Phát tiền chống lạm phát

GD&TĐ -Để đối phó với đà lạm phát gia tăng, Bộ Tài chính Singapore thông báo, trong tháng 8/2022 sắp tới, khoảng 1,5 triệu dân thuộc diện cần hỗ trợ ở nước này sẽ nhận được đến 700 đô la Singapore (tương đương khoảng 11,6 triệu VNĐ) mỗi người.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Thông tin này chính thức được Bộ Tài chính Singapore đưa ra trong ngày 12/7 như một phần cụ thể trong gói hỗ trợ của chính phủ đảo quốc Đông Nam Á, nhằm giúp người dân gặp khó khăn đối phó với lạm phát.

Gói hỗ trợ này của Singapore được Phó Thủ tướng Lawrence Wong công bố hồi tháng 6/2022 vừa qua có tổng trị giá 1,5 tỉ đô la Singapore (tương đương khoảng 1 tỉ USD).

Đối tượng áp dụng chung trong gói này là những người trên 21 tuổi và có thu nhập trong năm 2021 dưới 34.000 đô la Singapore. Mỗi người đủ điều kiện sẽ được nhận tổng cộng tối đa 700 đô la trong tháng 8/2022 qua hai hình thức là tiền mặt và voucher, nhằm hỗ trợ những người thu nhập thấp, người cao tuổi chi trả phí sinh hoạt, hàng hóa và dịch vụ trong bối cảnh bão giá.

Ngoài số tiền trên, những người trên 65 tuổi còn sẽ được hỗ trợ từ 250 đô la đến tối đa 450 đô la trong tài khoản tiết kiệm y tế cũng nhằm đối phó với lạm phát.

Bên cạnh đó, Singapore còn dự kiến sẽ có những khoản hỗ trợ khác cho người dân trong những tháng tới, trong bối cảnh chính quyền nước này đang tìm cách tăng cường hỗ trợ người dân đối mặt với chi phí sống tăng cao, giá năng lượng và thực phẩm cũng leo thang trong khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Lạm phát cao hiện nay là vấn đề chung mà không chỉ Singapore phải đối mặt, mà cả khu vực Đông Nam Á và nhiều nước trên thế giới đang gặp phải. Tại khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ lạm phát không ngừng tăng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và nguy cơ kéo lùi sự phục hồi kinh tế khu vực sau Covid-19.

Trong đó, Lào đang là quốc gia có mức lạm phát cao nhất khu vực khi tháng 6/2022 đã tăng tới 23,6% so với cùng kỳ năm 2021 và cũng là mức cao nhất ở nước này trong 22 năm qua. Giá nhiên liệu, khí đốt, thực phẩm và các mặt hàng nhập khẩu tăng vọt, cộng với đồng Kip nội tệ giảm giá là những nguyên nhân chính thúc đẩy lạm phát ở Lào.

Tình hình tại Thái Lan cũng không khả quan hơn khi chỉ số giá tiêu dùng tại nước này đang tăng cao nhất trong 13 năm qua. Giá thịt, cá và một số thực phẩm liên tục tăng thời gian qua đã ảnh hưởng trực tiếp tới các hộ gia đình Thái Lan.

Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát tại Singapore cũng đang ở mức đỉnh trong 11 năm qua. Tuy nhiên không phải nước nào cũng có điều kiện hỗ trợ tiền mặt cho người dân ứng phó lạm phát như Singapore đang làm.

Đà lạm phát ở Đông Nam Á và trên toàn cầu do nhiều lý do gây ra như cuộc xung đột Nga - Ukraine, giá dầu và năng lượng liên tục lập đỉnh mới, sự đứt gãy chuỗi cung ứng hay chính sách zero-Covid của Trung Quốc.

Những quốc gia có tiềm lực tài chính như Singapore có thể tung ngân sách để hỗ trợ người dân, hạ một số sắc thuế để người dân và doanh nghiệp đối phó với lạm phát.

Nhưng ở nhiều nước khác, người dân không được may mắn như vậy và những người nghèo, thu nhập thấp trở thành tầng lớp dễ tổn thương nhất khi lạm phát tăng cao.

Từ đó dẫn tới bất ổn chính trị như đang diễn ra tại Sri Lanka, khi tình cảnh khủng hoảng kinh tế khiến người dân tức giận tấn công cả phủ tổng thống. Đây cũng là ví dụ điển hình cho thấy, nguy cơ tiềm tàng gây bất ổn của tình trạng lạm phát phi mã.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ