liệu và kết cấu kỹ thuật JMES);46 bài được chọn đăng thành sách trong Lecture Notesin Civil Engineering của Nhà xuất bản nổi tiếng thế giới Springer (sách này nằm trong danh mục SCOPUS);15 bài đăng trên tạp chí Khoa học Giao thông vận tải - một tạp chí trong danh mục của Hội đồng Giáo sư Nhà nước; các bài còn lại được đăng trong kỷ yếu của hội thảo với chỉ số ISBN.
Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất quan điểm, phát triển bền vững là xu thế tất yếu cần hướng đến trong lĩnh vực xây dựng công trình trên thế giới. Theo đó, bản chất của việc quy hoạch, thiết kế, xây dựng và quản lý khai thác công trình có đảm bảo tính “bền vững”, hay cụ thể hơn là các vấn đề về độ bền, tuổi thọ công trình.
Đây là những vấn đề đang được quan tâm hiện nay, đặc biệt đối với công trình giao thông. Theo đó, việc nghiên cứu, tìm ra các giải pháp tối ưu về vật liệu, kĩ thuật, thi công sao cho công trình không chỉ đáp ứng yêu cầu sử dụng trước mắt, mà còn có khả năng điều chỉnh để đáp ứng các yêu cầu sử dụng trong tương lai; đồng thời không gây ra các hệ quả, các tác động xấu về môi trường, tài nguyên và sinh thái cho thế hệ mai sau.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Long – Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải khẳng định, nhà trường chính là cầu nối tốt nhất để sáng tạo, tiếp nhận và nắm bắt tư tưởng về “phát triển bền vững” trong kĩ thuật xây dựng; đồng thời tìm ra các giải pháp thiết thực để hiện thực hóa tư tưởng này trong thực tế xây dựng công trình. Trên tinh thần đó, nhiều nhóm nghiên cứu của nhà trường đã chủ động tổ chức và tiến hành các nghiên cứu theo hướng “phát triển bền vững”.
Trường ĐH Giao thông vận tải cũng là đơn vị tiên phong trong việc nghiên cứu, tiếp nhận các dòng chảy mới trong khoa học và ứng dụng, triển khai trong đời sống kĩ thuật. Lĩnh vực hoạt động chính của trường liên quan đến tất cả các khía cạnh khác nhau của quá trình triển khai các công trình giao thông, công trình thủy và dân dụng; bao gồm: Vật liệu, thiết kế, công nghệ thi công, quy hoạch phát triển, khai thác,vận hành và bảo trì công trình…