(GD&TĐ) - Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực dạy nghề vừa được Chính phủ ban hành.
Ảnh minh họa |
Theo Nghị định này, mức phạt tối đa trong lĩnh vực dạy nghề đối với cá nhân là 75 triệu đồng, đối với tổ chức là 150 triệu đồng. Cùng một hành vi vi phạm hành chính, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Ngoài phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong dạy nghề còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả. Đó là:
Đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi quyết định thành lập, cho phép thành lập. Buộc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề, giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động dạy nghề. Buộc khôi phục quyền lợi học tập cho người học, hoàn trả cho người học các khoản đã thu, trường hợp không xác định được người học để hoàn trả thì buộc nộp vào ngân sách nhà nước.
Buộc giảng dạy bổ sung số giờ học còn thiếu; buộc thực hiện đúng việc xây dựng tiến độ đào tạo, kế hoạch đào tạo, kế hoạch giáo viên và sử dụng biểu mẫu, sổ sách quản lý dạy và học; buộc xây dựng lại chương trình dạy nghề; buộc hủy bỏ kết quả trúng tuyển; thông báo công khai việc dừng tuyển sinh; cải chính trên các phương tiện thông tin đại chúng; thực hiện việc bố trí số lượng HSSV của một lớp theo đúng quy định; buộc tiêu hủy phôi văn bằng, chứng chỉ nghề đã in; buộc thu hồi văn bằng, chứng chỉ nghề đã cấp; buộc thu hồi thẻ kiểm định viên chất lượng dạy nghề, thẻ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia…
Một số quy định phạt hành chính đáng chú ý: Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi thông báo tuyển sinh bằng mọi hình thức khi chưa đăng ký hoạt động dạy nghề với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối với hành vi thu nhận hồ sơ, tổ chức thi hoặc xét tuyển khi chưa đăng ký hoạt động dạy nghề với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì sẽ bị phạt tiền từ 15-20 triệu đồng.
Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Sử dụng chương trình đào tạo của nước ngoài nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận về chất lượng; không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ các thông tin liên quan đến chương trình liên kết đào tạo trên trang thông tin điện tử của cơ sở liên kết.
Đối với một trong các hành vi vi phạm: Liên kết đào tạo nghề với cơ sở giáo dục nước ngoài mà chưa được cơ quan, tổ chức kiểm định chất lượng hoặc cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài công nhận về chất lượng hoặc chưa được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam công nhận; liên kết đào tạo nghề với cơ sở giáo dục nước ngoài đào tạo những nghề ngoài danh mục các ngành, nghề đào tạo được phép hợp tác đầu tư trong lĩnh vực dạy nghề tại Việt Nam thì sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.
Hải Bình