Văn Phú Invest được biết đến nhà đầu tư xây dựng nhiều công trình lớn, trong đó nhiều dự án được triển khai theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng).
'Ông lớn' trong lĩnh vực đầu tư hình thức BT
Tiền thân của Văn Phú Invest là một chi nhánh tại Hà Nội của một công ty thuộc Nhà nước quản lý. Ra đời vào năm 2003, đến năm 2008, Văn Phú Invest chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần và đổi tên thành CTCP Đầu tư Văn Phú Invest (Hose: VPI) với 100% vốn tư nhân, có vốn điều lệ 45,8 tỷ đồng.
Vào thời điểm 6 tháng đầu năm 2022, vốn điều lệ Văn Phú Invest đạt 2.199 tỷ đồng, trong đó, khoảng 60% cổ phần nằm trong tay của Chủ tịch HĐQT Tô Như Toàn và những người trong gia đình. Ông Tô Như Toàn trước làm việc cho công ty thuộc Nhà nước quản lý, sau khi cổ phần hoá thì trở thành lãnh đạo của Văn Phú Invest như hiện nay.
Trong những năm qua, Văn Phú Invest đã tham gia nhiều dự án BT và cũng từ đó đơn vị này đang sở hữu quỹ đất rất lớn ở nhiều thành phố lớn. Dự án BT đầu tiên mà Văn Phú Invest tham gia đầu tư là Dự án xây dựng trụ sở mới Trường Đại học Kỹ thuật - Hậu cần Công an nhân dân theo hình thức Xây dựng – Chuyển giao (BT) vào năm 2011. Dự án này mang về cho Văn Phú - Invest quỹ đất 1,7ha tại Cầu Giấy, Hà Nội.
Năm 2015 - 2016, Văn Phú Invest đã được giao đầu tư, xây dựng và kinh doanh tại khu đất hơn 9.000m2 tại 138B Giảng Võ, quận Ba Đình, TP Hà Nội, đổi lại đơn vị này đã xây dựng trụ sở mới Trường Đại học Y tế Công cộng trên khuôn viên 7,73ha tại phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội).
Năm 2015, Văn Phú Invest chi ra 33,7 tỷ đồng để sở hữu 46,8% cổ phần tại Công ty TNHH MTV In và Văn hóa phẩm. Từ đây, Văn Phú Invest đã có quỹ đất tại 83 Hào Nam, quận Đống Đa, Hà Nội với diện tích 6.881m2 để phát triển dự án theo hình thức hợp tác đầu tư.
'Đất vàng' đổi… 'đường kim cương'
Văn Phú Invest hiện cũng đang triển khai dự án tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị, dân cư quận Hà Đông có tổng chiều dài 6,2km với tổng mức đầu tư gần 1.961 tỷ đồng và Dự án nâng cấp và mở rộng tuyến đường 70 đoạn Văn Điển – Hà Đông có chiều dài 15km với tổng mức đầu tư 3.069,6 tỷ đồng. Những dự án này hy vọng đưa về cho VPI thêm nhiều quỹ đất sạch trong tương lai.
Mới đây, UBND TPHCM vừa có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép dùng một số quỹ đất để thanh toán cho một số dự án BT. Trong đó, đối với quỹ đất thanh toán cho Hợp đồng BT dự án xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - Quốc lộ 1 TP Thủ Đức cho nhà đầu tư là liên danh CTCP Tư vấn HNS Việt Nam, CTCP Văn Phú Invest, CTCP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái, gồm: Khu đất số 234 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, Quận 1, diện tích 642,3m2; Khu đất 582 Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân, diện tích 12.240,3m2; Khu đất 132 Đào Duy Từ, Phường 6, Quận 1, diện tích 10.618,5m2; Khu đất 12 Kỳ Đồng, Phường 9, Quận 3 diện tích 940m2.
Được biết, Dự án Đường vành đai 2 nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (Quốc lộ 1) dài 2,7km, tổng mức đầu tư hơn 2.527 tỷ đồng được khởi công năm 2017 đến nay chưa thể hoàn thành do vướng mặt bằng và phương thức thanh toán cho nhà đầu tư.
Cụ thể, tháng 4/2015, Chính phủ có có công văn đồng ý cho TPHCM áp dụng chỉ định nhà đầu tư BT thực hiện Dự án Đường vành đai 2. Tháng 11/2016, UBND TPHCM ký hợp đồng với Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư HNS Việt Nam - Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest - Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Bắc Ái để thực hiện Dự án theo hình thức BT.
Tuy nhiên, từ tháng 3/2020 khi dự án đạt 43,8% giá trị hợp đồng xây lắp, nhà đầu tư đã tạm dừng thi công. Một trong những nguyên nhân dự án đình trệ do chưa thống nhất quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư.
Như vậy, nếu kiến nghị của UBND TPHCM được thông qua, thì với 2,7km đã mang lại cho Văn Phú - Invest hàng chục ha đất sạch để triển khai dự án tại các quận tại TPHCM.
Bị “tuýt còi” vì không đăng ký chào mua công khai cổ phiếu
Ngày 7/9/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết đã ban hành quyết định xử phạt về vi phạm hành chính đối với Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest (mã chứng khoán VPI).
Ủy ban Chứng khoán xử phạt Văn Phú - Invest do đã vi phạm quy định của pháp luật, không đăng ký chào mua công khai cổ phiếu. Cụ thể, qua kiểm tra giám sát, Ủy ban Chứng khoán phát hiện ngày 25/6/2021, Văn Phú - Invest mua hơn 3,71 triệu cổ phiếu Công ty CP Thực phẩm Hà Nội (mã chứng khoán HAF).
Sau giao dịch, số lượng nắm giữ tăng lên gần 3,72 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 25,65% vốn điều lệ của HAF, tuy nhiên công ty đã không thực hiện công bố công khai theo đúng quy định.
Do đó, Ủy ban Chứng khoán ban hành quyết định xử phạt hành chính với số tiền 200 triệu đồng theo quy định tại Điểm a, Khoản 3, điều 17, Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 156/2020/NĐ-CP).
Ủy ban Chứng khoán buộc công ty này từ bỏ quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được ủy quyền trên số cổ phần có được từ hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định số 156/2020/NĐ-CP; buộc bán cổ phiếu để giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới mức phải chào mua công khai đối với hành vi vi phạm trong thời hạn tối đa 6 tháng kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành theo quy định tại Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.