Phạt nặng thuyền trưởng!

GD&TĐ - UBND TP Quảng Ngãi vừa có quyết định xử phạt 9 thuyền trưởng các tàu đánh cá thuộc xã Nghĩa An, mỗi tàu 25 triệu đồng.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Lý do phạt là thiết bị giám sát hành trình của những tàu đánh cá này bị hỏng suốt 10 ngày mà không chịu trở về đất liền để khắc phục.

Lực lượng chức năng ở đất liền không cách gì để biết số tàu cá này đang hành nghề ở vị trí nào trên biển. Những hoạt động của họ hoàn toàn vượt khỏi tầm kiểm soát của cơ quan giám sát trên bờ. Chín tàu cá nói trên, dù biết là vi phạm quy định nhưng vẫn ở ráng thêm 10 ngày cho đủ phiên biển rồi mới trở về đất liền.

Không biết số cá kiếm được trong 10 ngày “ở ráng” ngoài biển có đủ nộp phạt không nhưng rõ ràng, việc xử lý bằng hình thức phạt tiền, lại giam bằng hành nghề của thuyền trưởng 4, 5 tháng là cách để đi đến chấm dứt hẳn tình trạng vi phạm các quy định trong việc hành nghề biển mà cơ quan giám sát ở đất liền, cụ thể là lực lượng biên phòng không biết.

Các quy định mà nhiều tàu cá vi phạm hiện nay là khai thác cá bằng thuốc nổ, đánh bắt cá thuộc hải phận của nước khác, xử lý số cá khai thác được không đúng các tiêu chuẩn quy định hiện hành…

Những vi phạm trên đây là lý do để Ủy ban châu Âu (EC) rút thẻ vàng cảnh cáo Việt Nam khiến cho việc nhập khẩu hải sản vào châu Âu gặp rất nhiều khó khăn trong những năm gần đây.

Đã có những thời điểm, số hải sản đánh bắt được từ Việt Nam đã bị từ chối khi nhập khẩu vào châu Âu do vi phạm các quy định như đã nói ở trên khiến Ủy ban châu Âu (EC) ra hẳn cảnh báo là sẽ rút thẻ đỏ, chấm dứt việc khập khẩu thủy hải sản từ Việt Nam nếu tiếp tục vi phạm.

Trước nguy cơ mỗi năm sẽ mất 1,22 tỉ đô la (số liệu năm 2020), Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo cho các ngành chức năng, đặc biệt là các địa phương có lượng tàu đánh bắt xa bờ nhiều, cần phải chấn chỉnh một cách nghiêm túc và thực chất việc chấp hành đúng luật trong khi hành nghề trên biển.

Không chỉ quán triệt “trên giấy” ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc chỉ động viên suông, các tỉnh đã ra quy định bắt buộc các tàu cá có chiều dài từ 15m - 24m phải gắn thiết bị giám sát hành trình thì mới được phép ra khơi hành nghề.

Quy định bắt buộc này khiến các chủ tàu không thể làm ăn gian dối trên biển như lâu nay được vì qua thiết bị giám sát hành trình này, cơ quan chức năng ở trên bờ vẫn có thể biết được thông tin số tàu cá mà mình quản lý đang ở ngư trường nào, hành nghề như thế nào, có vi phạm các quy định của luật pháp của Việt Nam lẫn luật pháp quốc tế không…

Hàng năm, một số tàu cá của Việt Nam vi phạm chủ quyền lãnh hải của các nước trong khu vực. Đã có nhiều vụ xét xử, tịch thu phương tiện, giam người… xảy ra trong những năm qua nhưng việc vi phạm không vì thế mà ít đi.

Chính vì vậy, việc gắn thiết bị giám sát hành trình trên mỗi tàu cá đánh bắt xa bờ sẽ góp phần chấm dứt tình trạng vi phạm chủ quyền lãnh hải của nước khác, cũng là một trong những cách khắc phục tốt nhất để EC sẽ gỡ thẻ vàng vào cuối năm 2023 như Chính phủ Việt Nam đã cam kết hồi cuối năm 2022.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ